Văn hóa cơ sở

Nơi lưu giữ vốn văn hóa dân tộc

Nằm trên phố Hàng Bạc cổ kính và sầm uất, rạp Chuông Vàng – một công trình kiến trúc cổ kính được xây dựng từ thời Pháp thuộc được coi như biểu tượng của Cải lương Thủ đô, đó cũng là trụ sở chính của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Nhà hát Cải lương […]

Nằm trên phố Hàng Bạc cổ kính và sầm uất, rạp Chuông Vàng – một công trình kiến trúc cổ kính được xây dựng từ thời Pháp thuộc được coi như biểu tượng của Cải lương Thủ đô, đó cũng là trụ sở chính của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Nhà hát Cải lương Hà Nội được biết đến bởi nơi đây hội tụ những đoàn cải lương nổi đình nổi đám một thời: Kim Phụng, Chuông Vàng, và sau này thêm cả Hoa Mai.

Nhắc đến Nhà hát Cải lương Hà Nội là nhắc đến tên tuổi của những nghệ sĩ cải lương như: NSND Mạnh Tưởng, Ngọc Dư, Sĩ Tiến; các NSUT như:  Lệ Thanh, Tuấn Nghĩa, Tuấn Sửu, Lê Chiêm, Ngọc Ân, Tam Sinh, Kim Xuân; sau này là các NSUT Trần Quang Hùng, Xuân Biên, Thu Hoài…Kẻ trước người sau, kế tục, phát triển và luôn hết mình với sân khấu Cải lương Thủ đô để Nhà hát có tầm vóc và vị thế cao trong nền Cải lương Việt Nam.

1

Một cảnh trong vở Đường đua trong bóng tối

Đến với Nhà hát Cải lương Hà Nội, người xem được sống với nghệ thuật Cải lương truyền thống Việt Nam, với những quy ước, ước lệ riêng của loại hình nghệ thuật này. Bởi Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ nhạc Đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long, nhạc tế lễ[. Đó là vốn văn hóa dân tộc được cha ông ta gìn giữ từ bao năm qua. Kế tục và phát huy vốn văn hóa văn nghệ dân tộc, các thế hệ Nhà hát Cải lương Hà Nội đã đem đến cho khán giả Thủ đô những câu ca, vọng cổ da diết, ngọt ngào, những nhân vật và những vở cải lương để đời như: Kiều, Kẻ sĩ Thăng Long, Lễ mở xiêm áo, Luận anh hùng, Đại thần Thăng Long, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Nghêu-Sò-Ốc-Hến, Lam sơn tụ nghĩa, Lý Thường Kiệt v.v. Vở Kiều năm 1962 giành được 8 huy chương vàng và đem đi nước ngoài biểu diễn, được khán giả quốc tế hâm mộ đã đưa vị thế đoàn Chuông vàng lên đỉnh cao của Cải lương Bắc. Sau này các vở Ngọc sáng đất kiếm thần (năm 1995), Kẻ sĩ Thăng Long (năm 2000) và đỉnh cao là Lễ mở xiêm áo (2009); các vở Đường đua trong bóng tối (2014), Khi hoa nở trái mùa(2015), … đã kéo được khán giả trở lại sân khấu cải lương trong thời buổi kinh tế thị trường và gây tiếng vang đình đám trên sân khấu nước nhà, để Cải lương Hà Nội chiếm ngôi nhất nhì cả nước trong lĩnh vực sân khấu này…

Hiện nay, mặc dù nhiều khán giả quay lưng lại với chèo, tuồng, cải lương, nhiều Nhà hát hầu như không sống được bằng nghề, nhưng Nhà hát Cải lương Hà Nội vẫn sáng đèn hầu hết các đêm. Bởi lẽ  Chuông Vàng, Kim Phụng, Hoa Mai, những cái tên của Cải lương đã một thời làm nên tình yêu đắm say của người Hà Thành với nghệ thuật Cải lương là nền tảng vững chắc cho sự lớn mạnh của Nhà hát cải lương Hà Nội hôm nay.

Thêm vào đó, Nhà hát cải lương Hà Nội đã khai thác biểu diễn, phục vụ khách quốc tế theo chương trình giới thiệu nghệ thuật vùng miền Việt Nam có phiên dịch bằng tiếng Anh qua hệ thống tai nghe cá nhân; tổ chức biểu diễn cho khán giả yêu Cải lương vào các buổi tối cuối tuần. Đặc biệt, tháng nào rạp Chuông Vàng cũng dành hai đêm để người yêu cải lương đến ca hát cùng các nghệ sĩ. Chương trình “Tiếng đàn, giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội” đã được Nhà hát Cải lương Hà Nội tổ chức hơn một năm qua và thu hút rất đông hội viên. Đây là những cách để Nhà hát Cải lương kéo khán giả trở về với loại hình sân khấu này. Theo đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội thì ngoài những vở diễn hay, hấp dẫn thì một điều cần hơn nữa là phải nhen lại “lửa” trong trái tim của họ. Khi khán giả đã phải lòng cải lương thì bỏ sao được!

2

Nhà hát Cải lương Hà Nội  biểu diễn phục vụ nhân dân tại Mái Tam Quan– Hồ Hoàn Kiếm tối 1/9

 Mỗi năm Nhà hát Cải lương Hà Nội còn có các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ các ngày lễ, kỷ niệm của Thành phố và đất nước; thực liện các chuyến lưu diễn trong cả nước theo hợp đồng và tham gia Hội diễn sân khấu Cải lương chuyên nghiệp Toàn quốc, Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc do một số ngành tổ chức v.v.

Nhà hát Cải lương Hà Nội đã 3 lần được nhận Huân chương lao động hạng Ba. Nhiều nghệ sĩ, diễn viên đã được nhận nhiều Huy chương Vàng, Bạc. Nhiều lần tham dự Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, Nhà hát đã giành Huy chương Vàng toàn đoàn.

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *