Nghệ thuật

Nghệ sỹ nhân dân Trung Hiếu

42 tuổi đời, 22 năm tuổi nghề, là Nghệ sĩ nhân dân trẻ nhất nước và là Phó Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội; NSND Trung Hiếu được coi là người tài năng, thành đạt, một ngôi sao hot trên truyền hình và trên sân khấu. Ngay khi đang là học viên khóa 4, […]

42 tuổi đời, 22 năm tuổi nghề, là Nghệ sĩ nhân dân trẻ nhất nước và là Phó Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội; NSND Trung Hiếu được coi là người tài năng, thành đạt, một ngôi sao hot trên truyền hình và trên sân khấu.

Ngay khi đang là học viên khóa 4, Trường Đại học sân khấu điện ảnh cũng như sau khi tốt nghiệp, về công tác ở Nhà hát kịch Hà Nội, Trung Hiếu luôn tỏ rõ khả năng đa tài của một nghệ sĩ khi vào vai phản diện hay lúc nhập vai chính diện; tài năng diễn xuất được thể hiện thành công trên sân khấu kịch cũng như trên phim truyền hình. Đến nay anh đã thành công ở hàng chục vai diễn, như các vai: Lý Thường Kiệt trong vở Tình sử ngàn năm, vai Phiệt trong vở Những mặt người thấp thoáng, vai anh em sinh đôi trong vở Đứa con bị đánh cắp, gần đây nhất là vai Năm Sài Gòn trong vở Bỉ Vỏ. Trên phim trường, trung Hiếu đã vào nhiều vai thành công, cả chính diện, phản diện và hài như vai Nhỡ (hài) phim Ván cờ vồ, vai Dó trong phim Ma làng phần 2, vai Khang trong phim Đường đời, vai Xuân Cồ trong phim Xuân Cồ bịt trống v.v. Dù vào vai diễn nào, NSND Trung Hiếu cũng luôn được đánh giá là người chăm chỉ, nghiêm túc với vai diễn và có lối diễn giản dị. Vì vậy người xem thường không thấy nhàm chán mỗi khi anh xuất hiện trên sân khấu hay phim trường. Và cái tên Trung Hiếu đã trở thành thương hiệu, là gương mặt diễn viên sáng giá của làng giải trí Việt. Trong cuộc đời nghệ sĩ, với hơn 20 năm trong nghề, Trung Hiếu có rất nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm lớn nhất là khi anh tham gia vai diễn Năm Sài Gòn, ra ngoài đời nhiều người đùa anh trông mày hiền thế mà đóng vai dự tợn, khó không ta? Hoặc khi vào vai Khang trong phim Đường đời, anh đã bị “ném đá” không biết bao nhiêu lần khi khán giả giáp mặt, bởi họ không còn nhớ đến cái tên Trung Hiếu mà chỉ nhớ đến nhân vật trên truyền hình có tên là Khang xấu xa, đáng ghét. Hơi phiền toái một tí, nhưng Trung Hiếu lại vui vô cùng vì vai diễn của mình đã in đậm trong lòng khán giả!

      Thành công là vậy, nhưng NSND Trung Hiếu luôn tâm niệm một điều ngoài niềm say mê nghệ thuật, mình cần phải nâng cao nghiệp vụ hơn nữa. Nói là làm, anh đã thử sức mình ở vai trò đạo diễn. Ngoài việc tu nghiệp đạo diễn ở Trường Sân khấu điện ảnh, anh đã thực hiện vai trò đạo diễn, trợ lý đạo diễn ở nhiều vở kịch, như vở Người đàn bà không tên, Giếng thơi trong lòng phố, Những mặt người thấp thoáng, Mắt phố và mới đây nhất là vở kịch Bỉ vỏ – đạt Huy chương Bạc trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc năm 2015. Trong vở Bỉ Vỏ, Trung Hiếu cũng rất thành công khi vào vai diễn Năm Sài Gòn, được Ban giám khảo và công chúng đánh giá cao. Kết quả là anh lại được nhận Huy chương Vàng, bên cạnh những Huy chương Vàng và danh hiệu trước đó như: Huy chương vàng tại “Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc” năm  2004, HCV Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 2012, năm 2015; giải Nam Diễn viên chính Xuất sắc – Giải thưởng Đài Tiếng nói Việt Nam 2007; giải Nam Diễn viên chính Xuất sắc – Bông Sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ 16 năm 2009; giải nam Diễn viên Xuất sắc – Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam 2010, năm 2012. Ngoài ra NS Trung Hiếu còn giành nhiều Huy chương Bạc, Huy chương Vàng tập thể …

Ngồi đối diện, tôi thấy như người ta nhận xét, Trung Hiếu thật hiền và điềm đạm. Nét điềm đạm ấy đã được anh tôi luyện trong suốt hơn 20 năm nghiệp diễn, hơn 20 năm sống chết với nghề, đến nỗi quên cả niềm vui riêng. Và hơn 20 năm ấy, nghề đã không bạc với anh, đó là những giải thưởng, danh hiệu mà anh đã giành được bằng mồ hôi, công sức và niềm đam mê nghệ thuật.

Trong câu chuyện với khách, NSND Trung Hiếu rất tự hào khi kể về gia đình mình. Bố mẹ anh là những người nghệ sĩ quê ở Thái Bình, tuy không là nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu, nhưng họ rất hiểu con và luôn ủng hộ anh theo đuổi sân khấu và điện ảnh. Anh đã đền đáp cha mẹ và những người hâm mộ bằng tình yêu dành cho nghệ thuật và đã được đền đáp xứng đáng, khi ngày 10/01/2016 vừa qua anh đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

         1

 NSND Trung Hiếu (bên phải, đeo máy ảnh) trong  vở kịch Những mặt người thấp thoáng

2

 Nghệ sỹ Trung Hiếu đón nhận danh hiệu NSND do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng.

  Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *