Tin tức - Sự kiện

Ở nơi này, Hà Nội…

Những quầy sách trên phố Đinh Lễ đã tạo nên nét văn hóa riêng của người Thủ đô. Ảnh: QUỐC ANH Tôi lên chiếc xe ta-xi, bảo mình về phố cổ. Anh lái xe mảnh khảnh chào một cách lịch thiệp: “Mùa này phố cổ đẹp lắm”. Xe chạy chầm chậm. Cuốc xe tôi gọi […]

Ở nơi này, Hà Nội...

Những quầy sách trên phố Đinh Lễ đã tạo nên nét văn hóa riêng của người Thủ đô. Ảnh: QUỐC ANH

Tôi lên chiếc xe ta-xi, bảo mình về phố cổ. Anh lái xe mảnh khảnh chào một cách lịch thiệp: “Mùa này phố cổ đẹp lắm”. Xe chạy chầm chậm. Cuốc xe tôi gọi không phải tình cờ. Tôi muốn gặp anh lái xe được mệnh danh là “từ điển phố phường Hà Nội” này. Anh lái xe ta-xi ấy là Phạm Anh Hào. Ghé sang bên đường, thấy một chiếc cột điện thời Pháp thuộc. Tôi vờ bâng quơ: “Hình như cái cột điện kiểu này đang mất dần…”. Dù được người quen “phím” trước về kiến thức của Hào, tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi mình chạm đúng “mạch” của anh. “Đúng đấy cậu ạ. Cột điện đinh tán giờ không còn công năng sử dụng, nên người ta bỏ đi. Cũng có anh tìm cách khuân về sưu tầm. Nhưng một số phố, cột điện đinh tán vẫn dày. Cậu ra ngã tư Cửa Nam, đứng nhìn một vòng, sẽ thấy khu vực này còn sáu chiếc. Phố Khâm Thiên có bốn chiếc, hai chiếc nằm ở số 2, một chiếc ở số 216, chiếc cuối cùng ở số nhà 350. Ngã ba Hàng Bông – Phùng Hưng còn bốn chiếc… Lâu lâu mình chưa có dịp “kiểm” lại. Hy vọng con số ấy chưa thay đổi nhiều. Cột điện xuất hiện ở Hà Nội từ năm 1894. Cầu Long Biên cũng là công trình sử dụng kỹ thuật đinh tán, nhưng vẫn là “thế hệ sau”. Với mình, đó là những gì đại diện cho một Hà Nội xưa cũ. Cột điện đinh tán đã vắt qua ba thế kỷ…”. Anh lái xe vẫn chưa có vẻ định dừng lại. Tôi ngắt lời: “Hẳn là anh rất hay đọc sách về Hà Nội?”. “Cũng không hẳn. Có những thứ sách không nói đến. Ngày nào mình cũng “đi học” đấy thôi. Lên xe, gặp khách tức là đi học rồi”, anh lái xe tủm tỉm. “Vậy anh có biết Hà Nội còn bao nhiêu phố có tên “Hàng” không?”. “Cậu định “thử” mình đấy à? 47 nhé. Thế cậu có biết Hà Nội có bao nhiêu ngõ có tên “Hàng” không? Tôi từng đố nhiều anh nhận mình là “Hà Nội gốc” mà không biết nhé:

Hàng Bột, Hàng Cỏ, Hàng Lọng, Hàng Thịt, Hàng Hương, Hàng Chỉ, Hàng Hành”.

Câu chuyện về Hà Nội phố với anh lái xe Phạm Anh Hào đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Anh nhớ tất cả các con phố tên “Hàng” đã mất đi. Anh kể rành mạch những tuyến đường tàu điện khi xưa, mỗi tuyến dài bao nhiêu km, đi qua những con phố nào. Anh nhớ ngày khởi công, ngày khánh thành của Nhà hát Lớn, cầu Long Biên. Thậm chí cả kích thước những công trình này, thí dụ như Nhà hát Lớn cao 34 m, rộng 30 m và có bề sâu là 87m. Tôi mở điện thoại tra cứu lại. Thông số anh cung cấp đều đúng cả! Anh Hào cùng gia đình sống gần hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Nhưng đấy là do cuộc đời “lưu lạc”. Anh vốn là giai phố cổ, sinh ra và lớn lên ở phố Mã Mây – con phố ghép từ hai phố cũ: Hàng Mã và Hàng Mây. Có lẽ vì thế, qua những sóng gió cuộc đời, giờ làm công việc chân tay, con người bình thường ấy vẫn còn nguyên cái “chất” Hà Nội.

Đã có hàng nghìn, hàng chục nghìn trang sách viết về văn hóa Thăng Long, về tính cách người Hà Nội. Là lòng tự trọng, là chữ tín, là thanh lịch, là hào hoa… Rồi cả những tranh luận thế nào là “người Hà Nội”, khi lịch sử nghìn năm của thành phố, luôn là điểm tụ cư của cư dân tứ xứ. Thực ra, đưa ra một nhận định chung nhất là điều không dễ. Chẳng phải bây giờ, mà trăm năm trước, Hà Nội có phố, Hà Nội có cả quê. Người Hà Nội nhiều giai tầng. Có trí thức, có doanh nhân, có tiểu thương, có người lao động chân tay… Nhưng điều tôi thích nhất ở Hà Nội, đó là cuộc sống của những con người lao động bình thường. Dù là những người lao động chân tay, học thức có thể chưa cao, nhưng cuộc sống dù bộn bề thế nào, người ta vẫn luôn dành ra một góc cho tâm hồn. Đó là câu chuyện tiếng tiêu của cụ Nguyễn Quang Châu bên hồ Hoàn Kiếm. Thổi tiêu, để tặng mọi người, để gửi những tâm tình vào hàng cây góc phố. Khi tiếng tiêu cụ Châu thưa vắng, cũng quãng hồ ấy, lại có tiếng sáo của một người phụ nữ yêu Hà Nội khác thay thế – người phụ nữ vốn xuất thân từ nghề bán đồ hải sản. Đó có thể là một bà hàng nước nào đó. Như một bà cụ tôi gặp cách đây đã hai chục năm, bên con ngõ nhỏ phố Hàng Khay. Cụ già ngày ấy bán chè long nhãn hạt sen. Một cái bàn bé xíu, nhưng những cốc chè cầu kỳ, chuẩn vị Hà thành. Rủ rỉ, bà kể cho khách bao câu chuyện Hà Nội xưa nay. Một kho chuyện về văn hóa Hà Nội. Đi kèm với đó là một phong thái nền nã trong từng cử chỉ. Bây giờ, tôi gặp anh lái xe ta-xi Phạm Anh Hào. Thật khó tìm được điểm chung giữa công việc anh làm hằng ngày, với kiến thức, với tâm hồn đằng sau vẻ bề ngoài có phần tuyềnh toàng ấy. Đôi khi, anh bị coi là nói nhiều, là “hâm” bởi cái chiều kích văn hóa trong anh “vênh” với công việc bên ngoài…

Người yêu văn hóa ở Hà Nội không ai không biết phố Đinh Lễ – con “Phố Sách”. Người đầu tiên gây dựng lên phố sách là vợ chồng ông Luy – bà Mão. Nhiều người bảo ông bà là “tổ nghề” bán sách ở phố này. Ngay lối vào ngõ nhà số 5 Đinh Lễ của nhà sách Mão, có một hiệu sách rất nhỏ, muốn xem sách người nặng cân phải nghiêng mình giữa những giá sách. Còn nếu gặp người đi ngược chiều chỉ còn cách đi lùi. Thế mà không ít lần, những nhà văn nổi tiếng ra mắt sách, chủ cửa hàng này được mời đến tham dự. Bà chủ tên là Vũ Thúy Hoa. Còn hiệu sách, tên là “Mụ Hoa”. Cái tên nghe “dị dị”. Và bà chủ cũng đặc biệt. Số là nhà văn Hồ Anh Thái và Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái hay đến mua sách và gọi đùa bà chủ là “mụ Hoa”. Bà Hoa biến nó thành tên của nhà sách. Phố Đinh Lễ có hàng chục nhà sách lớn. Sách đủ loại. Nhất là các sách thị trường đang “hot”. Hiệu sách “Mụ Hoa” bé nhất trong đó. Chỗ trang trọng nhất trong nhà sách, không phải dành cho sách “hot” như các hiệu khác. Nó được bà chủ dành cho sách khảo cứu. Sách văn hóa có nhiều loại. Đông tây kim cổ đủ cả. Trong đó, có cả những cuốn không dễ kiếm trên thị trường. Đấy là lý do hiệu sách nhỏ, nhưng lại là nơi tới lui của không ít nhà văn, nhà nghiên cứu. Song, đó vẫn chưa phải lý do chính. Bà Hoa ham đọc. Đọc nên có kiến thức. Đọc nên hiểu rõ nhiều nhà văn Việt Nam, dù nhiều người chưa từng gặp. Đọc nhiều, nên tư vấn cho khách sách, khách văn chuẩn đến độ nhiều người khâm phục. Người ta đến còn để “buôn chuyện” với bà chủ hiệu sách sắc sảo, thông minh, lắm kiến thức. Từ ngày biết hiệu sách “Mụ Hoa”, mỗi khi đi mua sách, tôi thường dạo một vòng quanh Đinh Lễ, và “chốt” ở những chồng sách cao đến nóc nhà ở hiệu sách nhỏ xíu này.

Tôi từng biết ông Nguyễn Thế Thành, một đời vật lộn với cuộc mưu sinh cơ cực. Nhưng tích cóp để mua sách, để đọc, để ngẫm ngợi, để có kiến thức uyên thâm. Ông giữ được hàng trăm cuốn sách quý, rồi mở một quán cà-phê sách trên đường Âu Cơ (quận Tây Hồ). Tôi như gặp lại một hình ảnh khác của ông Thành khi đặt chân đến hiệu sách “Mụ Hoa”. Và khi đến hiệu Sách cũ Hà Thành ở khu tập thể Trường đại học Bách Khoa Hà Nội của anh chàng Lê Văn Hợp, người ở khoảng giữa độ tuổi 30, mà có đến 20 năm sưu tầm sách, với kiến thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực, tôi lại thấy một phiên bản trẻ tuổi hơn của những “ông Thành”, “mụ Hoa”…

Dân số Hà Nội bây giờ đã là hơn tám triệu người, chưa tính hàng triệu người sống vãng lai. Nhiều người tiếc cái “ngày xưa”, khi Hà Nội là một đô thị nhỏ xinh, khi mấy chữ “người Hà Nội” luôn là hình mẫu tự hào. Dẫu vậy, phải chấp nhận thực tế rằng sự phát triển nào cũng có mặt trái. Phải nhìn nhận một cách thực tế, không tô hồng, cũng không qua lăng kính đầy màu u ám. Văn hóa Hà Nội đã đổi thay. “Chất” Hà Nội hôm nào đã bị pha loãng hơn. Nhưng pha loãng, không có nghĩa là đã mất đi. Cũng như nhiều người, tôi từng lo “chất” Hà Nội sẽ mất đi, nhất là ở thế hệ trẻ. Nhưng sự thật không phải thế. Có chăng, nó thành một dòng chảy âm thầm. Có chăng là sự thay đổi nhất định về cách tiếp cận, thể hiện, khi những thế hệ mới sinh ra, lớn lên. Như nhóm My Hanoi (Hà Nội của tôi), gồm những bạn trẻ hàng chục năm nay khơi lại, truyền tải những nét đẹp về Hà Nội. Người khởi xướng nhóm My Hanoi là Ngô Quý Đức. Bắt đầu với My Hanoi từ khi ngoài đôi mươi. Bây giờ, Đức đã “cứng” tuổi. Đức chuyển sang hành trình mới với Câu lạc bộ Văn hóa dân gian làng nghề – một cách “tiếp lửa” cho văn hóa truyền thống khác. Như câu chuyện của Nguyễn Đức Lộc, chính Hà Nội đánh thức tình yêu di sản trong chàng trai trẻ này. Bây giờ, Đức Lộc mạnh dạn dấn thân khởi nghiệp bằng di sản, với việc khôi phục trang phục cổ… Cuộc sống vẫn đổi thay. Nhưng khi nghĩ về những gương mặt đời thường đã gặp, tôi nhớ đến điều các cụ ngày xưa vẫn nói: Mảnh đất làm nên con người. Văn hóa Hà Nội có sức mạnh lạ kỳ. Hình như sống ở mảnh đất này, những con phố ấy, những hàng cây ấy, những ngôi nhà ấy, những con người ấy, sớm hay muộn, cũng khiến người ta mến yêu…

theo Báo Nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *