Thể thao quần chúng

Ngày Thể thao Việt Nam 27/3: Kỷ niệm buồn vì dịch Covid-19

27/3 sắp tới là mốc tròn 74 năm ngày thành lập Ngành Thể dục Thể thao Việt Nam. Thế nhưng, do dịch bệnh Covid-19, ngày kỷ niệm truyền thống Thể thao Việt Nam đã bị hoãn lại vô thời hạn trên quy mô toàn quốc.

Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Thể thao Việt Nam 27/3 là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng mà ngành thể thao nước nhà vẫn tổ chức hàng năm nhằm khích lệ tinh thần, truyền cảm hứng và kêu gọi toàn dân tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe. Đây là năm thứ 6 ngành TDTT triển khai hoạt động này và là một trong những hoạt động trọng tâm của thể thao quần chúng năm 2020.

Do đại dịch Covid-19, sự kiện ngày chạy Olympic đã không được diễn ra.

Theo dự kiến, ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2020 sẽ đồng loạt được tổ chức tại các xã, phường, thị trấn, các địa điểm công cộng trên địa bàn, thuận tiện cho công tác tập trung người dân tham gia. Mục tiêu phấn đấu đạt trên 85% của tổng số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân.
Thế nhưng, do đại dịch Covid-19 đang có diễn biến khó lường, lần đầu tiên sau 5 năm sự kiện ngày chạy Olympic diễn ra đồng loạt, cùng thời điểm tại các xã, phường, thị trấn của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với sự tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân đã không được tổ chức theo đúng kế hoạch. Với Hà Nội, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân còn gắn với Lễ phát động Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 47 – Vì hòa bình năm 2020 dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3-2020. Lễ phát động năn nay sẽ được mở rộng quy mô, xứng tầm là một hoạt động trọng điểm của thể thao Thủ đô cũng phải hoãn theo.
Ngoài Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân bị ảnh hưởng, kế hoạch tổ chức tháng hoạt động thể dục thể thao cho mọi người nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống Thể thao Việt Nam 27/3 cũng bị hoãn lại vô thời hạn trên quy mô toàn quốc.
Có thể nói, vì đại dịch Covid-19 khiến cho thể thao nước nhà phải gánh chịu một ngày sinh nhật với nhiều nỗi buồn và sự lo lắng đến thế. Do đại dịch này, sau Tết Nguyên đán nhiều hoạt động chuyên môn ở các môn thể thao trong hệ thống quốc gia đã hoàn toàn bị tê liệt kể làm hưởng nghiêm trọng tới sự chuẩn bị chuyên môn của rất nhiều các VĐV, HLV trên toàn quốc.

Giải bóng đá vô địch quốc gia diễn ra trong không khí không khán giả, sau 2 vòng đầu cũng phải tạm hoãn.

Từ tháng 2 đến nay, nhiều môn thể thao ở mọi lứa tuổi đều bị hoãn lại. Thống kê sơ bộ theo kế hoạch hoạt động hàng tháng của Tổng cục TDTT, đã có tới ít nhất 13 giải đấu thể thao thành tích cao, 5 lớp tập huấn nghiệp vụ trọng tài cấp quốc gia đã bị hoãn lại. Kế hoạch tập huấn quốc tế của 9 ĐTQG các môn cũng đã buộc phải điều chỉnh do việc xuất cảnh tới các vùng có dịch đem tới nhiều nguy cơ không an toàn.
V.League – giải đấu nhận được sự quan tâm lớn nhất của đông đảo người hâm mộ nước nhà dù đã khởi tranh trong không khí khá ảm đạm không có khán giả theo dõi cũng phải đóng cửa sau 2 vòng đấu. Trong bối cảnh nguồn kinh phí của đa phần các đội bóng đều hết sức hạn hẹp, hầu hết các đội bóng đều không thể tự trang trải kinh phí hoạt động, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ đối diện với nhiều khó khăn như hiện tại.
Không chỉ bóng đá, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành thể thao đã phải tạm dừng toàn bộ các giải thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia trong tháng 3. Hủy kế hoạch cử các đội tuyển, đội tuyển trẻ thể thao quốc gia đi tập huấn, thi đấu nước ngoài và các đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài cho tới hết tháng 3. Ngoài ra, các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ VĐV, HLV, ‘cấm trại’ đối với các đối tượng tập huấn tại Trung tâm cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Cùng với đó, đáng buồn hơn, từ đầu năm đến nay, nhiều giải đấu tranh suất dự Olympic đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại càng làm cho mục tiêu giành 20 vé tham dự Olympic 2020 của Thể thao Việt Nam trở nên khó khăn hơn. Và mới đây nhất, do những tác động xấu của COVID-19, Olympic Tokyo chính thức phải tạm hoãn, dời sang mùa hè năm 2021. Việc này khiến cho thể thao Việt Nam sẽ có nửa cuối năm 2021 đầy bận rộn khi vừa phải tham dự Olympic Tokyo và sau đó là chủ nhà của SEA Games 31 và Para Games 11. Đây cũng là cơ hội để các vận động viên có thời gian tập huấn và thi đấu cho hai đại hội, nhưng cũng gây nhiều khó khăn cho ngành thể thao.
Tuy nhiên, dù tập huấn ở đâu và kế hoạch thi đấu quốc tế có thay đổi thì ngành thể thao xác định, trong thời điểm dịch bệnh này việc đảm bảo sự an toàn về sức khỏe đối với HLV, chuyên gia, VĐV được đặt lên hàng đầu và ưu tiên số 1.

VĐV, HLV, chuyên gia phải thực hiện ‘cấm trại’ tại các Trung tâm Thể thao.

Hiện tại, để đảm bảo sự an toàn này, kể từ ngày 11/3, Tổng cục TDTT đã có văn bản yêu cầu các Trung tâm huấn luyện “cấm trại” các HLV, VĐV. Với những HLV, VĐV trở về từ nước ngoài phải làm thủ tục khai báo y tế với các cơ quan chức năng và cách ly 14 ngày theo quy định. Với những HLV, VĐV trở về từ nước ngoài phải làm thủ tục khai báo y tế với các cơ quan chức năng và cách ly 14 ngày theo quy định.
Theo ghi nhận, trong những ngày vừa qua, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội gần như tự cách ly với bên ngoài và đề cao vai trò tự quản lý của các bộ môn. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội có hơn 30 bộ môn với khoảng gần 3.000 VĐV nên việc quản lý phải được phân chia rõ ràng. Theo đó, các bộ môn đều thực hiện “cấm trại”. VĐV không được ra ngoài, chỉ ăn, ngủ, nghỉ, tập luyện, học tập trong khuôn viên trung tâm. VĐV nào muốn về nhà thì phải trong trường hợp thực sự cần thiết và có ý kiến của gia đình mới được xem xét giải quyết. Và tùy từng độ tuổi VĐV mà trung tâm có các giải pháp khác nhau. Chẳng hạn như, đối tượng VĐV nhỏ tuổi có thể được“cấm trại” ở tại gia đình hay VĐV nào từ nhà quay lại trung tâm sẽ phải báo cáo lịch trình cũng như trải qua kiểm tra y tế để bảo đảm an toàn nhất.
Đại dịch toàn cầu Covid-19 hiện vẫn đang bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, điều này cũng khiến cho chặng đua Công thức 1 Hà Nội cũng phải tạm hoãn. 2020 là năm đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên chính thức trong 22 quốc gia đăng cai tổ chức giải đua ô tô chuyên nghiệp và hấp dẫn nhất hành tinh, việc phải hoãn tổ chức là một quyết định khó khăn của BTC giải đua F1 và chính quyền Hà Nội. Để chuẩn bị cho chặng đua F1 Hà Nội, VGPC với sự ủng hộ của Thủ đô đã nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của F1 và FIA. Trường đua Công thức 1 tại Mỹ Đình hiện đã được hoàn thành và đi vào hoạt động đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Quyết định tạm hoãn chặng đua công thức 1 Hà Nội (dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 5/4/2020) đã đưa ra sau rất nhiều buổi thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng giữa Liên đoàn ô tô quốc tế (FIA), Formula One World Championship Ltd – đơn vị sở hữu bản quyền Giải đua Formula 1 (F1), UBND TP Hà Nội, Hiệp hội Thể thao xe động cơ Việt Nam (VMA) và được sự đồng thuận của Công ty Vietnam Grand Prix (VGPC).

Covid-19 khiến chặng đua F1 Hà Nội cũng không thể diễn ra theo đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, hiện nay dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp và Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã công bố Covid–19 là đại dịch toàn cầu. Do đó, chặng đua Formula 1 VinFast Vietnam Grand Prix buộc phải tạm hoãn nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, khách tham dự, các đội đua và các đơn vị đồng hành.
FIA, F1, UBND Thành phố Hà Nội, VMA và VGPC sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi diễn tiến của dịch Covid-19 để lựa chọn thời điểm khác, an toàn và phù hợp cho chặng đua và sẽ thông báo kịp thời tới công chúng. Các chính sách liên quan đến khách hàng, các đơn vị đồng hành và đối tác của VGPC cũng sẽ được thông báo trong thời gian sớm nhất.

Minh Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *