Di sản

Quán Thượng – Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật

Quán Thượng là công trình kiến trúc tín ngưỡng đồng thời là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ngày 26/3/2021, quán Thượng được UBND thành phố Hà Nội công nhận xếp hạng Di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật.

 Quán Thượng nằm trong khu dân cư xóm 4, thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Quán Thượng nguyên là một ngôi đền cổ được lập dựng để thờ Đức Thượng đẳng thần Gia Thông Lý Miêng Ứng đại vương, vị tướng của triều đại Lý Nam Đế, Nhà nước Vạn Xuân thế kỷ thứ VI và phối thờ cùng vợ là Lý Nương đại vương, vị thần có công âm phù bảo trợ cho cuộc sống của nhân dân trong vùng được nhân khang, vật thịnh.

Quán Thượng xưa kia tọa lạc ở khu đất ngoài đê tả Đáy cùng cụm dân cư xóm Thượng. Năm Giáp Tuất (1934), dân làng hạ kết cấu quán Thượng và đưa cùng các di văn, di vật về đình Tiền Lệ để lưu giữ. Năm Bính Tý (1936), sau khi tìm được thế đất mới, nhân dân Tiền Lệ đã chuyển toàn bộ kết cấu cũ của quán Thượng về xây dựng tại vị trí mới ở khu dân cư xóm 4, thôn Tiền Lệ. Những cấu kiện trải qua thời gian bị hư hại, thôn đã cho thay thế bằng kết cấu mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn.

Đại biểu tặng hoa chúc mừng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, quán Thượng là nơi đặt hầm bí mật của Việt Minh. Di tích cũng được dùng làm địa điểm tổ chức dạy chữ cho nhân dân địa phương. Trong kháng chiến chống Mỹ, vào những năm 1970 – 1971, di tích đón lực lượng cán bộ tình báo miền Nam ra miền Bắc tập kết về hoạt động. Thôn còn bố trí cho đơn vị K15 của Cục Kỹ thuật về sơ tán tại đây. Trong giai đoạn 10 năm (1965 – 1975), trường Tiểu học Tiền Yên thường tổ chức học tập tại hai bên tả, hữu vu của quán Thượng. Năm 1969, chính quyền địa phương cùng nhân dân tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây.

Quán Thượng được xây dựng theo kiểu chữ Công với hệ thống 48 cột. Hoành phi có đề ba chữ Hán tự “Tối Linh từ” nghĩa là linh thiêng nhất. Ngoài hậu cung, trung cung, tiền tế thì quán Thượng có không gian kiến trúc phát triển cả phía trước, phía sau và hai bên, với nhiều hạng mục: Nghi môn, tả mạc, hữu mạc, sân lọng, trụ biểu, hồ nước. Quán Thượng hiện còn lưu giữ được Thần phả cùng 02 đạo sắc phong của vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn (năm 1794) và vua Duy Tân triều Nguyễn (năm 1909; bức Thiều Châu, hoành phi thế kỷ XIX; hệ thống câu đối dựng vào triều vua Thành Thái (năm 1904)…

Thôn Tiền Lệ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử,kiến trúc nghệ thuật cho quán Thượng. (Ảnh: Thanh Thạo)

Quán Thượng là công trình kiến trúc tín ngưỡng đồng thời là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư. Trước kia, thôn thường tổ chức lễ hội truyền thống tại quán Thượng. Từ năm 2011, khi thôn khôi phục lễ hội tại đình làng thì 5 năm thôn lại tổ chức lễ hội đại đám và rước Thánh từ quán Thượng về đình làng. Vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm, thôn Tiền Lệ tổ chức mừng thọ cho các cụ được tuổi tròn từ 60 trở lên tại di tích quán Thượng. Quán Thượng cũng là nơi tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, tuyên dương, khen thưởng con em trong thôn đạt thành tích cao trong học tập.

Với những giá trị còn lưu giữ, ngày 26/3/2021, quán Thượng được UBND thành phố Hà Nội công nhận xếp hạng Di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tiền Yên nói chung, thôn Tiền Lệ nói riêng, đồng thời đặt ra nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích để các thế hệ con cháu thêm tự hào về truyền thống quê hương.

Tuấn Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *