Chưa được phân loại

Những điểm khác biệt giữa tác phẩm văn học và phim “Tiếng gọi nơi hoang dã”

Cũng giống với nguyên tác, Tiếng gọi nơi hoang dã đặt trung tâm câu chuyện xoay quanh chú chó Buck, quá trình Buck sinh tồn giữa thế giới thiên nhiên, mối quan hệ của Buck với những động vật khác và con người. Tuy vậy, phiên bản chuyển thể của đạo diễn Chris Sander, với diễn xuất của Harrison Ford đã có những cải biên nhất định.


Ra mắt khán giả Việt Nam vào ngày 21/2/2020, Tiếng gọi nơi hoang dã – tác phẩm điện ảnh mới của Disney là phiên bản chuyển thể mới mẻ và cuốn hút từ cuốn sách cùng tên của nhà văn nổi tiếng người Mỹ Jack London.
Truyện theo chân hành trình của chú chó Buck to lớn, tinh khôn, can đảm. Từ vùng đất California đầy nắng ấm, Buck bị bắt cóc làm chó kéo xe giữa thiên nhiên Alaska lạnh giá, khắc nghiệt trong Cơn sốt vàng những năm 1890. Tại đây, chú chó đã gặp gỡ người chủ nhân từ John Thornton và cũng dần khám phá ra bản năng hoang dã nguyên thủy trong mình.
Cũng giống với nguyên tác, Tiếng gọi nơi hoang dã đặt trung tâm câu chuyện xoay quanh chú chó Buck, quá trình Buck sinh tồn giữa thế giới thiên nhiên, mối quan hệ của Buck với những động vật khác và con người. Tuy vậy, phiên bản chuyển thể của đạo diễn Chris Sander, với diễn xuất của Harrison Ford đã có những cải biên nhất định.

Bạo lực và sự khắc nghiệt của đời sống nơi hoang đã đã được giảm bớt

Những độc giả của tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dã hẳn đã vô cùng quen thuộc với hình ảnh Buck phải vật lộn để làm quen, khẳng định vị trí và sinh tồn giữa thiên nhiên hoang dã. Từ một chú chó được cưng chiều ở nhà thẩm phán Miller, Buck bị bắt cóc và buộc phải làm quen với thứ luật lệ mới – “luật của dùi cui và răng nanh”. Buck đã bị đánh bởi “người đàn ông mặc áo len đỏ”, sau đó phải chứng kiến cái chết thê thảm của Curly – một chú chó thân thiết bị những con chó khác xé xác.
Bạo lực luôn hiện diện trong truyện, từ những ngọn roi vút lên liên tục khi Buck và đàn chó phải kéo xe chở thư giữa trời tuyết, màn tấn công bất ngờ của bầy chó husky giữa đêm tối, cuộc tranh giành khốc liệt giữa Buck và Spitz – đối thủ của Buck, cái chết của Spitz sau khi bị Buck hạ gục. Ngoài ra, sự ra đi đột ngột của toàn bộ đàn chó kéo xe (trừ Buck) do sai lầm của những người chủ mới cũng khiến độc giả phải bàng hoàng trước sự khắc nghiệt quá đỗi của thiên nhiên. Không những bị đày đọa bởi những người xa lạ, Buck còn mất tất cả những người đồng đội, trong một nhóm mà nó làm thủ lĩnh.

Có thể nói, Tiếng gọi nơi hoang dã phiên bản 2020 đã bớt đi sự dữ dội của nguyên tác, thay vào đó tập trung vào hành trình khám phá sức mạnh bản năng của Buck.

Khi lên phim, những tình tiết bạo lực, đánh đập, chết chóc đã được giảm thiểu rất nhiều để phù hợp với khán giả hiện đại. Không còn cái chết của bất cứ động vật nào, những màn đòn roi cũng được giảm xuống mức tối đa. Buck chỉ bị người đàn ông mặc áo len đỏ đánh đúng một lần duy nhất, và khán giả chỉ trông thấy điều đó qua… chiếc bóng đổ trên tường với chiếc dùi vui vung lên.
Spitz cũng không bị giết sau cuộc giao đấu với Buck mà chỉ lẳng lặng rời đi, và đàn chó kéo xe cũng không bị nhấn chìm dưới làn nước băng giá mà đã trốn thoát được vào trong rừng. Sự hoang dã của Buck khi tấn công các con vật khác cũng không còn.

 Perraul – Francoise và ý nghĩa của công việc đưa thư vùng Klondie

Theo tiểu thuyết, Perraul và Francois là hai người chủ đầu tiên của Buck sau khi chú chó bị bắt cóc khỏi nhà thẩm phán Miller. Họ là những người đàn ông làm công việc đưa thư cho chính phủ Canada, và công việc vận chuyển hàng tá bao thư giữa trời tuyết đòi hỏi họ cần đến một đội chó kéo xe khỏe mạnh. Những người này khá tử tế với Buck, còn xoa bóp chân và mang cá đến tận nơi cho Buck khi chú chó kiệt sức. Tuy vậy, họ cũng thường xuyên sử dụng roi để điều khiển xe, giải quyết các xung đột trong đàn, dạy dỗ đàn chó đúng như luật lệ đáng sợ mà Buck buộc phải làm quen – “luật của dùi cui và răng nanh”.
Trái lại, Perraul và Francoise của bản phim Tiếng gọi nơi hoang dã lại nhân từ hơn rất nhiều. Một điểm cải biên thú vị của phim chính là nhân vật Francoise do nữ diễn viên Cara Gee thủ vai, chứ không phải một người đàn ông giống như nguyên tác. Perraul (Omar Sy) không hề dùng bạo lực, roi vọt với lũ chó và tạo ấn tượng là một ông chủ thân thiện, dễ mến. Tình cảm của Perraul và Francoise dành cho Buck càng tăng lên sau khi Buck dũng cảm cứu được Francoise khỏi bị chết đuối dưới nước do băng vỡ.

Buck và người chủ đầu tiên có quan hệ hết sức tốt đẹp.

Cũng chính Perraul của phim nhiều lần nói về sự quan trọng và ý nghĩa của việc vận chuyển thư từ. Đây là điểm mới so với nguyên tác, bởi trong truyện Jack London chủ yếu tập trung miêu tả sự gian khổ của Buck khi làm việc như một chú chó kéo xe.
Người vận chuyển thư và bầy chó không chỉ chở theo những lá thư, mà còn mang cả những cuộc đời và tình cảm cho bao người đang phải sống xa gia đình. Công việc đưa thư quả thật vất vả, nhưng những nụ cười và giọt nước mắt của người nhận thư cũng tạo nên ý nghĩa đẹp đẽ cho chuyến hành trình của Buck.

John Thornton và mối quan hệ với Buck

John Thornton là một nhân vật quan trọng trong cuộc đời Buck. Chính ông là người đã cứu Buck từ tay của người chủ ngu ngốc, độc ác Hal và đánh thức ở Buck tình yêu thương, mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ với con người. Phải đến nửa sau của tiểu thuyết, John Thornton mới xuất hiện. Ông cùng bạn bè và vài con chó tham gia vào cuộc tìm vàng, sau này khi gặp Buck ông đã để Buck trở thành bạn đồng hành tin cậy. Bên cạnh John, chú chó Buck từng bị ngược đãi và tách khỏi gia đình êm ấm giờ đã biết thế nào là được yêu thương chân thành và không còn phải chịu bất cứ đòn roi hay tủi cực.
Trong phiên bản điện ảnh, John Thornton (Harrison Ford) đã xuất hiện từ ngay phần đầu phim trong một cuộc tình cờ gặp gỡ với Buck, giúp người xem dễ dàng theo dõi nhịp độ của câu chuyện và chờ đợi các diễn biến tiếp theo. Không phải chỉ đến khi John cứu Buck khỏi tay Hal thì tình bạn của họ mới bắt đầu. Mối duyên giữa John và Buck bắt nguồn ngay từ khi Buck giúp John tìm lại cây kèn harmonica thân thuộc, sau đó Buck lại giúp John kịp chuyển lá thư về cho gia đình.

Cuộc hành trình của John và Buck cũng chính là quá trình chữa lành những tâm hồn bị tổn thương và qua đó nhận thức về giá trị cuộc sống.

Tiếng gọi nơi hoang dã 2020 cũng lược bỏ sự xuất hiện của các bạn của John và những con chó khác, chỉ xoay quanh sự phát triển giữa John và chú chó Buck. John có câu chuyện nội tâm riêng của một người đàn ông cô đơn, dùng rượu để khỏa lấp nỗi buồn sau cái chết của người con trai nhỏ tuổi. Sự có mặt của Buck đã giúp John dần xa rời rượu và tìm lại ý nghĩa cuộc sống qua cuộc phiêu lưu giữa thiên nhiên – được gợi cảm hứng từ chính những câu chuyện thám hiểm mà con trai của John ưa thích.
Một điểm khác biệt quan trọng nữa của John Thornton so với sách là, John của phim không hề có ý định tìm vàng mà chỉ tình cờ tìm thấy vàng trong chuyến đi. Sau khi bỏ lại số vàng mình tìm được và chỉ giữ lại một ít, John đã nói với Buck: “Vậy là đủ vàng cho các món đồ thiết yếu trong cuộc sống; đó cũng là tất cả những gì mà một con người cần”.

 Công cuộc tìm vàng

Trong truyện, người đọc được sống giữa khung cảnh sục sôi của Cơn sốt vàng những năm 1890, khi John Thornton và những người bạn mạo hiểm đi tìm vàng ở những miền đất xa lạ, và họ đã may mắn tìm thấy. Trên một bãi sỏi cát nông giữa một thung lũng rộng, “vàng hiện ra như một lớp bơ nằm dưới đáy của chiếc giần đãi” – Jack London miêu tả. Giấc mơ về một tương lai sung túc cứ vươn lên cao mãi trong những cuộc đào đãi, đóng gói, xếp vàng thành từng túi, từng chồng.
Trong phiên bản phim, sự khác biệt giữa lòng ham vật chất đến mê muội và sự tỉnh táo về các giá trị đích thực được thể hiện qua cuộc xung đột giữa John Thornton và Hal. Sự xuất hiện dai dẳng của Hal, thay thế cho cả vị trí của người da đỏ Yeehat ở cuối truyện, cũng là một điểm sáng tạo của phim, góp phần dẫn tới những biến chuyển bất ngờ ở đoạn kết.

Mâu thuẫn giữa John Thornton và Hal trải xuyên suốt phim.

Nếu như John Thornton luôn biết đâu là điểm dừng thì Hal lại luôn ngờ vực động cơ của John và gần như phát điên vì giấc mộng đổi đời. Hình tượng đối lập giữa John và Hal cũng khiến người xem phải suy ngẫm về các giới hạn và mục đích của cuộc sống con người.

5. Tiếng gọi nơi hoang dã

Xuyên suốt truyện, Buck dần dần khám phá ra bản năng nguyên thủy của mình nhờ tiếng gọi thăm thẳm từ nơi hoang dã và sự xuất hiện của một con sói xám. Phiên bản điện ảnh 2020 đã thể hiện “tiếng gọi” bằng một hình tượng cụ thể – hình ảnh một con sói bí ẩn màu đen với đôi mắt rực sáng luôn xuất hiện bất ngờ vào các khoảnh khắc trong đời Buck.

Hình ảnh sói xám cũng rất sống động và khiến người xem dễ hình dung hơn về động lực thôi thúc Buck tìm về với tổ tiên đã ngự trị trên Trái đất hàng bao thế kỉ.

Tiếng gọi nơi hoang dã là bộ phim chuyển thể ấn tượng về mặt thị giác, với nội dung ấm áp, dễ theo dõi cùng những thông điệp ý nghĩa về thiên nhiên và cuộc sống. Với những thay đổi so với tiểu thuyết, bộ phim vẫn truyền tải sống động câu chuyện và tình bạn chân thành của chú chó Buck can đảm, mạnh mẽ cùng người chủ John Thornton giữa thiên nhiên rộng lớn. Đó là cuộc hành trình tiềm tàng những thay đổi lớn lao, và để lại những suy tư đầy xúc động cho khán giả. Phim đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

H.Q

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *