Văn hoá đời sống

NƠI BÌNH YÊN, HẠNH PHÚC

Luôn quan tâm đến nhau, lắng nghe để chia sẻ, giúp niềm vui  được nhân lên và những khó khăn, nỗi buồn được vợi bớt…đó chính là “bí quyết”  giúp gia đình ông bà Trương Văn Bác, Đỗ Thị Ngọc, số nhà 25, ngách 58/23 phố Trần Bình, phường Mai Dịch,  luôn đầm ấm, hạnh […]

Luôn quan tâm đến nhau, lắng nghe để chia sẻ, giúp niềm vui  được nhân lên và những khó khăn, nỗi buồn được vợi bớt…đó chính là “bí quyết”  giúp gia đình ông bà Trương Văn Bác, Đỗ Thị Ngọc, số nhà 25, ngách 58/23 phố Trần Bình, phường Mai Dịch,  luôn đầm ấm, hạnh phúc, trở thành  gia đình văn hóa tiêu biểu của quận Cầu Giấy. Các thành viên trong gia đình, dù đi đâu, làm gì đều mong mỏi được  về với tổ ấm của mình, trở về nơi mà họ luôn cảm nhận được sự bình yên, thanh thản.

Ông bà Bác- Ngọc thành thân khi ông 21, bà tròn 19 tuổi. Ông đi công tác xa, cuối tuần mới về, bà trở thành hậu phương vững chắc khi vừa nuôi dạy 5 người con, vừa lo việc nhà, việc đồng. Chăm chỉ, chịu thương chịu khó, bà Ngọc đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một đội trưởng  sản xuất,  một nông dân, chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước…Thời gian cứ thấm thoắt trôi, các con của ông bà ngày thêm khôn lớn, trưởng thành, có gia đình riêng, có công việc ổn định. Các cháu bà đều chăm ngoan, học giỏi, biết kính trọng ông bà, bố mẹ, thương yêu lẫn nhau.  Hiện nay, bà là đội trưởng đội sản xuất, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân, tổ trưởng Tổ hòa giải Tổ dân phố 24.

1

Gia đình ông Trương Văn Bác và bà Đỗ Thị Ngọc nhiều năm liền là gia đình văn hóa tiêu biểu

Bà Ngọc bộc bạch, gia đình là xã hội thu nhỏ, cũng có những lúc vui, lúc buồn, có lúc lặng gió, lúc mưa giông…Dù cuộc sống có hiện đại, có phát triển đến thế nào thì những giá trị truyền thống tốt đẹp như  kính già yêu trẻ,  luôn lắng nghe, chia sẻ với nhau những vui buồn, yêu thương, quan tâm đến nhau… luôn phải giữ gìn, chắt chiu. Bản thân ông bà luôn làm gương cho các con, cháu về cách  sống, cách cư xử đúng mực trong cuộc sống, tích cực tham gia công tác xã hội, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, từ đó truyền cho các con, cháu niềm nhiệt huyết với công việc, sự nhân ái, bao dung, đặc biệt là với  những số phận có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Một điều nữa bà Ngọc duy trì được đó chính là những bữa cơm đại gia đình hàng ngày. Các con trai của ông bà đã có nhà riêng, khang trang, rộng rãi nhưng vẫn ăn chung với ông bà. Bà Ngọc quan niệm bữa cơm gia đình chính là chất keo, là sợi dây giúp mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà thêm bền chặt. Khi nào các con, cháu bận việc thì bà vào bếp. Thường thì bà để con, cháu tự nấu nướng, thêm gần gũi, gắn bó với nhau. Bữa cơm ngon không chỉ bởi các món ăn được chế biến hợp khẩu vị mà còn được bồi đắp thêm bởi những câu chuyện trong cuộc sống, công việc của các thành viên. Niềm vui được nhân lên, nỗi buồn, khúc mắc được bàn bạc để tìm cách hóa giải, những khó khăn được tháo gỡ kịp thời. Một điều đáng quý ở bà Ngọc đó là tình cảm yêu thương chân thành mà bà dành cho các con, không phân biệt  con đẻ hay con dâu, con rể, không phân biệt cháu nội, cháu ngoại. Với bà, con, cháu nào cũng yêu thương hết thảy. Khi  con, cháu nào mắc lỗi hay có điều gì đó chưa được, bà đều nhẹ nhàng khuyên bảo, phân tích để nhận ra mình đúng, sai ở điểm nào. Việc   gì con, cháu làm chưa đúng, bà cũng ân cần chỉ bảo để  có hiệu quả cao hơn.

Không chỉ thành công trong chăm lo cho gia đình, bà Ngọc còn là một nhà hòa giải mát tay. Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, bà đã trực tiếp hoàn giải thành công 6 vụ việc mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai trên địa bàn. Đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình, giúp giữ vững tình đoàn kết xóm làng khiến bà thấy thêm vui, có thêm động lực để tham gia công tác xã hội. Theo bà, gia đình nói riêng, tổ dân phố nói chung, cũng như mặt biển, có lúc yên bình, khi bão giông. Điều quan trọng là trước mỗi “biến cố”, cần sự  bình tĩnh, lắng nghe để hiểu rõ vấn đề, có cách giải quyết đúng đắn.  Trường hợp nào bà Ngọc cũng lắng nghe thông tin từ hai phía để  hiểu rõ, hiểu đúng bản chất từ đó đưa ra những phân tích, giải thích, biện pháp để hóa giải mâu thuẫn. Sự “mát tay” của bà Ngọc đã đem lại sự đổi thay tích cực cho tổ dân phố, hạn chế mâu thuẫn giữa các gia đình, cá nhân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Cán bộ phụ nữ phường Mai Dịch nói rằng, sở dĩ bà Ngọc hòa giải thành công như vậy bởi bà có uy tín trong cộng đồng dân cư, nói bà con tin, nghe theo.

2

Việc làm thiết thực của mỗi gia đình góp phần vào sự phồn vinh của xã hội

 “Có một nơi để về, đó là nhà”. Với những người con, người cháu, người chắt của ông bà  Trương Văn Bác-  Đỗ Thị Ngọc, ngôi nhà số 25, ngách 58/23 phố Trần Bình, phường Mai Dịch của ông, bà luôn là nơi mà họ tìm về. Nơi ấy là hạnh phúc, là bình yên.

Minh Huệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *