Văn hoá đời sống

Người thổi hồn cho tiếng sáo ngân vang

 Ở tuổi lục tuần, nghệ sĩ Lê Thái Sơn vẫn coi tiếng sáo như “duyên nợ” với mình. Ông muốn góp phần nhỏ bé vào việc bảo tồn nhạc cụ sáo trúc trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Tình yêu của ông dành cho sáo đã thực sự lan tỏa.

Sáo là loại nhạc cụ thổi hơi rất phổ biến ở vùng nông thôn Việt Nam. Hình ảnh cô bé, cậu bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo véo von, hay thỏa thích thả diều cùng tiếng sáo vi vu trên triền đê lộng gió…đã trở thành ký ức tuổi thơ đẹp đẽ trong tâm trí mỗi người. Nghệ sĩ sáo trúc Lê Thái Sơn lớn lên cùng tuổi thơ như thế, để rồi ông yêu sáo, gắn bó với nghiệp sáo cho đến hôm nay.

Trong căn phòng nhỏ ở ngõ 3 đường Tô Hiệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, cứ chiều chiều lại vang lên những thanh âm trầm bổng. Khi là tiếng sáo Mèo lảnh lót, trong vắt ngân lên qua bài “Tình ca Tây Bắc”; khi lại nhẹ nhàng, sâu lắng bởi tiếng sáo trúc cùng “Bèo dạt, mây trôi” – dân ca Bắc bộ; lúc mượt mà, truyền cảm bởi “Lý qua cầu” – dân ca Nam bộ; lúc sôi động, âm vang bởi tiếng đàn T’rưng qua “Cô gái vót chông”…Những âm thanh say đắm lòng người ấy được phát ra từ lớp học miễn phí của nghệ sĩ Lê Thái Sơn.

Nghệ sĩ Lê Thái Sơn cùng học trò biểu diễn đàn T’rưng và thổi sáo cho du khách xem.

Nhiều năm gắn bó với cây sáo, ông luôn trăn trở sẽ không còn ai mặn mà với loại nhạc cụ được chế tác từ tre, trúc, nứa nữa khi nhạc cụ điện tử lên ngôi. Ông thường đi khắp vùng núi Tây Bắc để tìm cho được nguyên liệu làm ra những chiếc đàn, sáo tốt. Không chỉ sáng chế ra các loại sáo, đàn, tiêu ngân vang, thánh thót, ông còn dày công nghiên cứu, biên soạn cuốn sách “Hướng dẫn sử dụng sáo ngang 10 lỗ, sáo Mèo và tiêu”. Cây sáo đã trở thành người bạn đồng hành của ông theo năm tháng cuộc đời. Ông kể, trong những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga (năm 2005), sáo do ông sáng chế được các bạn Nga đánh giá cao. Tiếng sáo Mèo, sáo tiêu, sáo ngang của ông cũng đến được với bạn bè quốc tế tại Festival Huế, Liên hoan văn hóa các nước Asean (năm 2013), ông được tặng giải thưởng “Tinh hoa Việt Nam” trong lĩnh vực âm nhạc. Nhưng với ông, niềm hạnh phúc lớn nhất là ông đưa được cây sáo đến với bạn bè quốc tế, có cái nhìn mới về nhạc cụ truyền thống của Việt Nam.

Tiếng sáo du dương, dạt dào, lúc thanh cao, lúc trầm lắng, lúc vui, lúc buồn khiến lòng người xốn xang. Có lẽ điều này khiến nghệ sĩ Lê Thái Sơn yêu sáo, say mê tiếng sáo và muốn thổi tình yêu sáo vào tâm hồn nhiều thế hệ học trò, góp phần gìn giữ điệu nhạc quê hương. Những năm tháng công tác trong ngành văn hóa, ông hay đến các nhà văn hóa thiếu nhi để dạy sáo miễn phí. Khi về nghỉ hưu (năm 2011), ông mở lớp học sáo miễn phí tại nhà vào các buổi chiều (14h-16h) cho  những ai đam mê thổi sáo. Đã có trên 200 học sinh theo học các lớp sáo của ông, từ những em nhỏ đến những người lớn tuổi đều theo ông học sáo. Ông bảo rằng, muốn thổi được sáo hay thì phải chăm rèn luyện thể lực. Có sức khỏe thì mới có nhiều hơi để thổi. Do vậy, ông luôn luôn nhắc nhở học trò của mình phải tập thể dục mỗi ngày và sắp xếp thời gian học sáo khoa học. Đến nay, các lớp học sáo của ông duy trì được 7 năm. Nhiều học viên đã thành danh trên con đường nghệ thuật như: Nguyễn Xuân Trung – diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nguyễn Thị Trang – giảng viên khoa sáo trúc trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, Bùi Công Thơm – giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia…Họ đang tiếp tục thay ông truyền lửa đam mê sáo cho giới trẻ.

Ở tuổi lục tuần, nghệ sĩ Lê Thái Sơn vẫn coi tiếng sáo như “duyên nợ” với mình. Ông muốn góp phần nhỏ bé vào việc bảo tồn nhạc cụ sáo trúc trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Tình yêu của ông dành cho sáo đã thực sự lan tỏa.

Hương Giang

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *