Thể thao thế giới

Ngày quốc tế thể thao – Vì một thế giới phát triển và hòa bình

Ngày 23/8/2013, phiên họp lần thứ 67 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 6/4 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế Thể thao vì sự phát triển và hòa bình.

Được khởi nguồn từ sáng kiến của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), nhằm mục đích nêu cao vai trò đóng góp của thể thao trong quá trình thực hiện và đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ; đồng thời nhấn mạnh sự hỗ trợ của thể thao đối với hòa bình và phát triển cũng như những đóng góp của lĩnh vực này trong việc tạo ra một môi trường hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau. Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã lấy ngày 6/4 hàng năm là Ngày quốc tế Thể thao.

Biểu tượng lá cờ Olympic biểu thị sự đoàn kết không thể tách rời của các châu lục.

Thể thao có liên quan gì đến LHQ? Trên thực tế, thể thao thể hiện sự hợp tác tự nhiên cho hệ thống LHQ bao gồm cả UNESCO. Việc tiếp cận với thể thao và hoạt động thể chất được thừa nhận là một quyền cơ bản của tất cả mọi người theo như điều 1 của bản Hiến chương về giáo dục thể chất và thể thao của UNESCO năm 1978. Quyền này cũng được thể hiện trong Công ước liên quan đến các quyền trẻ em của UNICEF và Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ.
Thể thao phục vụ cho giáo dục, phát triển và hòa bình, có thể thúc đẩy hợp tác, đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, hòa nhập xã hội và sức khỏe ở quy mô địa phương, quốc gia và quốc tế. Từ xưa đến nay, thể thao còn được biết với vai quan trọng thúc đẩy tình đoàn kết, sự hòa nhập xã hội và sự gắn kết cùng tồn tại hòa bình.
Thực tế đã cho thấy, thể thao cũng là một công cụ của hòa bình. Nhờ sức thu hút riêng có của thể thao và sức mạnh tập hợp cũng như đặc thù phi chính trị, thể thao thường được sử dụng để tái thiết lập các cuộc đối thoại trong những căng thẳng chính trị, văn hóa hay tôn giáo.
Thể thao cũng góp phần phát triển kinh tế, xã hội và thậm chí là cá nhân của mỗi người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Các hoạt động liên quan đến thể thao có thể tạo ra công ăn việc làm và tạo ra các hoạt động kinh tế ở nhiều cấp độ.
Vì thế, thể thao ngày càng được công nhận và sử dụng như một công cụ chi phí thấp và có tác động cao trong các nỗ lực nhân đạo, phát triển và xây dựng hòa bình, không chỉ bởi hệ thống của LHQ mà còn bởi các tổ chức phi chính phủ (NGO), chính phủ, cơ quan phát triển, thể thao Liên đoàn, lực lượng vũ trang và các phương tiện truyền thông.
Ngoài ra, thể thao còn là một công cụ mạnh mẽ đóng góp vào quá trình phát triển và xây dựng hòa bình thông qua việc thúc đẩy những tiến bộ về giảm thiểu đói nghèo; giáo dục cộng đồng; bình đẳng nam – nữ; phân biệt chủng tộc; phòng chống HIV/AIDS và các bệnh dịch khác; bảo vệ môi trường bền vững; giải quyết các cuộc xung đột và đem lại hòa bình; hỗ trợ các đối tượng cần được phục hồi, những người tị nạn, nạn nhân của xung đột và thảm họa thiên nhiên, người khuyết tật…
Ở Việt Nam, hàng năm có không ít các sự kiện thể thao quốc tế được diễn ra, thu hút nhiều VĐV người nước ngoài tham dự. Trong đó, Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng – Vì hòa bình do thành phố Hà Nội tổ chức hàng năm có ý nghĩa chính trị – xã hội sâu sắc, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, VĐV chuyên và không chuyên trong và ngoài nước với mong muốn gửi Thông điệp hòa bình tới khắp năm châu…

Người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế cùng chung tay ký cờ hòa bình.
Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng – Vì hòa bình do thành phố Hà Nội là sự kiện thể thao có ý nghĩa rất lớn.

Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng – Vì hòa bình được tổ chức hàng năm luôn có rất nhiều đại sứ, tham tán, bạn bè quốc tế tham dự và coi đây là sự kiện thể thao tiêu biểu, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội ổn định, phát triển với những con người mến khách, yêu hòa bình.
Vì thế, như thông lệ, cứ vào những ngày đầu tháng 10, tại hồ Hoàn Kiếm, hàng chục ngàn người Việt Nam và bạn vè quốc tế cùng nắm chặt tay nhau, cùng chung tiếng nói, cùng gửi đi bức thông điệp cầu nguyện hòa bình trên toàn thế giới. Thông điệp mỗi năm mỗi khác song đều có điểm chung là cực lực lên án chiến tranh phi nghĩa, gây đau thương, mất mát cho nhân loại; nguyện làm hết sức mình để bảo vệ nền hòa bình trường tồn. Tất cả cùng khẳng định hòa bình luôn là nền tảng vững chắc để xã hội, con người phát triển phồn vinh, thịnh vượng cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Nguyện ước ấy vang lên giữa trời thu Hà Nội vẫn chưa vơi ý nghĩa khi nhiều khu vực trên thế giới còn tiềm ẩn bất ổn, hòa bình vẫn là khát khao hướng tới của toàn nhân loại.
Cùng với đó, Giải đua xe Công thức 1 diễn ra tại Hà Nội bắt đầu từ năm 2020 cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Trong đó, Hà Nội chắc chắn sẽ thu được những khoản lợi nhuận kinh tế lớn và thúc đẩy du lịch nhờ thu hút lượng khách quốc tế lớn từ sự kiện này.
Tuy nhiên, năm nay, Ngày quốc tế Thể thao vì sự phát triển và hòa bình được kỷ niệm vào ngày 6/4 đúng lúc dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng và hoành hành khắp cả thế giới trong 4 tháng qua. Không dừng lại nơi xuất phát ban đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc, bệnh Corona Virus 2019 được tổ chức y tế thế giới WHO chính thức gọi tên là Covid-19 đã trở thành là đại dịch toàn cầu. Tính đến ngày 5/4/2020 có 207 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc Covid-19. Dịch bệnh khiến hầu hết các hoạt động thể thao trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải hoãn hoặc hủy. Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Chính phủ Nhật Bản và Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) đã thống nhất hoãn Olympic 2020 – ngày hội đoàn kết của nhân loại sang năm 2021.
Trong bối cảnh ấy, nhiều VĐV trên thế giới trong đó có cả Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực để chung tay chống lại bệnh dịch Covid-19, như: kêu gọi nâng cao ý thức chống dịch, quyên góp, bán đấu giá một số vật phẩm để ủng hộ công tác phòng, chống đang hoành hành khắp nơi trên toàn thế giới.

V.H

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *