Lễ hội

Lễ hội làng Triều Khúc đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng 14/2, UBND xã Tân Triều, huyện Thanh Trì tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hằng năm, cứ vào mùng 9 đến 12 tháng Giêng âm lịch, người dân làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) lại hồ hởi, háo hức rủ nhau đi xem lễ hội truyền thống, tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đã mang lại cuộc sống no ấm, yên bình cho làng. Lễ hội làng Triều Khúc hàng năm đều bắt đầu với đặc sản là điệu múa “Con đĩ đánh bồng” thu hút được đông đảo nhân dân và du khách về tham dự.

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nông Quốc Thành trao Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì và xã Tân Triều. Ảnh: KTĐT.

Cứ mỗi độ xuân về, Tết Nguyên Đán đi qua, nhân dân làng Triều Khúc lại mở hội, chung vui trong ngày lễ lớn của làng. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao to lớn của vị vua Phùng Hưng, mà còn là dịp vui chơi, trẩy hội đầu xuân năm mới của người dân trong làng.
Lễ hội của làng Triều Khúc luôn được tổ chức tôn nghiêm, trật tự, văn minh, tạo không khí vui vẻ cho người tham dự. Bắt đầu lễ hội là những nghi lễ quan trọng không thể thiếu như như lễ dâng hương, lễ rước sắc, lễ nhập tịch, tế lễ,…cùng nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như múa rồng, múa lân, múa sênh tiền, múa bồng, múa chạy cờ….
Kiệu rước vua Phùng Hưng từ Đình Đại ra Đình Sắc để tổ chức Lễ Rước Sắc mang ý nghĩa mời Ngài về ngự tại đại đình làng, mừng ngày đăng quang, cảm tạ Ngài đã ban cho dân làng một cuộc sống ấm no, an lành.

Nghi lễ rước kiệu Bố Cái đại vương Phùng Hưng về đình làng. Ảnh: laodong.vn
Rước Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đặc sắc nhất trong lễ hội chính là điệu múa bồng hay còn gọi là “con đĩ đánh bồng” – sản phẩm văn hóa độc đáo, là niềm tự hào lớn của người dân nơi đây. Nguồn gốc của điệu múa bắt nguồn vào thế kỷ thứ 8, đức vua Phùng Hưng trước khi vây hãm và hạ thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay) đã đóng quân tại làng Triều Khúc. Để khích động tướng sĩ và cũng là giải trí cho nghĩa quân, Ngài đã cho binh lính đóng giả gái, ăn mặc sặc sỡ, đeo trống múa bồng. Dù có ở nhiều nơi, nhưng chỉ riêng ở Triều Khúc, điệu múa bồng vẫn giữ được nguyên hồn cốt và thần thái từ xa xưa.

Nét đặc sắc của điệu múa là các trai gốc của làng giả gái, tô son điểm phấn múa các động tác uyển chuyển, thể hiện được sự đong đưa trong ánh mắt, nụ cười với bạn diễn.

Ngày nay, hội làng Triều Khúc vẫn giữ được nét nguyên sơ nhất, mang đậm cốt cách, nét đẹp tâm linh của lễ hội truyền thống giữa thủ đô ngàn năm văn hiến. Nét nguyên sơ ấy đã, đang và sẽ được lưu truyền, còn mãi bởi những người dân ở ngôi làng bình dị này.

P.V

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *