Hà Nội đẹp

Nét đẹp làng nghề mây tre đan Phú Vinh

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 27km theo hướng Tây Nam, làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ được coi là “xứ Mây” nổi tiếng với nghề mây tre đan.

Các cụ cao niên làng Phú Vinh kể rằng, cách đây chừng 400 năm, Phú Hoa Trang (nay là Phú Vinh) có một địa danh là bãi Cò Đậu do ở đây có rất nhiều cò, sau gọi chệch là Gò Đậu. Lông cò thường rụng trắng một vùng gò, có người thấy thích nhặt về tết thành mũ, nón rất xinh xắn. Ban đầu họ dùng thấy đẹp, bền liền làm thành quà tặng người thân, bạn bè, dần dần được yêu thích và nhiều người đến tìm mua. Lâu dần, lông cò có hạn, người dân tìm thêm cỏ lác, cỏ lau mọc sẵn ngoài đồng và lên rừng tìm các thứ vật liệu mềm dẻo như tre, mây, giang… để sản xuất thành các đồ gia dụng. Theo thời gian, nhiều vật liệu mới được bổ sung, các mẫu mã sản phẩm được cải tiến, kỹ thuật mây tre đan của người Phú Vinh được nâng cao để sản phẩm ngày càng tinh xảo và có giá trị kinh tế hơn.

Sản xuất mây tre đan xuất khẩu ở Phú Vinh.

Người Phú Vinh cha truyền con nối làm mây tre đan, nhà nào cũng có người làm nghề, từ thanh niên trai tráng, phụ nữ đến người già, trẻ nhỏ. Trước đây, sản phẩm từ mây tre đan chủ yếu là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như thúng, mủng, giần, sàng, túi, hộp… Đến nay, làng Phú Vinh đã sáng tạo được hàng trăm mẫu hàng xuất khẩu như: đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây; sản phẩm mỹ nghệ: đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, bàn, ghế, sa lông; đồ nội thất khách sạn, nhà hàng bằng tre trúc. Các công đoạn sản xuất mây, tre đan rất cầu kỳ, phải biết chọn nguyên liệu ưng ý rồi tuốt, phơi, chẻ nan… Sau đó, nguyên liệu được sấy khói rơm, hoặc phơi nắng để có màu đẹp tự nhiên, cuối cùng mới đến tay người thợ đan thành sản phẩm. Trong số đó, công đoạn chẻ nan là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Tùy theo từng sản phẩm mà người thợ có cách chẻ nan riêng, sợi nan lúc thì chẻ thành từng ống tròn nhỏ, lúc chẻ thành những nan mỏng. Trước đây, tất cả các công đoạn đều làm bằng tay, nhưng đến nay chẻ nan được máy hỗ trợ, con người chỉ phải tuốt lại cho có những sợi nan mượt mà, phẳng bóng. Để phù hợp với thị hiếu của thị trường, một số cơ sở sản xuất ở Phú Vinh đã chủ động thay đổi hướng sản xuất. Từ các sản phẩm đồ gia dụng, người Phú Vinh chuyển sang sản xuất sản phẩm thủ công mĩ nghệ đồ trang trí, trang sức và các sản phẩm phục vụ du lịch vừa giữ được nghề lại tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Xóm Thượng, xóm Hạ, Đầm Bung, Gò Đậu của làng Phú Vinh luôn là điểm đến, đồng thời cũng là nơi dừng chân cho những ai có ý định du lịch làng nghề hay yêu thích sản phẩm mây tre đan.

Đến làng nghề Phú Vinh, được tận mắt ngắm nhìn mới cảm nhận hết vẻ đẹp của sản phẩm thủ công mĩ nghệ mang tính thẩm mĩ cao. Các nghệ nhân Phú Vinh đã tạo ra nhiều cách đan khác nhau như: Đan xương cá, kết hình hoa và kết màu sắc, tạo hình hoa văn nổi trên nhiều sản phẩm…Theo các nghệ nhân thì mỗi sản phẩm mây tre đan Phú Vinh là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật công phu, phải có đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, óc sáng tạo tận tâm với nghề của người làm nghề mới làm nên được. Bên cạnh đó phải biết kết hợp cái truyền thống với kiến thức khoa học hiện đại như thiết kế, phối màu tạo ra cái khỏe khoắn của tre và cái mềm mại của mây mang lại nhưng nét rất riêng cho dòng sản phẩm của hướng tới khách du kịch và thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, sản phẩm mây tre giang đan của Phú Vinh có mẫu mã đẹp, tính ứng dụng cao, phù hợp với thị hiếu của khách hàng, đã xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha….Các cơ sở sản xuất tại đây vẫn luôn trau dồi kiến thức trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân trong và ngoài nước qua các cuộc hội thảo về mây tre đan để sản phẩm ngày càng sáng tạo, hiện đại và hoàn thiện hơn. Hiện nay, Phú Vinh có trên 2.400 hộ làm nghề mây tre đan với hơn 4200 lao động thường xuyên, mức thu nhập bình quân hàng tháng là 3,5 – 4 triệu đồng/người; 9 nghệ nhân được phong danh hiệu, trong đó có 6 Nghệ nhân Ưu tú.

Nét đặc trưng trong sản phẩm mây tre đan Phú Vinh là hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật sản xuất tinh xảo.

Đã là người Phú Vinh, ai cũng biết đến tên tuổi của cố nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu (1905 – 1983). Cụ là nghệ nhân đầu tiên thành công đan ảnh chân dung Bác Hồ bằng chất liệu dây mây truyền thống. Dùng sợi mây, nan tre, để làm ra sản phẩm đã khó và sẽ khó hơn nhiều khi dùng nó để mô tả phong cách, dáng điệu chân dung một con người. Nếu như các hoạ sĩ vẽ tranh được dùng tới 7 màu cơ bản để thể hiện tác phẩm, thì với nghệ nhân đan mây chỉ có thể dùng 2 màu đen, trắng. Màu đen là màu của cật giang được nhuộm từ nước quả bàng, còn màu trắng là màu trắng ngà tự nhiên của dây mây. Với 2 màu ấy, nghệ nhân phải nghiên cứu, tính toán, đan làm sao cho toát lên cái hồn của tác phẩm. Tả phong cảnh nếu có sai sót kỹ thuật có thể chấp nhận, còn tả chân dung một con người phải chính xác từng chi tiết, làm sao để vừa đẹp, vừa giống là điều cực khó. Nếu đẹp mà không giống thì cũng bỏ đi, nếu giống mà lại không đẹp thì cũng vô ích. Con trai của cụ Khiếu là nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cũng rất thành công trong lĩnh vực nội thất mây tre đan. Ông Tĩnh vẫn đang tiếp nối nghề truyền thống cha ông trong việc lưu giữ những tinh nghệ, trải nghiệm tỉ mỉ của cha mình như một báu vật. Tiếp nối nghệ nhân thế hệ trước, anh Hoàng Văn Hạnh và chị Nguyễn Thị Hân cũng là những người đầu tiên có sáng kiến kết hợp tinh hoa của hai làng nghề gốm Bát Tràng và mây tre đan Phú Vinh, tạo ra một loại sản phẩm mỹ nghệ mới – gốm sứ quấn mây…

Nghề mây tre đan Phú Vinh đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động và góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc, cốt cách làng nghề mà cha ông để lại cho người Phú Vinh.

Đức Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *