Địa danh

Mộc mạc miến làng So

Nhắc đến miến, không thể không nhắc đến làng So hay còn có tên là làng Sơn Lộ, thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, nằm cách trung tâm Hà Nội 20km, nổi tiếng với nghề làm miến củ dong.

Người xứ Đoài có câu “Cỗ yến thiếu miến làng So” – chỉ mâm cỗ yến cao sang cũng chưa trọn vẹn nếu thiếu miến làng So. Điều đó đủ cho thấy đặc sản này nổi tiếng như thế nào. Nhắc đến miến, không thể không nhắc đến làng So hay còn có tên là làng Sơn Lộ, thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, nằm cách trung tâm Hà Nội 20km, nổi tiếng với nghề làm miến củ dong.
Người dân làng So không ai rõ nghề làm miến xuất hiện ở làng từ bao giờ, chỉ biết đó là nghề truyền thống của các cụ để lại. Tên gọi miến làng So gắn liền với đình So, một ngôi đình đẹp nổi tiếng, được mệnh danh “Đệ nhất xứ Đoài”. Làng nghề làm miến ở đây vẫn giữ được những bí quyết tạo nên sợi miến dai, dẻo và có màu trắng trong.
Làng So từ lâu đã có tiếng với nghề trồng củ dong. Theo như các cụ cao niên trong làng thì chỉ có đất làng So, nơi được phù sa sông Đáy bồi đắp mới hợp với củ dong. Vậy nên dong làng So luôn có chất lượng rất tốt, nhiều bột, ít xơ, làm miến vừa dai vừa giòn. Bên cạnh đó, điều làm nên chất lượng tuyệt hảo của miến So là nhờ nguồn nước. Thiên nhiên đã ban tặng cho làng So những quả đồi đất con kiến pha lẫn với cát sỏi. Những giọt nước mưa từ “mây trắng” xứ Đoài được chắt lọc qua bao tầng đất để đọng lại trong các giếng khơi một nguồn nước tinh khiết, ngọt và trong mát. Chính nguồn nước đã tạo nên độ trắng trong và hương vị đặc trưng của miến làng So. Miến So nguyên chất có màu trắng đục, sợi dai và giòn, nấu lên dù có đun quá lửa vẫn không bị bết vào nhau, sợi nào ra sợi ấy mà không đứt.


Tên gọi miến làng So gắn liền với đình So “Đệ nhất xứ Đoài” (Ảnh: Xuân Thiều)

Người làng So bắt đầu một ngày lao động từ rất sớm. Tờ mờ sáng, các lò làm miến trong làng đều lên lửa. Đầu tiên, những củ dong được rửa sạch và đưa vào máy nghiền thành bột. Để có sợi miến ngon, người sản xuất phải chọn loại dong củ to, đều và già. Để làm được một mẻ miến, người làm nghề phải thực hiện ít nhất 3 khâu thau rửa bột. Việc ngâm bột và thau rửa kỹ như vậy sẽ giúp loại bỏ những cặn bã và sạn. Sau 3 lần lọc sẽ cho ra bột tinh sạch. Sau đó, lấy bột nhào thấu rồi cho lên máy cán thành bánh, phơi khô rồi cho vào máy cắt thành từng đoạn khoảng 20cm. Tiếp đến, cho vào ngâm nước sạch khoảng 10-15 phút, vớt ra cho vào máy ren thành sợi nhỏ rồi cho lên phên phơi. Từng công đoạn đều rất tỉ mỉ, từng chút từng chút một với mục tiêu cho ra đời sản phẩm hảo hạng nhất. Hiện tại công nghệ sấy khô đã được áp dụng rất nhiều ở các làng nghề làm nông sản. Tuy nhiên, miến làng So vẫn giữ cách làm khô truyền thống, phơi dưới ánh nắng và gió tự nhiên. Miến thường được phơi khô ở những khu vực rộng, những nơi xa khu dân cư, ít khói bụi và không sử dụng chất bảo quản, phụ gia, chất tẩy mùi khác để đảm bảo an vệ sinh an toàn thực phẩm. Người làng So không dùng công nghệ sấy khô sợi miến mà chọn cách hong khô tự nhiên bởi đó cũng là một phần bí quyết giúp cho sợi miến của làng So được dai, giòn và thơm hơn.


Miến làng So nổi tiếng thơm ngon (Ảnh: Internet)

Địa phương đã thành lập Hiệp hội làng nghề và xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể. “Sản phẩm của làng nghề được đóng gói, có tem và thông tin về nguồn gốc sản phẩm. 100% hộ sản xuất tham gia ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu miến sạch làng So.
Năm xưa, miến làng So từ trong các thôn xóm đã được các bà, các mẹ gánh gồng đi khắp những phiên chợ quê. Giờ đây, miến So đã thành thương hiệu, xuất hiện ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc. Từ những quán hàng ở phố phường Hà Nội, mâm cỗ hiếu hỉ, trên bàn thờ tiên tổ khi giỗ chạp hoặc Tết đến xuân về…

Ngân Hà (T/hợp)

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *