Sân khấu

Nghệ nhân ưu tú Vân Mai: Nặng lòng với nghiệp với ca trù

Nhiều tờ báo đã xếp chị là 1 trong 10 nghệ nhân ca trù nổi tiếng. Chị chỉ cười và cho rằng mình chưa được như vậy.

Nhắc đến tên chị, làng ca trù Việt luôn tỏ lòng ngưỡng mộ. Sự tôn kính đó xuất phát từ sự kính nể tài năng, sự nhiệt tình đến say mê với ca trù của chị. Chẳng thế mà tuy ở vai một bà chủ, Giám đốc 1 Công ty kinh doanh vật liệu xây dựng và nội thất có trụ sở khá lớn ở phố Bích Câu, quận Đống Đa, nhưng hễ nhắc đến ca trù là chị gác mọi công việc chỉ dành tâm trí, tình yêu cho nó. Chị là Nghệ nhân ưu tú Vân Mai.

Nghệ nhân ưu tú Vân Mai trong một buổi biểu diễn ca trù.

     Tình yêu ca trù đến với Vân Mai khi chị nghe đĩa nhạc của nghệ nhân Quách Thị Hồ. Mê quá, nên Vân Mai đã mua hàng loạt đĩa ca trù, tự rèn luyện, tập tành, sau đó chị tìm đến các ca nương để nâng cao tay nghề. Có nhiều bài khó, Vân Mai tập rất vất vả, nhưng bản chất người lính khiến chị vẫn tiếp tục luyện tập, kiên trì, say mê, miệt mài.

Vân Mai sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng quê chị ở Đông Hưng – Thái Bình, nơi nổi tiếng với chiếng chèo Đông. Trời đã phú cho chị giọng hát trong trẻo, vang mà rền nên khi hát ca trù, giọng chị ngọt mà thanh, hát tròn vành rõ chữ. Chị có thể hát được rất nhiều điệu, nhiều thể cách, cả những thể cách hiếm người hát được như điệu Non mai hồng hạnh. Thế nên sau 10 năm khổ luyện, học hát, học gõ phách mọi lúc, mọi nơi có thể, chị đã trở thành ca nương có tiếng của làng ca trù Việt Nam, là người hát hay nhất của CLB ca trù UNESCO Hà Nội. Khi tự học hát ca trù, Vân Mai gặp khó khăn là không có người đệm đàn, chị thuyết phục chồng đi học đàn về đệm cho mình tập hát. Thương vợ, anh Trần Văn Trúc đã học đàn đáy. Và thế là, hai vợ chồng chị, cùng nhau luyện đàn, hát. Anh Trúc đã tham dự nhiều cuộc Liên hoan ca trù và giành nhiều giải thưởng, anh đang được đề nghị phong nghệ nhân ưu tú.

Quá trình luyện hát và biểu diễn, nghệ nhân ưu tú Vân Mai cũng đồng thời sưu tầm các băng, đĩa của các nghệ nhân ca trù nổi tiếng xưa như cụ Đinh Thị Bản, cụ Đinh Thị Hảo (cụ Châu Doanh), cụ Chu Thị Năm, Chu Thị Bốn, cô Ba Thỉnh… là những băng đĩa được thu thanh từ những năm 1930 – 1945.

Sau gần 20 năm đến với ca trù, nghệ nhân ưu tú Vân Mai đã biết hát gần 30 thể cách khác nhau của ca trù như: Dâng hương, thét nhạc, hát nói, gửi thư, hát ru, hát nói, hát mưỡu… Giọng chị ngày càng điêu luyện, mượt mà, ngày càng nảy hột, có thể ngân, rung, nhấn, vuốt, nuột– một điều không phải ca nương ca trù nào cũng có thể đạt được. Không chỉ chinh phục người nghe, giới chuyên môn còn đánh giá cao chị khi chị có công phục hồi điệu hát cổ “Non mai hồng hạnh” đã thất truyền 70 năm qua. Đây là điệu hát vô cùng quan trọng trong lễ thờ tổ ca trù  Mãn đào hoa Công chúa và là một điệu hát khó, là đỉnh cao của nghệ thuật ca trù, đòi hỏi phải có kỹ thuật và rung giọng rất tốt, phải ém hơi, nẩy hột điêu luyện. Năm 2011, Vân Mai mang điệu “Non mai hồng hạnh” đi tham dự liên hoan ca trù Toàn quốc và nhận được giải Vàng. Vân Mai còn nhận nhiều giải thưởng và bằng khen những năm sau đó. Năm 2012 chị được phong là nghệ nhân dân gian, năm 2015 chị được phong là nghệ nhân ưu tú.

Vợ chồng nghệ nhân ưu tú Vân Mai trong một buổi diễn

       Trong vai trò Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù, nghệ nhân Vân Mai cùng chồng đã đầu tư trang thiết bị, trang phục biểu diễn, đầu tư cả 1 sân khấu nhỏ trong đền Bích Câu đạo quán ở phố Cát Linh để biểu diễn cho khách nước ngoài và những ai mến mộ loại hình sân khấu này vào tối thứ 7 hàng tuần. Chưa hết, nghệ nhân Vân Mai còn dành thời gian mở lớp truyền dạy ca trù miễn phí cho lớp trẻ tại đền Bích Câu vào sáng chủ nhật hàng tuần và dạy ở nhiều tỉnh thành khác như Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương. Chị cho rằng sở dĩ ca trù có nhiều điệu thất truyền và ít người biết đến là do hình thức truyền khẩu và chỉ truyền dạy cho con cháu trong nhà, nên giờ cần phải dạy cho nhiều người, không phân biệt thân sơ để ca trù ngày càng phát triển và liên tục có người kế tiếp. 5 năm qua, nghệ nhân ưu tú Vân Mai đã mở hàng chục lớp ca trù miễn phí vào các sáng chủ nhật, từ đây chị đã đào tạo được hàng chục ca nương. Có ca nương đã thành danh như ca nương Hà Phương, được giải Khuyến khích Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 12 tuổi. Những học trò khác không thành tài, nhưng nhờ chị họ đã hiểu hơn về ca trù và yêu mến ca trù. Chị Vân Mai cho rằng: Tôi yêu ca trù, tôi muốn truyền niềm yêu ấy đến với mọi người và duy trì không gian ca trù giữa lòng Hà Nội.

Thanh Quy

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *