Các loại hình khác

Những ngôi chùa trên Quần đảo Trường Sa

​Quần đảo Trường Sa thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ xa xưa, trên quần đảo này đã có những am, do ngư dân người Việt xây dựng, để cầu Trời, khấn Phật phù hộ, độ trì cho những chuyến đi biển được bình yên, bội thu hải sản, cuộc sống ấm no,… Trên nền tảng đó, các chùa Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn đã được định hình, phát triển. Và, trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng các tầng lớp nhân dân, ba ngôi chùa này đã được đầu tư tu bổ xứng tầm, để trở thành những “cột mốc văn hóa” quan trọng, góp phần khẳng định về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

​Chùa Song Tử Tây tọa lạc trên đảo Song Tử Tây (hòn đảo xa nhất trong Quần đảo Trường Sa), là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa. Chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống, với tam quan hai tầng, tám mái; chính điện ba gian, hai chái; tả hữu vu; hệ thống sân vườn… Kiến trúc chùa hợp với ngọn Hải đăng và tượng đài Trần Hưng Đạo tạo thành một quần thể kiến trúc, mang giá trị lịch sử – văn hóa, tâm linh tiêu biểu và thuần Việt trên biển Đông.
Chùa Sinh Tồn nhỏ hơn chùa Song Tử Tây, giáp với khu dân cư trên đảo Sinh Tồn, với diện tích khoảng 500m2, mang dáng vẻ một ngôi chùa làng điển hình ở châu thổ Bắc Bộ. Kiến trúc chùa gồm một gian hai chái; tường bao trổ hoa; hệ thống sân, vườn, với những cây phong ba, bồ đề xanh ngắt…
Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc ở trung tâm thị trấn Trường Sa, trên đảo Trường Sa Lớn, với khuôn viên khá rộng và vuông vức. Qua sân chùa và vườn là tòa chính điện – gồm một gian hai chái, với mái cong, có đầu đao. Trong Phật điện có pho tượng bằng đá quý, màu trắng, là món quà của Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại chùa.
 

Toàn cảnh chùa Song Tử Tây. Ảnh: Lê Thao – Bá Ngọc
 

Chùa Sinh Tồn. Ảnh: Lê Thao – Bá Ngọc
 
Điểm chung của các chùa trên Quần đảo Trường Sa là đều hướng về thủ đô Hà Nội, được xây dựng theo phong cách truyền thống Việt, với số gian lẻ (thường là một gian, hai chái hoặc ba gian, hai chái), với hệ mái cong, có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý, chịu được độ mặn của nước biển… Ngoài chức năng thờ Phật, trong khuôn viên các chùa ở Quần đảo Trường Sa đều có ban thờ anh hùng liệt sĩ – những người đã hi sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Những ngôi chùa này không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng truyền thống của cư dân trên Quần đảo Trường Sa, mà còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo từ xa xưa, với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(Theo Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long: “Chùa Việt Nam” – Tái bản lần thứ 5, có bổ sung – Sách sẽ được Trung tâm sách Nguyễn Huệ, Tp. Hồ Chí Minh phát hành tháng 6 năm 2013).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *