Văn hóa

Nhiều kết quả nổi bật trong sự nghiệp phát triển văn hoá Thủ đô năm 2019

Chiều 6/01, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí, tổng kết công tác hoạt động của ngành và bình chọn 10 hoạt động, sự kiện Văn hoá và Thể thao Hà Nội tiêu biểu trong năm 2019.

Thông tin tại buổi gặp mặt về kết quả công tác Văn hoá và Thể thao (VHTT) Hà Nội năm 2019, Phó giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, năm 2019 sự nghiệp phát triển văn hoá đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Toàn cảnh buổi gặp mặt.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được chú trọng

Cụ thể, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, việc tu bổ, tôn tạo di tích được chú trọng, đầu tư. Thành phố đã hoàn thành công tác kiểm tra, khảo sát và xây dựng kế hoạch thực hiện đầu tư, tu bổ, tôn tạo 150 di tích đã xếp hạng, di tích cách mạng kháng chiến có giá trị tiêu biểu xuống cấp nặng tại 22 quận, huyện, thị xã. Thực hiện tu bổ, tôn tạo 177 di tích tại 30 quận, huyện, thị xã; xếp hạng cho 52 di tích. Các di tích, danh thắng do Sở VHTT trực tiếp quản lý (Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và các di tích cách mạng kháng chiến) đã đón tiếp, phục vụ hơn 3,2 triệu lượt khách. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng (43) nghệ nhân trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước phong tặng năm 2019.

Khách đến tham quan di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Công tác xây dựng Nếp sống văn hóa cơ sở, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm tổ chức thực hiện với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực: Tổ chức tốt Cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp” năm 2019; việc đánh giá, bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa đảm bảo đúng trình tự, quy định: Toàn Thành phố có 87% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 60% làng được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; 70,5% Tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”. Mùa lễ hội 2019, thành phố Hà Nội không còn những điểm nóng về công tác tổ chức, quản lý lễ hội.

Chất lượng, quy mô các hoạt động văn hoá, văn nghệ được nâng cao

Hà Nội đã tổ chức thành công các hoạt động chào mừng ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô, trong đó có 03 Lễ kỷ niệm cấp quốc gia do Trung ương giao thành phố Hà Nội là cơ quan chủ trì tổ chức; 02 Lễ kỷ niệm cấp Thành phố. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên tại Hà Nội.

Phong trào văn hóa, văn nghệ tại các quận, huyện, thị xã ngày càng được quan tâm. Ngành VHTT đã tổ chức 07 liên hoan nghệ thuật quần chúng, đạt 05 huy chương tại Hội thi Múa không chuyên toàn quốc – Ninh Thuận 2019. Các Nhà hát thuộc Thành phố tổ chức hơn 2.600 buổi biểu diễn nghệ thuật; có hơn 300 chương trình biểu diễn nghệ thuật của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị được cấp phép và tiếp nhận biểu diễn tổ chức trên địa bàn Thành phố; 3.300 buổi chiếu phim tại các rạp do Sở quản lý và các huyện, thị xã vùng sâu, vùng xa; Thành phố Hà Nội có 32 nghệ sỹ được Chủ tịch nước phong tặng (30), truy tặng (02) danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú. Đạt thành tích cao tại các Liên hoan, cuộc thi nghệ thuật trong nước, quốc tế, tiêu biểu là huy chương vàng vở diễn tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2019…

Lễ hội Văn hoá dân gian trong đời sống đương đại thu hút 6 vạn lượt khách.

Hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa, thể thao với các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế được mở rộng. Năm 2019, Sở đã phối hợp tổ chức 210 sự kiện (trong đó có 28 sự kiện quốc tế, 09 sự kiện của các tỉnh, thành phố) – tăng 25% so với năm 2018.

Chất lượng, quy mô của các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao tiếp tục được đổi mới và nâng cao, trong đó nhiều sự kiện đã để lại dấu ấn đối với nhân dân, du khách trong nước, quốc tế tới Thủ đô như: Lễ hội hoa Anh đào năm 2019; Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2019; Lễ hội đường phố; Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại 2019; Giải Marathon quốc tế di sản Hà Nội năm 2019 đã gây tiếng vang, thu hút 7.000 người tham gia, trong đó có 1.500 vận động viên quốc tế đến từ 54 quốc gia… Tổ chức hiệu quả hoạt động giới thiệu văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của thành phố Hà Nội trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội tại nước Cộng hòa Pháp; tại Hội nghị thượng định Mỹ – Triều Tiên lần thứ hai.

Cùng nhiều kết quả nổi bật khác

Như dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội được tích cực triển khai thực hiện: Hoàn thành điều chỉnh Đề cương tổng quát. Hoạt động tuyên truyền, trưng bày và giáo dục tiếp tục được tăng cường. Bảo tàng Hà Nội đón tiếp 105.985 lượt khách tham quan, nghiên cứu, học tập.

Công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan thực hiện có trọng tâm, trọng điểm góp phần làm đẹp cảnh quan, mỹ quan đường phố Thủ đô. Sở đã tổ chức phát động: Cuộc vận động thiết kế trang trí thành phố Hà Nội năm 2019; Cuộc thi Sáng tác tiểu phẩm tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị năm 2019; Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế “Tự hào Hà Nội” năm 2019…

Công tác Thư viện triển khai đồng bộ các hoạt động chuyên môn. Tổ chức phục vụ hơn 704.000 lượt bạn đọc (tăng 25,7% so với năm 2018), gần 2.000.000 lượt sách, báo, tạp chí tại Thư viện Thành phố. Tại thư viện các quận, huyện, thị xã: Đón tiếp, phục vụ hơn 132.000 lượt bạn đọc, gần 282.000 lượt sách, báo, tạp chí.

Dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội được tích cực triển khai thực hiện (trong ảnh là các hiện vật, tài liệu do các tổ chức, cá nhân hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội).

Công tác gia đình được tổ chức thực hiện thông qua các hoạt động từ cơ sở: Kỷ niệm ngày Quốc tế Hạnh phúc; Ngày gia đình Việt Nam năm 2019; “Liên hoan gia đình văn hoá tiêu biểu” thành phố Hà Nội năm 2019; các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”. Triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại xã Phú Cường, huyện Ba Vì và phường Khương Trung, quận Thanh Xuân.

Bên cạnh đó, với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”, Sở Văn hoá và Thể thao đã tham mưu, báo cáo UBND Thành phố hỗ trợ các huyện xây dựng 108 nhà văn hóa thôn còn thiếu trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện 02 Quy tắc ứng xử với nhiều hình thức, mô hình đổi mới, sáng tạo… Công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Đặc biệt, Thành phố Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên của mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO, với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa, sáng tạo văn hóa để phát triển bền vững cho đô thị.

Thái Nguyên

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *