Tin tức - Sự kiện

Người giữ hồn tranh dân gian Hàng Trống

Một thời tranh dân gian Hàng Trống nức tiếng kinh kỳ, nay nghệ nhân Lê Đình Nghiên, người nghệ nhân duy nhất còn lại của dòng tranh dân gian Hàng Trống vẫn đang miệt mài với nghề, với việc bảo tồn và trao truyền cho đời sau. Bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt” đang được […]

Một thời tranh dân gian Hàng Trống nức tiếng kinh kỳ, nay nghệ nhân Lê Đình Nghiên, người nghệ nhân duy nhất còn lại của dòng tranh dân gian Hàng Trống vẫn đang miệt mài với nghề, với việc bảo tồn và trao truyền cho đời sau.

Bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt” đang được hình thành dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Ảnh Hòa An

Đầu thế kỷ XX được coi là giai đoạn hưng thịnh của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Thời bấy giờ, tuy được nhiều gia đình tại Hàng Nón, Hàng Quạt, Hàng Hòm… cũng làm tranh nhưng người ta gọi là tranh Hàng Trống bởi chủ yếu tranh được sản xuất từ khu phố này.

 

Bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt” đang được hình thành dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Lê Đình Nghiên

Tranh Hàng Trống có hai dòng chính là tranh thờ và tranh Tết. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tranh Hàng Trống có nguồn gốc từ tranh tôn giáo, là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo; giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình, chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá hàng ngày. Tranh Hàng Trống có nét rất thanh mảnh, trau chuốt, màu sắc tươi mới, sống động và tạo hình phóng khoáng. Do được làm bằng chất liệu giấy dó màu sắc vàng ấm áp, càng để lâu tranh Hàng Trống lại càng mang vẻ xưa cũ, cổ kính.

Tranh Hàng Trống nổi tiếng bởi các dòng tranh mang tên “Phúc Lộc Thọ”, đông con cháu để nối dõi mang tên “Thất Đồng”, “Tôn Tử Vạn Đại”; tranh truyện và tranh vui như “Chuột vinh quy”, “Thầy đồ cóc”, “Truyện Kiều”; tranh sinh hoạt và thiên nhiên “Chợ Quê”, “Canh nông chi đồ”, “Chim Công”, “Lý Ngư Vọng Nguyệt”, “Tứ Quý”, “Tố Nữ”…

Một thời hưng thịnh là vậy, tuy nhiên cho đến nay, dòng tranh dân gian Hàng Trống chỉ còn nghệ nhân Lê Đình Nghiên là người duy nhất còn làm nghề, giữ nghề, ông cũng lưu giữ được kỹ thuật làm tranh theo bản khắc tranh cổ có từ thế kỷ trước.

Tranh Hàng Trống đang được triển lãm tại Đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc, Hà Nội.

Tranh Hàng Trống được in bằng ván khắc gỗ in lên giấy dó, sau đó người vẽ tranh dùng bút lông chấm màu để tô lên từng mảng màu đậm nhạt, tuỳ theo nội dung, đường nét và các loại tranh. Tiếp sau đó đến công đoạn bồi tranh là một khâu quan trọng trong quá trình hình thành một tác phẩm. Chia sẻ về điều này, nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết, sự thành công, và tồn tại lâu bền của tác phẩm phụ thuộc vào công đoạn này bởi đây là công đoạn cần sự khéo léo của nghệ nhân. Chính vì tô màu bằng tay nên mỗi bức tranh lại là một nét sáng tạo riêng của người nghệ nhân.

Những người yêu tranh dân gian nay vẫn tìm đến phố Cửa Đông để gặp người nghệ nhân duy nhất còn lại của dòng tranh dân gian này. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên thuộc thế hệ thứ ba của một gia đình vốn có truyền thống nghề tranh ở làng Bình Vọng, Thường Tín (Hà Tây cũ) nhưng đã lập nghiệp ở phố Hàng Trống (Hà Nội). Trong 7 anh chị em, chỉ mình ông theo được nghề tranh gia truyền cha ông để lại.

Theo nghệ nhân Lê Đình Nghiên, xưa kia người làm tranh Hàng Trống làm quanh năm, nhưng nhiều hơn cả là vào dịp Tết, người dân mua tranh treo trong nhà với mong muốn một năm may mắn, thuận hoà. Đặc điểm của tranh Hàng Trống là không phân biệt người có tiền hay không, nhà giàu hay nhà nghèo đều có thể treo tranh phù hợp.

Với thâm niên gần 60 năm gắn bó với nghề làm tranh Hàng Trống, công việc vẽ và phục chế tranh dân gian của nghệ nhân Lê Đình Nghiên bận rộn quanh năm chứ không chỉ vào dịp Tết như các cụ ngày xưa. Sau một thời gian mai một, hiện nay dòng tranh Hàng Trống giờ tuy không còn nhộn nhịp, rộn ràng như xưa nhưng vẫn có chỗ đứng vừng vàng trong những dòng tranh dân gian truyền thống.

Nghệ nhân cho biết, tuy đã lớn tuổi rồi nhưng làm không hết việc bởi có bức tranh đơn giản chỉ cần hoàn thiện trong buổi sáng hoặc trong một ngày nhưng có những bức tranh vẽ từ hai đến ba tuần mới xong. Đặc biệt là dòng tranh thờ phải vẽ rất kỹ, ví dụ như từng chi tiết tay áo Phật đòi hỏi sự tỉ mỷ trong từng nét bút lông, nghệ nhân phải tĩnh tâm mới ra được cái hồn, vẻ đẹp của tranh. Chất liệu giấy dó cũng đòi hỏi nghệ nhân chuẩn từng nét vẽ, lấy mực vừa đủ nếu không sẽ loang màu, tranh ngậm nước thì hoàn toàn hỏng.

Điều đáng mừng là tuy xã hội ngày càng phát triển, người chơi tranh Hàng Trống ít đi nhưng người chơi tranh lại đòi hỏi cao hơn nên nghệ nhân càng phải chú trọng, không thể sản xuất ồ ạt mà phải mày mò nâng cao kỹ thuật làm tranh để tạo ra được một tác phẩm tranh dân gian hoàn chỉnh thực sự.

Ông Lê Đình Nghiên chia sẻ, đến nay tôi cũng đã lớn tuổi, nghề này là do tôi nối nghiệp cha ông, sức khoẻ tôi còn thì tôi vẫn còn làm việc, nhưng khi yếu đi ông cũng trăn trở về việc trao truyền cho thế hệ sau. Tuy hiện con trai nghệ nhân đang kế nghiệp cha ông nhưng với số lượng người kế nghiệp ít ỏi, nghệ nhân lo rằng dòng tranh có nguy cơ mai một.

“Khi sức khoẻ đã yếu đi tôi mong muốn con tôi và cháu tôi sau này sẽ tiếp tục kế nghiệp nghề cha ông để lại, tiếp tục gìn giữ những bản khắc mộc bản cha truyền con nối từ hàng trăm năm nay”, nghệ nhân cho biết.

Hòa An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *