Nghệ thuật

Mỹ Đức giữ gìn và phát huy nghệ thuật trình diễn rối cạn Tế Tiêu

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 6 di sản múa rối thì 5 di sản rối nước: Rối nước làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh), rối nước Sài Sơn (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai); rối nước làng Ra (xã Bình Phú), rối nước làng Yên, xã Thạch Xá và rối nước làng Chàng Sơn, xã Chàng Sơn (cùng ở huyện Thạch Thất). Duy nhất có phường rối Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) có cả rối cạn và rối nước. Năm 2020, rối cạn Tế Tiêu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo các cụ cao niên ở làng truyền lại, rối cạn Tế Tiêu ra đời cách nay khoảng 400 năm. Trải qua nhiều thời kỳ gián đoạn, loại hình sân khấu dân gian này đã được hồi sinh những năm đầu của thế kỷ XX. Rối cạn Tế Tiêu chuyên diễn các tích tuồng cổ, kết hợp trò leo dây và ảo thuật nên trong thời gian dài đã được nhân dân khắp vùng mến mộ. Sau năm 1954, rối cạn Tế Tiêu được ông Phạm Văn Bể tiếp nối, tiếp tục truyền nghề cho con cháu cho đến hôm nay. Ngoài rối cạn, để đáp ứng nhu cầu nhân dân làng xã, phường rối Tế Tiêu học hỏi thêm rối nước nên biểu diễn được cả hai loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

 Các nhân vật trong rối cạn Tế Tiêu.

Hiện nay, rối Tế Tiêu trở thành hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân, đặc biệt trong các dịp hội hè, lễ, tết… Theo giới thiệu của Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng, Trưởng phường rối Tế Tiêu – con trai út của ông Phạm Văn Bể, dù là rối cạn hay rối nước thì phương thức trình diễn cũng như kỹ thuật đều mang đặc trưng cơ bản như: Nghệ thuật xếp trò, nghệ thuật tạo hình con rối, kỹ thuật điều khiển con rối sao cho sinh động…

Anh Phạm Công Bằng là Nghệ nhân ưu tú duy nhất của phường rối Tế Tiêu giới thiệu về các nhân vật, tích trò trong múa rối.

Nét đặc sắc riêng có ở phường rối cạn Tế Tiêu là có rối tuồng, là một loại hình diễn xướng độc đáo không nơi nào có được. Hiện nay, phường rối Tế Tiêu còn đang lưu giữ hơn 100 tích trò và hàng nghìn con rối rất sinh động… Trong đó, có hơn 20 tích trò là rối tuồng cha ông để lại như: Chém tá trích trong vở tuồng Sơn Hậu, Thoát Hoan chui ống đồng, Thạch Sanh chém trăn tinh, Thánh Gióng đánh giặc Ân… Ngoài rối tuồng, phường rối Tế Tiêu cũng biểu diễn cả rối chèo, bài vè, ví, kịch; các tác phẩm đương đại, phản ánh hiện thực đời sống xã hội hiện nay. Các tiết mục thường mang tính vui tươi, dí dỏm, trữ tình, tạo nên sức lôi cuốn đối với người xem.

 Phường rối Tế Tiêu đã được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng thủy đình và gian nhà nhỏ là nơi sinh hoạt, trưng bày, quảng bá và biểu diễn.

Để gìn giữ môn nghệ thuật đặc sắc này, trấn Đại Nghĩa cũng đã bố trí thêm 700m² đất liền kề khu thủy đình và nhà truyền thống múa rối để trong thời gian tới sẽ xây dựng khu trưng bày, quảng bá, biểu diễn rối Tế Tiêu. “Phường rối Tế Tiêu đã tạo được “danh” rồi, giờ cần tạo đất diễn để có thể hoạt động tốt hơn, lan tỏa hơn. Chính vì vậy, trong các sự kiện văn hóa, văn nghệ, hội nghị do thị trấn và huyện tổ chức, thường mời phường đến biểu diễn” để duy trì và giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của nghệ thuật trình diễn rối cạn này.

Mai Thu 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *