Văn hóa cơ sở

Năm 2021, Hai Bà Trưng tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng các mô hình văn hoá

Năm 2020, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, số hộ gia đình đạt “Gia đình văn hóa” toàn quận là 88,5%; tỷ lệ tổ dân phố đạt “Tổ dân phố văn hóa” là 77,6%. Trong năm 2021, Hai Bà Trưng tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình “Gia đình văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá” trên địa bàn quận.

Hai Bà Trưng sẽ nhân rộng các điển hình của tổ dân phố có những sáng tạo trong triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Ảnh minh hoạ.

Năm 2020, với sự chủ động, tích cực, quận Hai Bà Trưng đã triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đạt được kết quả đáng khích lệ. Các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo phong trào của quận đã chủ động và rõ vai trò trong công tác triển khai, phối hợp hoạt động với cơ sở. Các phường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về nội dung của Phong trào cũng như các tiêu chí văn hoá với nhiều hình thức phong phú. Việc bình xét các tiêu chí văn hoá đã đi vào nề nếp và thực chất hơn. Việc xây dựng mô hình văn hoá được quan tâm, tiếp tục bám sát các tiêu chí do Thành phố ban hành. Ban chỉ đạo các phường, các cơ quan đơn vị, trường học, các chợ, các cơ sở thờ tự, tôn giáo đã tập trung củng cố và nâng cao chất lượng các mô hình văn hoá: gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hoá, đơn vị văn hóa, chùa tinh tiến, xứ họ đạo tiên tiến; tạo được lòng tin và sự phấn khởi trong nhân dân. Năm 2020, số hộ gia đình đạt “Gia đình văn hóa” toàn quận là 88,5%; tỷ lệ tổ dân phố đạt “Tổ dân phố văn hóa” là 77,6%.

Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh cũng đã thu được nhiều kết quả. Văn hóa ứng xử của người dân chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành vi. Văn hóa ứng xử giao tiếp trong cộng đồng trở nên văn minh, gần gũi. Nếp sống văn minh được củng cố và từng bước hoàn thiện. Việc thực hiện các “Quy ước cưới trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm”, “Quy ước tổ chức việc tang trên địa bàn thành phố”, công tác triển khai mô hình Quy tắc ứng xử do Thành phố ban hành, công tác tuyên truyền, tọa đàm trên địa bàn Quận có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân quận Hai Bà Trưng đã nâng cao nhận thức, ý thức và tự giác hành động để xây dựng và phát huy nếp sống văn minh thanh lịch của người Thủ đô.

Phong trào đã định hướng thống nhất cho các hoạt động, các cuộc vận động, các phong trào văn hóa phát triển với tác động rộng và sâu sắc hơn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” bao trùm nhiều lĩnh vực, thu hút sự quan tâm hưởng ứng của toàn dân, đã góp phần củng cố hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và củng cố khối đại đoàn kết ở cộng đồng dân cư. Tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân trong quá trình triển khai, thực hiện Phong trào. Những nội dung phấn đấu xây dựng đời sống văn hoá của phong trào đã góp phần mang lại sự ổn định, xây dựng môi trường sống thân thiện, giảm bớt các tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống đạo đức và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Quận đã tập trung triển khai có hiệu quả các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động phòng chống các dịch bệnh. Nhân dân trong quận đã tích cực hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và tổ chức được nhiều hoạt động chăm lo tới người có công, các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Năm 2021, quận Hai Bà Trưng tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình “Gia đình văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá” trên địa bàn quận. Duy trì và đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, tập trung tuyên truyền, nhân rộng các điển hình của tổ dân phố có những sáng tạo trong triển khai thực hiện, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng mô hình “Phường chuẩn văn minh đô thị”; thực hiện nếp sống văn minh đô thị; xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Phối hợp triển khai thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan hành chính thuộc thành phố Hà Nội và Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố.

Nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” gắn với các tiêu chí xây dựng danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; Tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hoá công sở và nơi công cộng”. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác chỉ đạo, quản lý, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, có biện pháp xử lý các vi phạm.

Như Quỳnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *