Văn hóa cơ sở

Quận Thanh Xuân đảm bảo cảnh quan đô thị: Không chỉ là ra quân

HNP – Sau thời gian lập lại trật tự đô thị, quản lý lòng đường vỉa hè, đa số người dân quận Thanh Xuân đã hào hứng, ủng hộ với kỳ vọng bộ mặt đô thị quận sẽ đổi khác. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng triển khai, tình trạng tái chiếm vỉa hè kinh […]

HNP – Sau thời gian lập lại trật tự đô thị, quản lý lòng đường vỉa hè, đa số người dân quận Thanh Xuân đã hào hứng, ủng hộ với kỳ vọng bộ mặt đô thị quận sẽ đổi khác. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng triển khai, tình trạng tái chiếm vỉa hè kinh doanh đã manh nha trở lại điều này đòi hỏi cấp chính quyền quận cần có những giải pháp phù hợp hơn.

 

Vỉa hè tuyến phố Khuất Duy Tiến cơ bản gọn gàng

 

Trong thời gian qua, ngoài việc tuyên truyền cho các cấp lãnh đạo từ quận đến các chi bộ, tổ dân phố về việc thực hiện tăng cường công tác quản lý đô thị trật tự vỉa hè, các cấp ngành của quận cũng chuyển 11.616 thư ngỏ của Chủ tịch UBND quận cho các cá nhân, tổ chức về lập lại trật tự đô thị. Cùng với đó quận đã tổ chức cho 6.758 hộ kinh doanh buôn bán ở các mặt đường, tuyến phố trên địa bàn quận ký cam kết thực hiện thư ngỏ, đạt tỷ lệ 100%.
Kết quả cho thấy, đã có 4.989 hộ kinh doanh tự giác cam kết thực hiện không lấn chiếm hè phố, lòng đường; 76 trường học tổ chức cam kết thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường cho cán bộ, giáo viên, học sinh các trường trên địa bàn quận. Với quan điểm lấy tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân là chủ yếu, quận đã tích cực tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, đồng thời tổ chức đăng 95 tin bài trên cổng điện tử của quận với nội dung về người tốt việc tốt, về sự đồng thuận của nhân dân trong việc chỉnh trang vỉa hè. UBND quận cũng mở đường dây tiếp nhận mọi thông tin do UBND các phường, các tổ chức, cá nhân góp ý trong công tác này.
Qua công tác tuyên truyền, ý thức trên địa bàn về trật tự giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Đã có trên 3.200 hộ tự giác tháo dỡ mái che, mái vẩy, bục bệ vỉa hè không đúng quy định. Cùng với việc tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành. Để có lực lượng luôn xử lý các vi phạm trật tự giao thông, trật tự đô thị, trật tự hè phố và vệ sinh môi trường phát sinh quận đã thành lập 1 tổ tự quản, gồm 6 cán bộ liên tục tuần tra xử lý, nhắc nhở các vi phạm phát sinh ở 3 tuyến đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển… qua khoảng 1 tháng hoạt động lực lượng đã phát huy được hiệu quả, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ.
Sau hơn 4 tháng thực hiện lập lại trật tự giao thông, trật tự đô thị, các lực lượng chức năng của quận đã kiểm tra, xử lý 4.529 trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông, phạt hành chính 2,6 tỷ đồng, tạm giữ 49 xe ô tô, 64 xe máy, 1.369 bộ giấy tờ xe. Các đơn vị cũng tháo dỡ 1.966 biển hiệu, biển quảng cáo, 1.058 mái che, mái vẩy, hỗ trợ người dân tháo dỡ 2.820 bục bệ vi phạm chiếm dụng hè, lòng đường. Tiến hành kẻ vạch sơn quy định phạm vi được để xe máy, xe đạp trên các tuyến phố.
Để giải quyết tình trạng các phương tiện giao thông dừng đỗ sai quy định, lấn chiếm vỉa hè, quận đã khảo sát và đề xuất với Sở GTVT Hà Nội 18 điểm trông giữ xe máy, ô tô tại các địa bàn, trong đó, có 3 điểm do nhu cầu dân sinh tập trung cao, đang được đề xuất triển khai sớm như khu vực đường Nguyễn Quý Đức, đường Khương Đình, điểm giữ xe dọc theo tuyến hai bên sông Tô Lịch. Ngoài ra, để đảm bảo mỹ quan đô thị, quận đã hoàn thành chỉnh trang tuyến phố văn minh đô thị hai bên bờ phải và trái sông Tô Lịch, phối hợp với Công ty Công viên cây xanh tiến hành trồng mới 353 cây xanh dọc hai bên bờ sông. Tổ chức phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện xã hội hóa hoàn thành hạ ngầm cáp điện tuyến đường Nguyễn Trãi…
Đánh giá về công tác quản lý đô thị trong thời gian vừa qua, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết: trên địa bàn quận vẫn có tình trạng người dân tái sử dụng lòng đường vỉa hè sử dụng không đúng mục đích. Trong đó chủ yếu là để phương tiện giao thông đỗ dừng không đúng nơi quy định. Ngoài ra, còn một số quán hàng nhỏ như: nước chè, bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tuy nhiên nhìn chung những hàng quán mang tính chất kinh doanh, ổn định lâu dài việc tái sử dụng không đúng mục đích vỉa hè còn rất ít. Chủ tịch UBND quận đánh giá: điều này thể hiện rõ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, người dân hiểu được cái lợi lâu dài của việc sắp sếp lại trật tự, lòng đường vỉa hè tốt… từ đó nâng cao ý thức tự giác và nhân dân tự giữ gìn sẽ tốt hơn là chính quyền phải tham gia.
Theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, những năm trước đây thành phố thường phát động ra quân xử lý vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhân dịp nào đó và sau đó lại quản lý theo bình thường. Tuy nhiên theo chỉ đạo của thành phố và sự nhận thức từ quận đến cơ sở là không còn việc ra quân nữa mà phải có trách nhiệm duy trì để mỗi ngõ ngách, mỗi đường phố đều xanh sạch đẹp một cách bền vững lâu dài nên không còn khái niệm ra quân. Thực hiện chủ trương này, quận Thanh Xuân đã tổ chức đến nhà dân để vận động tuyên truyền để nhân dân cùng chính quyền thực hiện. Không còn tình trạng ra quân để giành giật, để xử lý vi phạm mà tập trung tuyên truyền để người dân tự thực hiện, để người dân hiểu và mỗi người dân góp công, góp sức giữ gìn trật tự đô thị.

Về lâu về dài, phía chính quyền cần thay đổi tư duy quản lý thành quản trị, nghĩa là nghiên cứu các loại hình được quyền thu phí, các quy định về thu phí thay vì chỉ cấm…Theo lãnh đạo quận, có thể có một số vỉa hè không nhất thiết giữ cho người bộ 24/24h, ví dụ như quận Thanh Xuân đang trình thành phố tuyến đường Nguyễn Quý Đức (một tuyến đường cụt) có thể sẽ trở thành tuyến phố đi bộ vào ban đêm hoặc vào thứ 7, chủ nhật tạo động lực phát triển kinh tế và giải quyết nhu cầu giải trí mua sắm ở địa phương.

Đánh giá một cách khách quan, Chủ tịch UBND quận cho rằng: nếu muốn thành phố xanh sạch đẹp thì ngoài việc cả chính quyền và nhân dân đều phải tự thể hiện trách nhiệm của mình, thì thành phố cần đầu tư cho cơ sở đường đẹp hơn, vỉa hè sáng hơn, cây cối xanh hơn hay tạo cơ chế chính sách đặc thù để cho cơ sở có sự phát triển năng động hơn…Khi người dân ở khu vực đó thấy sự đầu tư của thành phố tạo ra đô thị xanh, sạch đẹp thì người dân sẽ trân trọng những thành quả ở nơi mình sống và giữ gìn tốt hơn.
Theo Cổng GTDDT TP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *