Văn hoá đời sống

Người nhạc sỹ năm ấy hát mừng đoàn quân chiến thắng trở về

Tại trưng bày “Hà Nội – Ngày trở về” đã được khai mạc tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, trong nhiều bức ảnh lịch sử của Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), hình ảnh người nhạc sỹ mặc comple trắng, đánh đàn guitar, hát trong rừng người với sắc đỏ cờ, hoa hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về đã để lại ấn tượng đặc biệt với nhiều người xem. Đó chính là nhạc sỹ Nguyễn Văn Quỳ, người được mệnh danh là “Ông vua Sonate của Việt Nam”.

Gặp ông ở ngôi nhà trên phố Nguyễn Quang Bích, một con phố nhỏ nằm đối diện chợ Hàng Da (Hà Nội). Tiếp đón chúng tôi là người nhạc sỹ mang bí danh Đỗ Quyên, năm nay đã 93 tuổi ở trong căn phòng nhỏ với cây đàn dương cầm, các giải thưởng âm nhạc cùng những cuốn sách đã úa màu thời gian.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Quỳ được mệnh danh là “Ông vua Sonate của Việt Nam” bởi ông là tác giả của 9 bản Sonate cho violon và piano, trong đó có hai bản số 4 và số 8 được giải Nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Vừa sáng tác, ông còn dạy nhạc ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Hơn 30 năm giảng dạy, ông đã góp phần đào tạo giáo viên âm nhạc cho các trường học ở Thủ đô.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Quỳ

64 năm đã trôi qua nhưng ký ức về thời khắc lịch sử huy hoàng ấy đối với ông dường như vừa mới ngày hôm qua. Sức đã yếu, đôi bàn tay run run nhưng từ tốn, chậm rãi, ông hào hứng kể cho chúng tôi nghe rành rọt từng chi tiết, chính xác từng câu chữ, đúng với tác phong của một nhà giáo.
“Khi nhận được tin ta chiến thắng ở Điện Biên Phủ thì chúng tôi đã biết ngày giải phóng Thủ đô đang đến gần. Tôi và anh Nguyễn Sinh, anh Lê Văn Thành bàn nhau tổ chức đoàn thanh niên và học sinh cứu quốc nội thành đón đoàn quân chiến thắng trở về. Anh Sinh nói với tôi: Quỳ sáng tác những bài về Hà Nội đi. Tôi đã sáng tác một số bài để hát trong ngày giải phóng Thủ đô như: Hà Nội giải phóng, Hoan hô quân đội giải phóng Thủ đô…
Đúng 7h30 sáng, ngày 10/10/1954, tôi dẫn đầu ban đồng ca khoảng 200 người, xếp thành hàng bốn với lá cờ đỏ sao vàng xuất phát từ nhà tôi ở số 13 phố Phạm Phú Thứ (nay là phố Nguyễn Quang Bích) tiến về hồ Hoàn Kiếm. Ở bến tàu điện Bờ Hồ, ban đồng ca hát những ca khúc cách mạng Việt Nam và một số bài do tôi sáng tác. Dân chúng từ các phố Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang kéo về mỗi lúc một đông, hòa thành một không khí náo nhiệt, vui tươi, người nào cũng tay cờ, tay hoa cùng nhau vỗ tay hát theo ban đồng ca: “Hoan hô các anh về đây giải phóng Thủ đô”.

Đoàn quân chiến thắng tiến về tiếp quản Thủ đô, ngày 10/10/1954.

Khi chúng tôi hỏi về những cảm xúc của ông nhân kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Thủ đô, ông chia sẻ: “Thời gian đã trôi qua hơn 60 năm, người còn người đã khuất. Kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô hằng năm, nhìn lại hình ảnh mình và ban đồng ca hát trong rừng người với cờ, hoa hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về, tôi lại xúc động bồi hồi và nhớ lại những khoảnh khắc, cảm giác vui mừng phấn khởi trong ngày hội chưa từng có ở Thủ đô”.
Quả đúng vậy, qua nét mặt của ông chúng tôi vẫn cảm nhận được niềm tự hào khi chào đón đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô. Và khoảnh khắc ôm đàn và hát trong rừng người với sắc đỏ cờ, hoa ngày ấy không chỉ in sâu trong cuộc đời của ông mà cả trong ngày lịch sử toàn thắng trở về sau 9 năm kháng chiến trường kỳ.

Nguyễn Thị Sâm

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *