Vui chơi - Giải trí

Nhiều hoạt động văn hóa trên phố cổ kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô

Theo đó, tại Đình Kim Ngân sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu về các làng nghề kim hoàn trong cả nước còn trên phố bích họa Phùng Hưng sẽ sôi nổi với các hoạt động thời trang, âm nhạc, các trò chơi dân gian truyền thống.

Nặn tò he của các nghệ nhân làng nghề xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên sẽ diễn ra tại phố bích họa Phùng Hưng

Nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954-10/10/2018), Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nhằm mục đích quảng bá các giá trị di sản, tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của các tổ chức, cá nhân, nghệ nhân, thợ thủ công trong công tác bảo tồn giá trị di sản. Đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch, giúp cho các du khách khi đến với Phố cổ nói riêng và Hà Nội nói chung có điều kiện tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa của Hà Nội. Cụ thể, tại phố bích họa Phùng Hưng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, từ ngày 05/10 đến ngày 07/10/2018, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với Viện thiết kế thời trang – A Designer Hà Nội, tổ chức chương trình biểu diễn thời trang bộ sưu tập Thu – Đông với chủ đề “Sắc thu Hà Nội” và biểu diễn âm nhạc. Bao gồm những nội dung chính: Giới thiệu các sản phẩm thời trang của các nhà thiết kế; Các hoạt động tương tác với du khách: trang điểm, vấn tóc, giới thiệu trang phục trong bộ sưu tập của các nhà thiết kế để khách tham quan chụp ảnh; Biểu diễn âm nhạc truyền thống (các ngày từ tối 5/10 đến 7/10/2018); Giới thiệu và hướng dẫn các trò chơi dân gian như: nặn tò he của các nghệ nhân làng nghề xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên. Tại Đình Kim Ngân – 42,44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc sẽ trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống với chủ đề “Nghề truyền thống Việt”, vào chiều ngày 09/10/2018. Theo đó, Ban tổ chức sẽ giới thiệu nghề kim hoàn: Nghề vàng bạc Châu Khê (Hải Dương), Nghề đậu bạc làng Định Công (Hoàng Mai – Hà Nội), Nghề đúc đồng (Đại Bái – Bắc Ninh), Nghề Chạm Bạc (Đồng Xâm – Thái Bình); Gặp mặt giao lưu và trao đổi cùng nghệ nhân, thợ thủ công đại diện các làng nghề kim hoàn: Nghệ nhân Nguyễn Văn Nhân – Nghề vàng bạc Châu Khê (Hải Dương); Nghệ nhân Nhân dân Quách văn Hiểu – Nghề đậu bạc Phường Định Công (Hoàng Mai – Hà Nội); Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ngọc Trọng – Nghề đúc đồng (Đại Bái – Bắc Ninh; Thợ thủ công Đinh Quang Thắng – Nghề Chạm Bạc (Đồng Xâm – Thái Bình). Ban quản lý Phố cổ Hà Nội mong muốn, Đình Kim Ngân không chỉ là địa điểm giới thiệu tới du khách các giá trị văn hóa phi vật thể thông qua việc tổ chức không gian nghề kim hoàn mà còn là nơi trao đổi kinh nghiệm, giao lưu của các nghệ nhân làng nghề – phố nghề về nghề truyền thống trong sự phát triển của xã hội hiện nay. Qua đó, từng bước tạo sự hấp dẫn để phát triển phố nghề kim hoàn ngày một thu hút được đông khách hơn.

PV

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *