Xin ông cho biết cụ thể hơn về đề án biến Nhà hát Lớn thành không gian mở? Bộ triển khai từng giai đoạn ra sao vào thời điểm nào và các khu vực được khoanh vùng cụ thể? Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ ở những hạng mục gì?

Bộ đã chỉ đạo Nhà hát Lớn thực hiện các bước theo quy trình đầu tư để xây dựng khuôn viên Nhà hát Lớn hiện nay (nơi đang cho thuê kinh doanh cà phê) thành công viên mở để phục vụ cộng đồng. Hiện tại, tư vấn đang trong quá trình nghiên cứu để thiết kế quy hoạch. Sau khi có thiết kế chi tiết Bộ sẽ lấy ý kiến rộng rãi và phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội trong việc triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nhiều nhà chuyên môn rất hoan nghênh ý tưởng này của Bộ. Kỳ vọng của Bộ khi biến đổi không gian Nhà hát Lớn ra sao?

Khi đưa ý tưởng này, Bộ kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành không gian văn hóa lịch sử điển hình của Hà Nội, có sự kết nối với quảng trường Cách mạng Tháng Tám, vườn hoa Cổ Tân, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và một số điểm di tích khác tại khu vực hồ Gươm; đồng thời đưa nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế khi du lịch tại thủ đô Hà Nội.

Một số không gian hiện nay ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (25 Tông Đản) bị biến thành địa điểm tiệc cưới, quán bia điều này có được phép của Bộ không? Bộ định xử lý như thế nào?

Ô. Nguyễn Thái Bình

Theo Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 về Quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng, Điều 12 quy định rõ các hoạt động dịch vụ của bảo tàng và “Hoạt động dịch vụ của bảo tàng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng và quy định của pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng hoặc đơn đặt hàng của tổ chức, cá nhân”.

Hiện Bộ đã có kế hoạch rà soát, kiểm tra thực tế hoạt động dịch vụ, chỉnh trang cảnh quan môi trường của một số đơn vị thuộc Bộ trong đó có Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Việt Nam.

Ngày 17/3/2017, Bộ có Công văn số 1097/BVHTTDL-KHTC gửi đơn vị về việc rà soát hoạt động dịch vụ, chỉnh trang cảnh quan môi trường. Theo đó, yêu cầu đơn vị rà soát và báo cáo Bộ việc sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê… trên cơ sở đó đơn vị lập phương án sử dụng tài sản gắn với kinh doanh dịch vụ và chỉnh trang cảnh quan môi trường.

Trong ý tưởng tour du lịch – nghệ thuật, Bộ định kết nối các bảo tàng với Nhà hát Lớn, vậy còn Nhà hát Kịch Việt Nam ở phía sau cũng bị bỏ phí nhiều năm nay, Bộ có ý tưởng gì với hạ tầng này không?

Nói Nhà hát Kịch Việt Nam (phía sau Nhà hát Lớn) bị bỏ phí nhiều năm là không đúng. Thực tế, địa điểm này là nơi đặt trụ sở sinh hoạt chung của các diễn viên nhà hát, là nơi các diễn viên hằng ngày tới làm việc, sáng tạo và dàn dựng các tác phẩm nghệ thuật. Cũng tại đây, nhiều tác phẩm nổi tiếng đã ra đời tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả yêu sân khấu như: “Mỹ nhân và anh hùng”, “Đêm của bóng tối”, “Chia tay hoàng hôn”, “Đi tìm điều không mất”, “Tai biến”, “Lâu đài cát”… Việc quy hoạch, chỉnh trang khuôn viên Nhà hát Lớn sẽ bao gồm nhiều điểm di tích phụ cận, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng nằm trong phạm vi này.

Với các không gian thuộc cụm công trình xung quanh Nhà hát Lớn liệu có thể khôi phục lại giống với thời Pháp không, nếu không Bộ có ý tưởng ra sao với các cụm công trình xung quanh?

Nhà hát Lớn cùng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Địa chất và một số công trình khác là các công trình có kiến trúc đẹp do người Pháp xây dựng. Do đó, việc quy hoạch không gian sẽ đảm bảo các yếu tố gốc của di tích. Đồng thời, quá trình làm quy hoạch sẽ lấy ý kiến người dân, các chuyên gia và nhà nghiên cứu trước khi đi vào triển khai thực hiện. Ngoài việc chỉnh trang khuôn viên Nhà hát Lớn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và một số Bộ, ngành liên quan để tạo nên sự kết nối liền mạch với phía Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Cảm ơn ông!