Văn hóa

Ra mắt 2 cuốn sách về tranh dân gian Việt Nam

Chiều 22/4, tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà xuất bản Thế Giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức lễ ra mắt sách “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam” và “Tranh dân gian Huế” của tác giả, nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa.

2 cuốn sách “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam” và “Tranh dân gian Huế” của tác giả Nguyễn Thị Thu Hoà.

Con người bên cạnh các nhu cầu về vật chất thì còn có nhu cầu về tinh thần, nhu cầu về tín ngưỡng và tôn giáo. Tranh dân gian đồ thế Việt Nam (trong đó có tranh làng Sình, Huế) có lẽ là loại tranh dân gian được sử dụng nhiều nhất trong tất cả các dòng tranh dân gian vì đó là tranh phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng. Khi xã hội bước vào quá trình hiện đại hóa, tranh in công nghiệp đã dần dần thay thế tranh in từ mộc bản, việc tiết kiệm nguyên liệu để hạ giá thành của tranh cũng khiến cho nhiều tranh dân gian đồ thế mất dần chỗ đứng, chỉ là những hình ảnh mờ nhạt rồi mất hẳn.

Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa hiện là Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội – một trong những bảo tàng gốm sứ tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Khởi đầu với công việc sưu tầm gốm sứ, trong quá trình đi sưu tầm bà đã phát hiện ra có nhiều dòng tranh dân gian đặc sắc đang lưu lạc hoặc đã thất truyền. Từ đó, với mong muốn bảo tồn, giữ gìn và phát huy những di sản của ông cha ta để lại, bà đã cất công tìm hiểu tư liệu, khảo sát điền dã thực địa để thực hiện và hoàn thành nhiều công trình khoa học đặc sắc về “tranh dân gian Việt Nam”, trong đó một số công trình được in thành sách công phu, như: Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Hàng Trống, Tranh dân gian Huế,…

Trình diễn in tranh dân gian đồ thế Việt Nam.

Tại lễ ra mắt, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ, hai tập sách “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam” và “Tranh dân gian Huế” là nỗ lực của tác giả với mong muốn bảo tồn, giữ gìn và phát huy những di sản của ông cha ta đã để lại. Trong cuốn sách “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam” dày 350 trang với hơn 1000 ảnh minh hoạ, được chia thành những nội dung chính: Đồ thế của các nước trên thế giới và Việt Nam; Địa lý – Tôn giáo – Tín ngưỡng Việt Nam; Tranh đồ thế Bắc Bộ; Tranh dân gian đồ thế Trung Bộ; Tranh đồ thế Nam Bộ. Đó là kết quả sau nhiều ngày tháng tìm hiểu tư liệu và khảo sát điền dã dọc miền tổ quốc của nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, riêng tranh dân gian đồ thế có không gian sống riêng của nó, đó là trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo. Đây cũng là dòng tranh xuất hiện sớm nhất trong các dòng tranh dân gian Việt Nam vì nó là dòng tranh phục vụ cho tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt. Bên cạnh nhu cầu tồn tại về các khía cạnh vật chất, con người còn có nhu cầu về tinh thần, cần được có cảm giác an toàn. Con người còn tồn tại thì còn tôn giáo, tín ngưỡng. Nếu như tranh dân gian kính hiện nay chỉ phổ biến ở Nam Bộ, tranh Hàng Trống, Đông Hồ phổ biến ở Bắc Bộ thì tranh dân gian đồ thế của người Kinh Việt Nam hiện diện ở mọi nơi, hiện diện vào các lễ nghi vòng đời của con người (trừ đám cưới), hiện diện ở ngày rằm, mồng một…

Tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt được thể hiện sâu sắc trong tranh dân gian đồ thế Việt Nam. Tranh dân gian đồ thế Việt Nam mang tính vùng miền rõ nét, vùng duyên hải Nam Trung Bộ mang tính biển, vùng Nam bộ mang tính nước còn vùng đồng bằng Bắc Bộ lại nhạt tính biển, yếu tố đất, rừng và nước rõ nét. Vì vậy, nội dung tranh đồ thế dân gian Việt Nam biến chuyển linh hoạt theo các yếu tố đó. Qua tranh đồ thế dân gian Việt Nam có thể nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán của từng khu vực.

Tọa đàm “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam – giá trị lịch sử văn hóa”, thảo luận về những giá trị lịch sử văn hóa của tranh dân gian đồ thế Việt Nam, và phương hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian.

Việc ra mắt sách, cố gắng giải thích ý nghĩa của từng bức tranh, bộ tranh nhằm phổ biến phong tục, tín ngưỡng, ý nghĩa của từng lễ nghi để thế hệ trẻ tiếp thu, để những bức tranh, bộ tranh còn mãi. Đồng thời việc gìn giữ, bảo tồn được tranh dân gian đồ thế Việt Nam cũng là gìn giữ và bảo tồn được văn hóa Việt Nam.

Tại sự kiện còn diễn ra Tọa đàm “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam – giá trị lịch sử văn hóa”, thảo luận về những giá trị lịch sử văn hóa của tranh dân gian đồ thế Việt Nam, và phương hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian.

Anh Thư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *