Sự kiện

Ngày thơ Việt Nam 2019 khai mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Sáng ngày 17/2/2019 (tức 13 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII đã được tổ chức trong không khí ấm áp, hào hứng và trang trọng.

Màn trống hội khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII.

Với chủ đề “Sông núi trên vai”, Ngày Thơ muốn gửi thông điệp đến với toàn thể nhân dân Việt Nam rằng, các nhà thơ luôn đặt lợi ích của tổ quốc, của dân tộc lên trên hết. Tổ quốc và nhân dân Việt Nam luôn là cảm hứng sáng tạo, niềm say đắm, tình yêu, sự thăng hoa để cho các nhà thơ sáng tạo ra những đứa con tinh thần của mình. Sau lời tuyên bố khai mạc, bài thơ “Nam quốc sơn hà” được vang lên gợi nhớ đến tác giả là một vị tướng văn võ song toàn: Thái úy Lý Thường Kiệt – tướng quân đã đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta cách đây 950 năm trước.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII càng trở nên đặc biệt khi được tổ chức đúng vào dịp diễn ra Hội nghị Quảng bá Văn học lần thứ IV và Liên hoan Thơ Quốc tế lần thứ III. Chính vì vậy mà trong Ngày Thơ còn có sự xuất hiện của gần 200 đại biểu quốc tế đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ là những nhà văn nhà thơ dịch giả, nhà lý luận phê bình tiêu biểu của các quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó có nhà thơ nổi mà danh tiếng đã được cả thế giới biết đến như nhà thơ Fernando Rendon người Colombia, Phó Tổng thư kí Hội Nhà văn Á – Phi, người đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của thơ trên toàn thế giới bằng chính tài năng của mình và tổ chức các hoạt động thơ ca có uy tín.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII đón gần 200 đại biểu quốc tế.

Trong bài diễn văn khai mạc, Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu quốc tế đã có mặt tại Việt Nam và tham dự ngày thơ này. Đây là một niềm vui, niềm hạnh phúc và là vinh dự to lớn đối với Hội Nhà văn Việt Nam cũng như tất cả những người yêu thơ Việt Nam. Các nhà văn, nhà thơ chính là những vị sứ giả của văn hóa, sứ giả hòa bình. Sự có mặt của họ là sự củng cố to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo về tổ quốc của nhân dân Việt Nam ngày hôm nay. Tôn vinh thơ ca cũng có nghĩa là tôn vinh đất nước, tôn vinh văn hóa, tôn vinh con người Việt Nam. Đây cũng là dịp các nhà thơ quốc tế mở lòng và giao hòa với nhau để hiểu hơn về các quốc gia các dân tộc và đặc biệt là đất nước và con người Việt Nam.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu khai mạc.

Phần trình diễn thơ trên sân thơ chính, các nhà thơ Anh Ngọc, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Sỹ Sáu, Hữu Việt, Nguyễn Bảo Chân, Nguyễn Ngọc Phú… đã lần lượt lên đọc các tác phẩm của mình. Phần lớn trong số các bài thơ được trình diễn đó nói về những người lính nơi biên cương hải đảo đã hy sinh thân mình vì độc lập tự do của tổ quốc. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã xúc động khi đọc bài “Tổ quốc nơi biên thùy” để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống cách đây đúng 40 năm. Tổ quốc, nhân dân không bao giờ quên ơn các anh, sự hy sinh của các anh chính là tấm gương cho những người còn lại soi chiếu để sống và cống hiến cũng như giữ gìn từng tấc đất của dải đất hình chữ S, sao cho xứng đáng với sự hy sinh đó.

Nhà thơ Anh Ngọc trình diễn bài thơ do chính ông sáng tác.

Tiếp đó là phần trình diễn của nhiều nhà thơ đến từ các nước Colombia, Na-uy, Hungary, Nga, Thái Lan, Cameroon, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ… Nhà thơ Fernando Rendon đến từ Colombia đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tình yêu thơ của nhân dân Việt Nam, ông cảm phục và cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam đã đứng ra tổ chức những sự kiện về thơ ca mang tầm cỡ quốc tế và có ý nghĩa to lớn như vậy. Ông khẳng định liên hoan Thơ quốc tế được tổ chức ở Việt Nam hiện đang là hoạt động thơ ca lớn nhất mà Hội Nhà văn Á – Phi ủng hộ để làm cho Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam sẽ trở thành trái tim, Thủ đô của phong trào thi ca thế giới.

Phần trình diễn đến từ nhà thơ của Cameroon.

Tại sân thơ trẻ, chủ đề “Mở đường bay phía trước” thu hút được nhiều công chúng yêu thơ và các đại biểu quốc tế. Tổ khúc của các tác giả trẻ trình diễn mang đến giọng điệu, ngôn ngữ của thời đại, thể hiện rõ nét và đầy đủ trách nhiệm công dân đối với đất nước, dân tộc, khẳng định giá trị nhân văn của thời đại mới đang tiếp bước trên con đường rộng mở phía trước.

Hoạt động trình diễn tại sân thơ trẻ.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII khép lại bằng nghi thức thả thơ trong sự hân hoan và tiếc nuối của công chúng khi dõi theo những quả bóng đỏ mang thơ bay lên trời cao và đi bốn phương với nhiều hy vọng.

Nghi lễ thả thơ – một trong những nghi lễ không thể thiếu của Ngày thơ Việt Nam hàng năm.

Tối 18/2, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ diễn ra đêm thơ quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà thơ trong nước và quốc tế. Ngày 19/2, khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tại thành Xương Giang (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) với sự tham gia của nhiều CLB thơ và đoàn nghệ thuật dân gian đến từ các huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII sẽ được tổ chức vào tối 20/2 tại Hà Nội.

Hà Anh

 

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *