Tin ngành

Người, ghe, trái miền Tây nhộn nhịp Hà thành

​Với thuyền ghe, hoa trái bốn mùa và người miền Tây, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) – một trong ba chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ đã được tái hiện thành công tại Hà Nội.

Đây cũng là một trong những hoạt động nổi bật của Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam”, tại làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) từ ngày 20 – 24/11.

Khu vực chợ nổi đặt tại Hồ 2 của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. 25 ghe thuyền thường xuyên hoạt động, đưa du khách thập phương tham quan và mua bán hàng hoá trên mặt nước. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng chuẩn bị hai phương tiện cứu hộ để đảm bảo an toàn cho hành khách.

 

Cũng giống như phiên chợ thật, mô hình chợ nổi tại Đồng Mô cũng có sự đa dạng của thuyền (hay còn gọi là ghe). Nào là ghe tam bản không mui, ghe tam bản mui xếp, ghe chài mui ống lớn, xuồng năm lá. Ghe nào cũng ăm ắp, tươi rói sản vật địa phương. Nhiều ghe chở trái cây thơm ngon như dừa nước, xoài châu, bưởi năm roi, chôm chôm, trái bòn bon. Một số ghe khác trưng bày các mặt hàng thủ công phục vụ đánh bắt và chế biến thủy, hải sản như đơm, đó, niêu kho cá,…

Thuyền có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên quanh khu vực chợ nổi. “Nhà nào cũng có ghe và thạo sông nước.” – Ông Đình Chiến, một đạo diễn sân khấu người Cần Thơ cho biết. “Nhiều gia đình sinh sống trên thuyền, họ bắt đầu và cũng kết thúc một ngày trên chính thuyền của mình.”

 

“Chợ họp rất sớm, từ 3 giờ đến 9 giờ sáng là vãn,” chị Nguyễn Hương Giang (còn có tên chị Út), một người chuyên bán hàng tại chợ Cái Răng (Phụng Hiệp, Cần Thơ) cho biết: “Hàng hóa được trao đổi từ thuyền ghe này qua thuyền ghe khác rất dễ dàng”. Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối. Bởi vậy, hàng hóa được buôn bán với số lượng lớn, đồng đều về chất lượng, kích cỡ, phục vụ chủ yếu cho các tiểu thương buôn bán trên đất liền.

Bên cạnh đó, một số ghe phục vụ các món ăn đậm chất Nam Bộ như chè chuối, chuối chiên, chè đậu đen nước cốt dừa, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi…

 

Do buôn bán trên sông nước nên những người bán hàng ở chợ nổi không sử dụng tiếng rao như thường nghe ở những phiên chợ đất liền. Họ sử dụng “beo” – một cây sào tre gắn trước mũi thuyền. Trên đỉnh sào tre, chủ hàng treo những mặt hàng trên thuyền ngày hôm đó. Vì vậy, mỗi ghe thuyền đều “sở hữu” một hay nhiều chiếc beo.

Không chỉ được thưởng thức đặc sản chợ nổi, khách tham quan còn nghe các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn đặc chất miền tây – đờn ca tài tử. “Đờn ca tài tử, trước đây, báo hiệu buổi chợ bắt đầu”, ông Đình Vỹ, một “nghệ sỹ nghiệp dư” tại chợ nổi Cái Răng cho biết: “Tuy nhiên, ngày nay, đờn ca tài tử diễn ra suốt buổi chợ như một hình thức giao lưu văn hóa, người bán và khách mua có thể vừa buôn bán vừa nghe và thậm chí có thể tham gia hát chung”.

 

Cuối cùng, sự mộc mạc, chân tình của chàng trai, cô gái miền Tây trong bộ quần áo bà ba với khăn rằn quàng cổ cũng là nét đẹp để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách đến thăm phiên chợ nổi miền Tây tại Đồng Mô, Hà Nội.

 

Sau khi tuần lễ văn hoá kết thúc, mô hình chợ nổi Cái Răng sẽ được bàn giao cho Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, theo ông Nhâm Hùng, tác giả của mô hình.

Đỗ Dung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *