Chưa được phân loại

Quận Hai Bà Trưng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Với 01 di tích quốc gia đặc biệt, 22 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 12 di tích xếp hạng cấp thành phố, quận Hai Bà Trưng xác định rõ công tác bảo tồn di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là động lực nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích thường xuyên được các cấp ủy Đảng, chính quyền quận Hai Bà Trưng đặc biệt quan tâm. Chính quyền từ quận tới phường đều ban hành nghị quyết, chương trình công tác để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tập trung nguồn lực, tăng cường quản lý nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhiều tổ chức, cá nhân cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn đã cùng tham gia tu bổ, tôn tạo các di tích.

Hiện nay, quận đang thực hiện tu bổ giai đoạn 2 của quần thể di tích đền – chùa – đình Hai Bà Trưng với các hạng mục: Cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật… Để phát huy giá trị đích thực của di sản, lãnh đạo thành phố Hà Nội trực tiếp chỉ đạo quận phối hợp cùng cơ quan chuyên môn triển khai công tác bảo tồn phát huy được giá trị quần thể di tích đền – chùa – đình Hai Bà Trưng bởi đây là di sản văn hóa, gắn với sự hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội.

Di tích Quốc gia đặc biệt đền-chùa-đình Hai Bà Trưng. (Ảnh Internet)

Cụm quần thể di tích có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, có hồ nước ở trước mặt; chính giữa là đền Hai Bà Trưng, chùa Viên Minh, đình Đồng Nhân. Đền Hai Bà Trưng hiện còn lưu giữ được nhiều di vật quý, như: Đạo sắc phong của triều Lê và Nguyễn; tượng thờ; bia đá cổ; tượng hai ông voi; bộ kiệu thời Nguyễn cùng nhiều cửa võng, hoành phi, câu đối sơn son, thiếp vàng. Đình Đồng Nhân nằm bên phải đền Hai Bà Trưng, thờ thần Cao Sơn Đại Vương, Quốc Vương Thiên Tử, thần Đô Hồ Đại Vương. Ngoài ra, đình còn thờ các vị thủy thần. Giá trị tiêu biểu của đình là 17 đạo sắc phong (5 đạo sắc triều Lê), có niên đại sớm nhất, được phong vào năm thứ 44 (1783); 2 pho tượng Phỗng; bia đá cổ, hạc thờ, khám thờ, cửa võng. Chùa Viên Minh nằm bên trái đền, có bia cổ được tạo tác dưới triều Bảo Đại thứ 7 (1932). Trong chùa bảo lưu nhiều di vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật, thẩm mỹ. Không chỉ lưu giữ những giá trị kiến trúc đặc sắc, di tích đền Hai Bà Trưng còn là địa chỉ đỏ cách mạng. Chùa Viên Minh được công nhận là địa điểm ghi dấu ấn nhiều sự kiện cách mạng, kháng chiến. Đến nay, di tích đền Hai Bà Trưng trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách.

Hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ quận tới phường đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, gìn giữ, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Quản lý di tích để các di tích của quận trở thành địa chỉ văn hóa – lịch sử và du lịch tâm linh hấp dẫn của Thủ đô, thu hút đông đảo du khách tham quan, thưởng lãm.

Minh Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *