Tin ngành

Những “dấu ấn” nổi bật của ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội năm 2018

Năm 2018 được xem là năm ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đây là sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ của thành phố đặt ra cho năm chủ đề: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.

ĐHTT toàn quốc – Ảnh: Internet

Trong quản lý và điều hành
Ngay từ đầu năm, các nội dung, nhiệm vụ “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển khai tới các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở với phương châm: Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả.
Sở đã tiến hành công tác rà soát cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm; đánh giá cán bộ; xây dựng kế hoạch công tác tháng, lịch công tác tuần; lịch tiếp công dân gắn với giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo… được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng, ban hành Đề án số 4667 ngày 20/11/2018 về “Sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả”; bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc của Sở; tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành công vụ, kỷ cương hành chính tại 25 phòng, ban, đơn vị thuộc Sở.
Công tác cải cách hành chính được tập trung thực hiện. Hoàn thành, thực hiện 57/76 (chiếm 75%) thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở mức độ 3, 4 – vượt kế hoạch 20%, trong đó 15 thủ tục hành chính thực hiện ở mức độ 4 (vượt kế hoạch 67%); thực hiện khảo sát, đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về sự phục vụ của Sở đối với các nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt 98,66%. 100% văn bản đi, đến (trừ văn bản mật) của Sở đều được tiếp nhận, phát hành trên phần mềm quản lý văn bản; Chỉ số Cải cách hành chính của Ngành tăng 7 bậc, xếp vị trí số 14/22 Sở, ngành, cơ quan của Thành phố.
Công tác quản lý nhà nước được tăng cường; các chỉ tiêu của Ngành được giao đều hoàn thành kế hoạch đề ra. Năm 2018, Sở VHTT đã tham mưu HĐND, UBND Thành phố ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng: Nghị quyết của HĐND Thành phố về Đặt tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố năm 2018; Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời đến năm 2020, định hướng đến năm 2050; Quy định về nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao…
Công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2018, đã tổ chức kiểm tra 275 cơ sở, lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 206 trường hợp với tổng số tiền phạt: 2.094.000.000 đồng, tháo dỡ 14.750 băng rôn, phướn, tờ rơi quảng cáo vi phạm.
Hoàn thành tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”: Trực tiếp thực hiện 06 đề án được giao. Tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy: Giám sát việc thực hiện Chương trình và các chỉ tiêu, dự án, đề án tại các Sở, ngành, quận, huyện; tổ chức Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ và triển khai nhiệm vụ cuối nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Lĩnh vực Văn hóa và Gia đình
Năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tuyên truyền, triển khai thực hiện 02 Quy tắc ứng xử đã được cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở vào cuộc đồng bộ với nhiều hình thức, giải pháp phong phú, đa dạng: Phổ biến, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật; Tổ chức Tọa đàm về Quy tắc ứng xử; Hội thi tuyên tuyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng từ cấp phường, xã, thị trấn đến Thành phố; tổ chức hội nghị, ký cam kết, phổ biến trong các buổi sinh hoạt chi bộ; niêm yết quy tắc tại trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, nơi công cộng… Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, những quy định của 2 Quy tắc ứng xử đang dần phát huy tác dụng, được các cơ quan, đơn vị, quận, huyện, thị xã và đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, thực hiện; trong đó, việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã mang lại hiệu quả rõ nét.
Công tác gia đình được tổ chức thực hiện thông qua các hoạt động từ cơ sở: Các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Hạnh phúc; Ngày gia đình Việt Nam năm 2018; chung khảo hội thi “Tổ trưởng dân phố thân thiện”; “Gia đình văn minh hạnh phúc”; Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Việc đánh giá, bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa đảm bảo đúng trình tự, quy định: Toàn Thành phố có 87% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 60% làng được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; 70.5% tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”.

Trưng bày tại Thư viện Hà Nội – Ảnh: Internet

Năm 2018 công tác tổ chức hoạt động, sự kiện được tổ chức đổi mới, nâng cao chất lượng với 2.876 buổi biểu diễn nghệ thuật, 5.938 buổi chiếu phim, 50 giải thể thao quần chúng trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra Sở cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô trong năm 2018, tiêu biểu là Các hoạt động trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc; Đặc biệt là các hoạt động và Lễ kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội để lại ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân.
Bên cạnh việc duy trì, tiếp tục tổ chức các sự kiện văn hóa lớn của quốc gia, quốc tế như: Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2018; Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V năm 2018; Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ V tại Hà Nội; Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2018; Cuộc thi giọng hát hay Hà Nội năm 2018… Sở Văn hóa và Thể thao đã nghiên cứu, tổ chức nhiều sự kiện mới, lần đầu tiên được tổ chức nhưng đã để lại dấu ấn đối với nhân dân Thủ đô, du khách: Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 thu hút hơn 80.000 người dân và du khách tham gia; Lễ hội đường phố “Tinh hoa Hà Nội – Hội tụ và tỏa sáng”, Giải chạy Marathon quốc tế di sản Hà Nội 2018; Liên hoan nghệ thuật hát Văn – hát Chầu Văn Hà Nội năm 2018. Tổ chức thành công Lễ hội bơi chải thuyền rồng thành phố Hà Nội năm 2018 với sự tham dự của 27 đội bơi chải đến từ 7 quận, huyện trên địa bàn Thành phố và 4 tỉnh, thành phố tham gia tranh tài tại hồ Tây.
Đặc biệt, Sở đã phối hợp tổ chức thành công 162 sự kiện tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, trong đó có 07 sự kiện, chương trình quảng bá nét văn hóa đặc sắc của nhiều vùng miền, thành phố khác trên cả nước ngay tại Thủ đô; 21 sự kiện, ngày hội, Ngày văn hóa các nước tại Hà Nội như: Ngày văn hóa Anh, Ixrael, Lễ hội Đức, Pháp, Thái Lan…
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, năm 2018, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của 5.922 di tích trên địa bàn Thành phố tiếp tục đạt được nhiều kết quả. Lượng khách đến tham quan, khám phá, nghiên cứu tại 03 di tích do Sở VHTT trực tiếp quản lý: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn ngày một tăng với hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, doanh thu đạt hơn 82 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là những nỗ lực đổi mới, đa dạng hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám với gần 1,6 triệu khách tham quan, du lịch, doanh thu đạt hơn 46,6 tỷ đồng.
Năm 2018, Sở cũng đã tổ chức chu đáo công tác đón tiếp, phục vụ đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội và các đoàn khách ngoại giao tới tham quan, dâng hương tại các di tích.
Cũng trong năm qua, việc tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm đầu tư kết hợp giữa nguồn ngân sách của Thành phố, quận, huyện, thị xã và nguồn xã hội hóa trong nhân dân. Năm 2018, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 6269 ngày 16/11/2018 về việc “Bổ sung kinh phí cho các huyện, thị xã để thực hiện tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 50 di tích xếp hạng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, 03 di tích thuộc thành phố Hà Nội là: Di tích lịch sử Gò Đống Đa (quận Đống Đa), Đình So (huyện Quốc Oai), Đình Tường Phiêu (huyện Phúc Thọ) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Sở cũng đã hoàn thành xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa Phi vật thể. Tổ chức lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia một số lễ hội: Đền thờ Hai Bà Trưng, Tản Viên Sơn Thánh, Đình Chèm, đình Trường Lâm. Tham gia, giành giải A toàn đoàn Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018.
Công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực. Mùa lễ hội 2018, thành phố Hà Nội không còn những điểm nóng, hình ảnh phản cảm trong lễ hội của những năm trước như: Cướp lộc tại Lễ hội đền Sóc; lộn xộn, tranh giành khi phát lộc tại Lễ hội chùa Hương… Hà Nội là địa phương được Bộ VHTTDL biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao về những chuyển biến, kết quả đạt được trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018.
Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phong trào văn hóa, văn nghệ tại các quận, huyện, thị xã diễn ra sôi nổi; nhiều liên hoan nghệ thuật quần chúng được tổ chức, thu hút đông đảo các quận, huyện, thị xã tham dự. Chất lượng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tiếp tục được nâng cao. Hoàn thành thủ tục về việc xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú năm 2018 cho các nghệ sỹ của Thủ đô. Các Nhà hát Thủ đô đạt tổng số 48 huy chương các loại khi tham gia các Liên hoan, Cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
Năm 2018, Sở tổ chức thực hiện các nội dung trưng bày Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Bảo tàng Hà Nội, bên cạnh việc tổ chức sưu tầm, trưng bày, bảo quản hiện vật, đã duy trì mở cửa thường xuyên, đón tiếp 108.605 lượt khách tham quan, nghiên cứu, học tập. Tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn gắn với công tác trưng bày, giáo dục công chúng và truyền thông: “Hội báo toàn quốc 2018”, triển lãm ảnh “Nét xuân Hà Nội”; triển lãm ảnh “Hà Nội đổi mới và phát triển”, lễ phát động và tiếp nhận hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng năm 2018…
Thư viện Hà Nội đã tổ chức phục vụ 560.000 lượt bạn đọc, 1.092.526 lượt sách, báo, tạp chí tại Thư viện Hà Nội. Luân chuyển 2.500 cuốn sách phục vụ các em học sinh tại các trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non; 172.700 lượt tài liệu tới 176 thư viện tủ sách cơ sở phục vụ 69.080 lượt bạn đọc. Tổ chức 03 cuộc trưng bày, triển lãm sách, báo; 46 buổi nói chuyện, phòng đọc chuyên đề.

ĐHTT toàn quốc 2018 – Ảnh: Internet

Thể dục Thể thao Hà Nội có một năm thành công nổi bật
Năm 2018, Thể thao thành tích cao Hà Nội giữ vững vị trí là địa phương đứng đầu cả nước khi tham gia các giải thể thao quốc tế, trong nước với 2.705 huy chương đạt được, trong đó có 2.316 huy chương trong nước, 389 huy chương quốc tế. Đặc biệt tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII – Hà Nội 2018, Đoàn thể thao Thủ đô đứng vị trí Nhất toàn đoàn trong tổng số 65 đoàn thể thao tham dự Đại hội với tổng cộng: 464 huy chương (176 HCV, 149 HCB, 139 HCĐ) đạt được.
Bên cạnh đó, các vận động viên Hà Nội tham gia Đội tuyển quốc gia, đóng góp gần 30% số lượng vận động viên và 16 huy chương – chiếm 42,1% trong tổng số 38 huy chương, góp phần quan trọng vào thành tích đứng thứ 17/37 đoàn tham gia ASIAD 18 của Đoàn Thể thao Việt Nam, trong đó, nổi bật là việc giành huy chương vàng đầu tiên cho Điền kinh Việt Nam tại các kỳ ASIAD của vận động viên Bùi Thị Thu Thảo – Đây cũng là vận động viên xuất sắc nhất trong năm của Thể thao Việt Nam.
Năm 2018 cũng là năm đạt được nhiều thành công ấn tượng của bóng đá Hà Nội với chức Vô địch quốc gia, huy chương vàng môn bóng đá nam tại Đại hội; đóng góp 7 cầu thủ tham gia đội tuyển Quốc gia giành chức vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á năm 2018. Cầu thủ Nguyễn Quang Hải của Câu lạc bộ Hà Nội giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Giải Vô địch bóng đá Đông Nam Á và trong năm của bóng đá Việt Nam.
Đặc biệt, năm 2018, Hà Nội – Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 22 Giải đua xe Công thức 1 Thế giới – giải đua xe danh giá, danh tiếng trên Thế giới; chính thức đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (Para Games 11) vào năm 2021.
Ngoài ra, năm 2018, Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” diễn ra rộng khắp trên toàn Thành phố với các hoạt động thể thao thể thao quần chúng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; kỷ niệm 72 năm ngày Thể thao Việt Nam; Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; Giải chạy báo Hànộimới mở rộng lần thứ 45 – Vì hòa bình năm 2018; Giải Vô địch Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 2 – năm 2018; Ngày quốc tế Yoga lần thứ 4; chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em năm 2018 được tổ chức tại 30 quận, huyện, thị xã với 1.516 lớp dạy bơi, thu hút 106.825 trẻ em tham gia; tổ chức 9 môn thể thao học sinh phổ thông thành phố Hà Nội với hơn 8.000 lượt VĐV tham dự.

P.V

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *