Chưa được phân loại

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng và Trà Đạo Việt

Trong tất cả các thức uống của cõi nhân sinh này, trà được xem là nghệ thuật tinh vi nhất. Việt Nam là một trong những dân tộc biết uống trà sớm nhất thế giới.

Theo tài liệu khảo cứu của Ủy ban Khoa học xã hội thì người ta đã tìm thấy dấu tích của lá và thân cây chè hóa thạch ở đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Xa hơn nữa, họ còn nghi ngờ cây chè có từ thời đồ đá Sơn Vi (tức văn hóa Hòa Bình), cách đây khoảng 10 vạn năm. Nguyễn Trãi trong sách Dư địa chí đã ghi danh trà Tước hảo hạng được sản xuất ở vùng Châu Sa Bôi, tức Quảng Trị ngày nay.

Uống trà ở Việt Nam rất phong phú, cầu kỳ là của tầng lớp vua chúa, phong lưu quyền quý, đơn giản là của dân thường và nhiều người hiện đại ngày nay. Trà Việt Nam dù được chế biến, được uống bằng cách nào (độc ẩm, đối ẩm, quần ẩm) vẫn biểu thị một thứ đạo – trà Đạo. Trong trà Đạo Việt, chữ Đạo được hiểu là con đường, là phong cách uống trà của người Việt. Đạo trà Việt Nam thể hiện lòng mến khách, mến chủ của người Việt. Vì vậy Đạo trà Việt Nam đòi hỏi phải có 5 yếu tố: Nhất thủy – nhì trà – tam bôi – tứ bình – ngũ quần anh. Thủy là nước, bôi là chén, bình là ấm pha trà, quần anh là bạn trà.  Người Việt dùng trà nguyên thủy (hay còn gọi là trà mộc) ướp với nhiều hương liệu khác nhau thành trà sen, trà sói, trà bạch ngọc (ướp hương từ năm loại hoa màu trắng: nhài, cúc trắng, bông bạch, mộc và ngọc lan). Nhiều gia đình Hà Nội xưa thích uống trà ướp sen, trà nhài, trà ngâu, trà cúc, trà sói… ,đặc biệt là trà sen. Để có 1 cân trà sen phải ướp 1.000 – 1.200 bông sen Tây Hồ chưa bóc cánh với “độ” hương cao nhất mới thành.

Người Việt có 3 cách thưởng trà: độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai người), và quần ẩm (nhiều người). Người thưởng trà sành điệu là người chọn thời điểm uống trà vào lúc mờ sáng khi thời khắc âm dương giao hòa, đêm qua – ngày tới, uống trà thời khắc giao hòa này sẽ có lợi cho sức khỏe và tâm hồn, hướng người thưởng trà tới những điều tốt đẹp.

Theo nghệ nhân Hoàng Anh Sướng: Khởi từ đất trồng, địa hình, khí núi, nắng mưa, sương gió tưới tắm, ươm bật thành lộc non, lá nõn cho đến khi thu hái, sao chế, để có được một ấm trà ngon ngồi pha mà nhâm nhi thưởng thức, đó là cả một hành trình dằng dặc mà mỗi chặng, mỗi nhịp đều phải đạt đến cái chân nghệ thuật thì cái đích cuối cùng – một chén trà ngon mới thật viên mãn.

Cùng một đồi trà, nhưng trà hướng Đông bao giờ cũng ngon hơn trà hướng Tây. Lại nữa, cũng một vườn trà nhưng bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông là bốn mùa hương vị. Tuyệt hảo nhất là trà “Xuân 1” hay còn gọi là trà “Tiền minh” (trước tiết Thanh minh). Loại trà ấy, xưa chuyên dùng tiến Vua.

Mê trà, đam mê với trà đạo, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng đã dành cả cuộc đời cho niềm đam mê ấy. Được biết anh là truyền nhân đời thứ 6 của dòng trà Trường Xuân và Linh Dược trà nổi tiếng đất Hà thành suốt thế kỷ XX. Cha anh, nghệ nhân Trường Xuân đã dành trọn cuộc đời để nghiên cứu về cây trà và nghệ thuật thưởng trà Việt Nam và truyền niềm đam mê ấy cho con.

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng biểu diễn nghệ thuật trà Việt và nói chuyện về Đạo trà với các Đại sứ nước ngoài

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng sinh năm 1973. Ngay từ nhỏ, anh đã được chứng kiến niềm đam mê với trà của các bậc cha chú trong dòng họ. Yêu văn hóa, ham tìm hiểu về văn hóa Việt, mặc dù được học chuyên ngành Báo chí, trở thành nhà báo, nhà văn, có việc làm ổn định ở tòa báo rồi, nhưng anh không theo nghề mà theo nghiệp của cha để lại.

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng đón nhận cái bắt tay thân mật của Nhật Hoàng sau một buổi tiệc trà.

Với niềm đam mê truyền đời, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng đã dành cả cuộc đời, đi khắp mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới để truyền bá vẻ đẹp của văn hóa trà Việt Nam, nghệ thuật trà Việt Nam. Để nghiên cứu và truyền bá văn hóa trà Việt, nghệ nhân Sướng đã có hàng ngàn buổi nói chuyện, trình diễn Đạo trà ở khắp mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới. Anh thường tâm sự với mọi người: “Tôi nguyện kế nghiệp cha đem hết tâm sức, góp phần làm dậy hương trà Việt”

Tại Thủ đô Hà Nội, hiên trà ở phố Ngô Tất Tố, quận Đống Đa và hiên trà ở khu đô thị Royal City, quận Thanh Xuân của nghệ nhân Sướng và gia đình với loại nhiều loại trà, tiêu biểu nhất là trà sen đã nổi danh trong, ngoài nước. Hàng ngày, có rất đông bạn trà đến 2 hiên trà thưởng thức, từ khách Thủ đô đến khách các tỉnh phía Nam, phía Bắc, miền Trung, đông nhất là khách nước ngoài. Họ đến hiên trà vì muốn thưởng thức trà Việt, tìm hiểu về Đạo trà và làm quen với người nghệ nhân tài hoa, mến khách và rất am hiểu văn hóa Việt này. Nghiệp trà đến với nghệ nhân Hoàng Anh Sướng tự nhiên như định mệnh cuộc đời, bởi lời hứa với cố nghệ nhân trà Trường Xuân: Con sẽ tiếp tục nghiệp trà của bố. Và anh đã dành trọn cuộc đời, vì niềm đam mê truyền đời của gia đình. Kế nghiệp gia đình, ban đầu nghệ nhân Hoàng Anh Sướng bắt tay vào mở một quán trà ở phố Hàng Da, nhưng không thành công. 2 năm liên tục, anh phải 3 lần thay đổi địa điểm trà quán. Mãi khi chuyển đến phố Ngô Tất Tố, như cơ duyên, nghệ nhân Sướng đã thành công. Hàng ngày, anh dùng địa điểm này để chia sẻ toàn bộ những hiểu biết của mình về trà. Những buổi nói chuyện miên man, với niềm đam mê trà bất tận của anh đã thực sự cuốn hút và truyền niềm cảm hứng sang cho khách hàng.

Để truyền bá Đạo trà, văn hóa trà Việt, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng đã chi phần lớn gia sản của mình cho những chuyến đi Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, để tìm hiểu về trà và nghệ thuật thưởng trà của họ, đặc biệt là phương pháp truyền bá văn hoá trà. Thành công và tâm huyết của anh với trà Đạo Việt đã được đền đáp xứng đáng khi khách hàng tìm tới các hiên trà ngày một đông hơn. Anh còn đem trà Đạo Việt giới thiệu với nhiều vị nguyên thủ quốc gia.

Mỗi buổi tiệc trà chỉ kéo dài chừng 30 phút nhưng nghệ nhân Sướng đã phải chuẩn bị cho buổi trình diễn trà vô cùng kỹ càng, công phu với  2 đặc sản trà nổi tiếng của Việt Nam: Trà Tân Cương thượng hạng (chỉ hái một đọt non trên cùng) và Trà Sen Tây Hồ do chính bàn tay nghệ nhân tẩm ướp theo phong cách truyền thống. Hương thơm và hậu vị ngọt bền của trà Việt đã chinh phục đức Vua, Hoàng hậu Nhật Bản cùng toàn thể quan khách. Các vị đã uống cạn những chén trà với vẻ thích thú và liên tục tặng những lời khen. Trước khi ra về, Nhật Hoàng và Hoàng hậu còn tiến về phía bàn trà của nghệ nhân lần nữa và  khen “trà ngon quá”, cùng lời cảm ơn, nụ cười tươi

Đến thăm hiên trà của nghệ nhân Hoàng Anh Sướng, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã thốt lên những câu thơ đáng nhớ:

Nhắp chén trà thứ nhất

Da thịt bỗng tỏa hương

Đời thực thành cõi mộng

Trần gian hóa thiên đường

Ta nâng chén thứ hai

Cho đất trời tinh khiết

Tâm ta bừng sáng ra

Biết thêm điều chưa biết

Mai sau đời dẫu tuyệt

Chắc gì hơn lúc này

Nào “châm” thêm chén nữa

Hai đứa mình cùng… bay…

Quỳnh Anh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *