Di sản – Bảo tồn

Nỗ lực đưa Ca trù ra khỏi danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp

Mới đây, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù lần thứ 2 năm 2019 sau 3 năm kể từ lần thứ nhất diễn ra.

Kết quả chung cuộc Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2019, Ban Tổ chức đã trao 02 giải A Tập thể (CLB Thái Hà, CLB Chanh Thôn), 02 giải B Tập thể (CLB Lỗ Khê, CLB Hoa Hựu). Các giải cá nhân gồm có: 03 Giải Tài năng xuất sắc (Đoàn Linh Hương, Chu Thị Hải Lý, Nguyễn Thùy Chi), 06 Giải A (Đặng Thị Hường, Nguyễn Thục Trinh, Đặng Thị Lụa, Vũ Thị Ngân, Vũ Minh Khuê, Nguyễn An Như) cùng 04 Giải B và 09 Giải Khuyến khích. Đặc biệt, Giải ca nương trẻ tuổi nhất đã được trao cho ca nương Phạm Ngọc Bích (7 tuổi).

Ban Tổ chức trao Giải Tài năng xuất sắc.
Ban Tổ chức trao Giải A cho các cá nhân và tập thể.
Ban Tổ chức trao Giải B cho các cá nhân và tập thể.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định tại Liên hoan, trước khi UNESCO công nhận Ca trù là di sản văn hoá phi vật, thành phố Hà Nội đã là nơi dành nhiều sự quan tâm đến việc giữ gìn, bảo vệ và phục hồi hoạt động truyền dạy Ca trù, bởi đây cũng là cái nôi của nhiều tài năng Ca trù. Ngay sau khi Ca trù được vinh danh, các cấp lãnh đạo đã cùng các nghệ nhân đã tiếp tục, thậm chí còn phát triển mạnh việc gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống này. Liên hoan tài năng trẻ ca trù đã chọn đường hướng là đào tạo và chọn lựa những thế hệ trẻ cho Ca trù. Điều đó có thể sẽ giúp Hà Nội trở thành trung tâm của Ca trù trong cả nước.

Liên hoan năm nay có 13/26 thí sinh là đào nương, kép đàn trong độ tuổi từ 6- 15 tuổi, thí sinh các nhóm múa có độ tuổi từ 4-15 tuổi. Đặc biệt, năm nay có gần 90% gương mặt trẻ lần đầu tiên tham gia Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội, thể hiện sự đam mê của không ít người trẻ đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Ca nương trẻ Nguyễn Thục Trinh, Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê, huyện Đông Anh chia sẻ, dù trong gia đình không ai biết hát ca trù nhưng vì yêu thích môn nghệ thuật truyền thống này nên Thục Trinh đã tham gia câu lạc bộ ca trù của thôn.

Tiết mục hát nói của thí sinh Nguyễn Thục Trinh.

Để gắn bó được với môn nghệ thuật được coi là khó này, em đã theo học các nghệ nhân, ca nương lớn tuổi. Do vừa học văn hóa ở trường, vừa học ca trù, em phải sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo có kết quả tốt ở cả hai lĩnh vực. Được tham gia Liên hoan, Thục Trinh cảm thấy rất vui vì có thể mở mang được nhiều thể cách ca trù mới, trau dồi thêm nhiều kiến thức về ca trù.

 

Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, Liên hoan không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù mà còn động viên, thúc đẩy hoạt động truyền dạy, thực hành ca trù ở cơ sở, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ. Đây chính là vấn đề mấu chốt nhất nhằm đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.

Bảo Nhi

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *