Tin ngành

Những kết quả đạt được trong công tác Văn hóa và Thể thao của Hà Nội 9 tháng đầu năm 2017

Sau 9 tháng triển khai thực hiện công tác của năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao với nhiều kết quả đạt được đáng ghi nhận trong cả công tác chỉ đạo, điều hành cũng như các lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

Vở “Khất sĩ” – NH Cải lương Hà Nội

Trong công tác chỉ đạo và điều hành
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, phát huy trách nhiệm của cá nhân; quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của HĐND, UBND thành phố. Đồng thời, Sở luôn chú trọng, nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trên cơ sở phân công công tác rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả theo phương châm một việc- một đầu mối xuyên suốt nhằm đảm bảo được sự chỉ đạo của Sở đối với các lĩnh vực công tác chuyên ngành. Sở cũng thường xuyên tổ chức giao ban tuần (02 tuần/kỳ), giao ban tháng, quý với các đơn vị, phòng, ban của Sở để rà soát kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành, qua đó có những đề xuất giải pháp kịp thời trong những tuần, tháng và quý tiếp theo.
Tính từ ngày 01/01 đến 15/9/2017, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được UBND TP Hà Nội giao chủ trì thực hiện tổng số 497 nội dung, nhiệm vụ, trong đó có: 151 nhiệm vụ có hạn thực hiện cụ thể, 346 nhiệm vụ không có hạn cụ thể. Tính đến nay, sau 9 tháng triển khai thực hiện, Sở đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ có hạn cụ thể và đang tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ còn lại theo đúng kế hoạch đặt ra.
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2017, công tác tham mưu, tổng hợp và quản lý Nhà nước đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện tốt nhiều nội dung đáng chú ý. Đó là Sở đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 03/02/2017 của UBND TP Hà Nội về “Năm kỷ cương hành chính 2017”. Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành, triển khai thực hiện 02 Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội. Qua đó đã bước đầu tạo được những chuyển biến tích cực về văn hóa công sở trong các cơ quan đơn vị của Thành phố và của Sở.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã hoàn thiện và trình UBND Thành phố Hà Nội các đề án: Nâng cao chất lượng mô hình văn hóa cơ sở; Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội và Dự thảo Quy chế quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn, Nhà văn hóa Tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, định hướng 2050.
Bên cạnh đó Sở đã tổ chức triển khai thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch đề ra đối với các nội dung của Chương trình 04-Ctr/TU về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2010” của Thành ủy Hà Nội. Đồng thời Sở cũng hoàn thành tốt vai trò cơ quan thường trực tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy tổ chức kiểm tra các Sở, ban, ngành Thành phố và quận, huyện, thị xã về việc thực hiện Chương trình.
Ngoài ra, 9 tháng đầu năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, lập biên bản và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 141 đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh văn hóa, dịch vụ văn hóa, dịch vị thể dục thể thao vi phạm với tổng số tiền phạt 910 triệu đồng; tháo dỡ 4700 băng rôn quảng cáo vi phạm. Sở cũng tiến hành tà soát, kiểm tra, xử lý các biển quảng cáo tấm lớn tại các quán karaoke, các biển hiệu cản mặt các tòa nhà để không xảy ra chập, cháy kết hợp với việc xử lý, tháo dỡ các bảng quảng cáo một cột vi phạm trên địa bàn Thành phố, bước đầu tạo những chuyển biến tích cực trong cảnh quan, mỹ quan đô thị thành phố.

Diễn viên Chí Nhân – NH Kịch Hà Nội giành HCV Tài năng trẻ sân khấu kịch nói 2017

Trong các hoạt động Văn hóa, Gia đình
9 tháng đầu năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao chào mừng các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô một cách an toàn, hiệu quả. Đáng chú ý nhất là 03 Lễ kỷ niệm cấp quốc gia: 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia; 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào và Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017). Và trong những ngày Lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của Thủ đô Hà Nội, Sở cũng thực hiện tốt công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ chính trị theo đúng định hướng với tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới và có trọng tâm, trọng điểm.
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu Xuân năm 2017 của Hà Nội cơ bản được tổ chức văn hóa, an toàn và tiết kiệm, có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm trước đây.
Hoạt động nghệ thuật, 9 tháng đầu năm 2017, các đơn vị nghệ thuật của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã hoàn thành và ra mắt nhiều tác phẩm mới phục vụ đông đảo công chúng Thủ đô. Đó là các vở diễn: Khất sĩ, Lý triều Thánh mẫu, Không thấy trời cao của Nhà hát Cải lương Hà Nội; Oái oăm… đời, Không thể khác, Hai viên ngọc thần… của Nhà hát Kịch Hà Nội; Tâm đức Phật hoàng của Nhà hát Chèo Hà Nội… Bên cạnh đó, các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của các đơn vị nghệ thuật Hà Nội tham dự các cuộc thi nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp như: Liên hoan độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017; Tài năng trẻ sân khấu chèo, tuồng, kịch nói… và giành được 12 huy chương các loại, trong đó có 01 HCB chương trình, 03 HCV tiết mục, 03 HCB tiết mục, 03 HCV cá nhân và 02 HCB cá nhân. Cũng trong 9 tháng đầu năm 2017, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội đã tổ chức được gần 2500 buổi biểu diễn (tăng 19% so với 9 tháng đầu năm 2016), doanh thu gần 40 tỷ đồng (tăng gần 16% so với 9 tháng đầu năm 2016), phục vụ hơn 1.07 triệu lượt khán giả. Ngoài ra còn nhiều các hoạt động nghệ thuật đã được tổ chức phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô Hà Nội; tham gia biểu diễn giao lưu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như các festival quốc tế…
Trong công tác gia đình, Sở đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam, Tổ chức Hội thi “Tổ trưởng dân phố thân thiện” thành phố Hà Nội 2017; Giao lưu các làng văn hóa tiêu biểu và biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô năm 2017.
Đối với hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, 9 tháng đầu năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố. Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, quận huyện, thị xã … yêu cầu tuân thủ các quy định gắn với bảo tồn giá trị di tích trên địa bàn quản lý, tiêu biểu là công văn số 123/VHTT-QLDT ngày 13/01/2017. Do đó các hoạt động này tiếp tục được Sở duy trì ổn định; Việc tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm, chú trọng. Lượng khách đến tham quan, khám phá, nghiên cứu các di tích trên địa bàn thành phố ngày một tăng, tiêu biểu như: Di tích Hỏa Lò 9 tháng đầu năm 2017 có số lượng khách tham quan đạt 235793 lượt khách , tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2016 và giá trị thu phí tham quan vượt 0,4% so với dự toán thu ngân sách nhà nước giao năm 2017; Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám có số lượng khách tham quan đạt 1.210.300 lượt, tăng 20% so và đạt tổng giá trị thu phí hơn 34 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2016… Bên cạnh đó công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này cũng được đẩy mạnh; những vụ việc vi phạm di tích được phát hiện và phối hợp xử lý, giải quyết kịp thời. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát huy giá trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân.

Diễn viên Thanh Hương – NH Kịch Hà Nội giành HCV Tài năng trẻ sân khấu kịch nói  2017

Về lĩnh vực Thể thao
9 tháng đầu năm 2017, Hà Nội đã tổ chức Đại hội Thể dục thể thao cơ sở trên toàn thành phố với 584/584 xã, phường, thị trấn để chuẩn bị cho Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ IX sẽ diễn ra trong tháng 10/2017. Thể thao Hà Nội cũng tham gia 09 giải thể thao quần chúng và đạt 50 huy chương, trong đó có 13HCV, 12HCB và 25 HCĐ. Chỉ số về phong trào thể thao quần chúng của Hà Nội ước đạt 96% (35% số người luyện tập thể thao thường xuyên, 27% số hộ gia đình thể thao, toàn thành phố đạt 3200 câu lạc bộ thể dục thể thao)…
Với thể thao thành tích cao thì từ ngày 01/01/2017 đến 20/9/2017, vận động viên của Thể thao Hà Nội đạt 2034 huy chương các loại, trong đó có 1634 huy chương trong nước (629 HCV, 499 HCB và 526 HCĐ), 400 huy chương quốc tế (141 HCV, 123 HCB và 136 HCĐ) khi tham dự các giải đấu thể thao trong nước và quốc tế. Thể thao thành tích cao của Hà Nội giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước tại các giải đấu thể thao trong nước, quốc tế và hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017. Các vận động viên của Hà Nội chiếm 22.7% số lượng vận động viên của các đội tuyển quốc gia và thi đấu xuất sắc tại SEA Games 29 và giành được gần 30% tổng số huy chương của đoàn thể thao Việt Nam. Tại Đại hội Thể thao khuyết tật Đông Nam Á – Para Games 2017, Đoàn thể thao Hà Nội giành được 40 huy chương (6 HCV, 16 HCB và 18 HCĐ) trong tổng số 161 huy chương của Đoàn thể thao Việt Nam giành được tại Đại hội. Đoàn thể thao Hà Nội cũng giành được 12 huy chương (3 HCV, 3 HCB và 6 HCĐ) trong tổng số 40 huy chương của Đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao trong nhà Võ thuật Châu Á 2017.
Các hoạt động giao lưu và hợp tác trong nước và quốc tế
9 tháng đầu năm 2017, Hà Nội đã có tổng số 51 chương trình, hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật tại các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế trên tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm với chất lượng nghệ thuật cao, góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu văn hóa, nghệ thuật, thể thao của Thủ đô đến với các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế. Tiêu biểu như: Giao lưu văn hóa Nhật Bản và triển lãm hoa Anh đào, Ngày Hàn Quốc tại Hà Nội, Canavan đường phố, diễu hành, biểu diễn của 125 nghệ sĩ tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Chương trình văn hóa nghệ thuật của các tỉnh, thành phố như Tây Ninh, Bến Tre, Quảng Bình, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Hà Nội còn tổ chức các đoàn nghệ thuật biểu diễn tại một số nước trên thế giới: Festival Quốc tế nghệ thuật tại Ba Lan, Cộng hòa Séc và một số nước Đông Âu, Srilanca, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha…

VĐV Karate giành HCV tại SEA Games 29

Nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017
Bên cạnh những kết quả văn hóa, thể thao mà Hà Nội đã đạt được trong 9 tháng đầu năm 2017 thì vẫn còn một số hạn chế, tồn tại và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm của 3 tháng cuối năm 2017. Đó là:
Tiếp tục thực hiện các nội dung của “Năm kỷ cương hành chính 2017”. Thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác cải cách hành chính của Sở Văn hóa và Thể thao trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Thành ủy, UBND Thành phố giao cho Sở; các nội dung trọng tâm, khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI; các nội dung tại Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 43/Ctr-UBND ngày 24/2/2017 của UBND Thành phố, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngành Văn hóa và Thể thao được giao trong năm 2017.
Chuẩn bị nội dung báo cáo UBND Thành phố: Quy hoạch Tượng đài trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đặt đổi tên đường phố và công trình công cộng năm 2017 theo Chương trình công tác của UBND Thành phố.
Hoàn thiện các đề án, dự án được giao trong Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 18/02/2016 của UBND Thành phố và Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31/8/2016 của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy và các nội dung của Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển Văn hóa, Quy hoạch phát triển Thể dục thể thao đảm bảo tiến độ, chất lượng, trọng tâm là: Quy hoạch hệ thống nhà hát, rạp chiếu phim; tham mưu UBND Thành phố Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố; Xây dựng Chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh hiện đại; Quy tắc ứng xử trong trường học và Quy tắc ứng xử trong bệnh viện thành phố Hà Nội.
Tổ chức hoạt động phục vụ các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn trong năm của đất nước và Thủ đô, trọng tâm là tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga; phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của các tỉnh, thành phố tại khu vực phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Thực hiện các nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 01/6/2017 về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích văn hóa, quản lý Lễ hội trên địa bàn Thành phố.
Tiếp tục thực hiện các nội dung trưng bày Dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố.
Tổ chức Lễ khai mạc, bế mạc Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ IX năm 2017 và các môn thi đấu trong chương trình Đại hội Thể dục Thể thao cấp thành phố. Đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng vận động viên tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 và SEA Games lần thứ 31 năm 2021.
Hoàn thiện công tác kiểm kê, xác định giá trị tài sản và giao cho đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp. Hoàn thiện Đề án tổng thể phương án hoạt động, quản lý và sử dụng cơ sở nhà, đất của các Nhà hát và Trung tâm thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.
Tăng cường công tác xã hội hóa trong tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao do Sở quản lý.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố, trọng tâm là hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử, quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao…

PV

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *