Hà Nội đẹp

Người họa sĩ giữ trọn đam mê với tranh cổ động

“Dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bồng bềnh, miệng như mỉm cười, ánh mắt say sưa theo từng nét vẽ”  là hình ảnh thường thấy mỗi khi cầm cọ của người họa sĩ cả đời giữ trọn đam mê với tranh cổ động, – họa sĩ Lưu Yên Thế.

Họa sĩ Lưu Yên Thế vẫn cần mẫn vẽ tranh cổ động bằng cây cọ.

Họa sĩ Lưu Yên Thế sinh năm 1947 tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Ông là cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đan Phượng (1967 – 1970) và gắn bó với Ty Văn hóa Thông tin Hà Tây (sau là Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây) cho tới khi nghỉ hưu (năm 2007). Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Những bài tập thủ công hay trang trí báo tường ở lớp, ở trường của Lưu Yên Thế luôn khiến các thầy cô và bạn bè ngạc nhiên, thích thú. Lớn lên được công tác trong ngành văn hóa, ông có dịp phát huy sở trường của mình. Ông kể, là một cán bộ trẻ, ông thường xuyên xuống cơ sở khi thì vẽ tranh, lúc lại hướng dẫn nghiệp vụ…Để có những bức vẽ trực quan sinh động đáp ứng công tác tuyên truyền, hàng ngày ông và các họa sĩ miệt mài sáng tác rồi phóng to tranh lên pano treo dọc bên đường và những nơi đông người qua lại. Ngày đó, phương tiện thông tin còn ít ỏi nên tranh cổ động tuyên truyền được người dân hứng khởi đón nhận. Đó là động lực để ông dành tình yêu, tâm huyết hơn nữa cho công việc sáng tác. Theo ông thì tranh cổ động là một hình thức tuyên truyền trực quan sinh động đã tác động trực tiếp vào thị giác của người xem. Muốn có một bức tranh cổ động tốt, rõ ràng về nội dung, hấp dẫn về hình thức, người họa sĩ phải nghiên cứu kĩ đề tài và tìm cách thể hiện một cách khái quát sao cho cô đọng, dễ hiểu mới mang lại hiệu quả tuyên truyền cao.

Tác phẩm “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” đoạt giải Ba cuộc thi Sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hơn 70 tuổi đời, trên 50 năm cầm cọ vẽ tranh cổ động, họa sĩ Lưu Yên Thế vẫn không ngừng sáng tạo, không vắng mặt ở bất cứ cuộc thi nào. Đến nay, ông đã sáng tác hàng trăm tác phẩm về các đề tài xã hội, nhưng chủ yếu là sáng tác phục vụ công tác tuyên truyền các ngày lễ, kỉ niệm lớn của đất nước. Ông giành nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải Nhất cuộc thi Vẽ tranh cổ động chào mừng “70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam” của Bộ Quốc phòng (năm 2014), Giải Nhất cuộc thi Vẽ tranh cổ động “Người chiến sĩ công an – Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của Bộ Công an (năm 2018). Ngoài ra, ông còn giành nhiều giải Nhì, giải Ba của Bộ VHTTDL và các bộ, ngành về tất cả các đề tài. Trong số các tranh cổ động, ông đặc biệt nâng niu, trân trọng những tác phẩm vẽ về Bác Hồ. Trong tiềm thức của ông, Bác Hồ là một người vĩ đại mà cũng vô cùng giản dị, gần gũi. Tuy chưa được  gặp Bác, nhưng qua phim ảnh, sách, báo, hình ảnh Bác luôn in đậm trong trái tim họa sĩ. Song, để thể hiện Bác lên tranh không hề dễ. Vẽ Bác Hồ, ngoài yếu tố giống về hình dáng bên ngoài, người họa sĩ còn cần thể hiện được tinh thần, tình cảm của Bác. Cho đến nay, ông đã vẽ hàng chục tác phẩm về Bác Hồ kính yêu, trong đó có những tác phẩm được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao, bản thân ông cũng thấy tâm đắc vì mỗi tác phẩm đều gửi gắm tâm tư, tình cảm của ông đối với Người. Có một kỷ niệm ông không bao giờ quên là việc ông đã thức trắng đêm vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để kịp chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Cách đây 5 năm, tác phẩm “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của ông đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tác tranh cổ động toàn quốc kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015). Dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), 2 tác phẩm “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” và “Tất cả vì dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” của ông tham gia cuộc thi do Cục Văn hóa cơ sở phát động đã vinh dự đoạt giải Ba. Nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Cái tên Lưu Yên Thế càng được nhiều người chú ý hơn khi hồi đầu tháng 4 năm nay, tờ báo Guardian của nước Anh đăng tải bức tranh cổ động của ông về phòng, chống dịch Covid-19 và bày tỏ sự cảm phục họa sĩ Việt Nam. Mặc dù nhận được thư mời của Cục Văn hóa cơ sở về cuộc vận động Sáng tác tranh cổ động phục vụ tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 chỉ trước 5 ngày nộp tranh nhưng họa sĩ Lưu Yên Thế vẫn hoàn thành 2 tác phẩm: “Chống dịch như chống giặc” và “Chung tay phòng, chống Covid-19”.  Hai tác phẩm được lựa chọn để in ấn, phổ biến trên toàn quốc nhằm tiếp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh của cả cộng đồng. Cũng trong tháng 4, tại cuộc thi Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020), tác phẩm “30.4 đại thắng” của ông được trao giải Nhì…Nhiều người nói vui rằng, họa sĩ Lưu Yên Thế có “duyên” với giải.

Tranh cổ động “Chống dịch như chống giặc” đăng trên báo nước Anh.

Giữa thời đại công nghệ 4.0, đa số các họa sĩ đều sử dụng máy tính để vẽ tranh cổ động thì họa sĩ Lưu Yên Thế vẫn cần mẫn, trân quý với cây cọ của mình. Được vẽ thủ công nên tranh của ông luôn tinh tế, đường nét sắc sảo, hài hòa; hình ảnh nhân vật mang nét thần thái riêng; màu sắc đặc trưng cổ động; thông điệp thể hiện ý nghĩa…Với ông, việc vẽ tranh cổ động như hơi thở cuộc sống vậy. Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, sức khỏe yếu dần theo năm tháng nhưng người họa sĩ tài ba, dung dị ấy vẫn không ngơi tay, buông cọ, không ngừng đi tìm ý tưởng, vẫn cháy bỏng đam mê. Ông đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong lĩnh vực sáng tác tranh cổ động phục vụ công tác tuyên truyền. Ông rất vui khi các con, cháu của ông cũng nối gót ông theo nghiệp vẽ, đó là nguồn động viên rất lớn đối với ông lúc tuổi già.

Tuấn Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *