Văn hóa cơ sở

Sức sống làng nghề Phú Yên

Hàng trăm năm hình thành và phát triển, làng nghề da giày xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên đã luôn khẳng định được vai trò, vị thế là thủ phủ da giầy của miền Bắc. Những năm gần đây, làng nghề lại càng phát triển mạnh mẽ nhờ chính sách khuyến khích phát triển nghề thủ công truyền thống của huyện Phú Xuyên và của thành phố Hà Nội.

Làng nghề da giày Phú Yên nằm bên quốc lộ 1A, sát cầu Giẽ, gần sông Nhuệ, sông Lương và cách trung tâm Hà Nội hơn 40km. Sản phẩm da giầy Phú Yên hiện có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, từ những cửa hàng buôn bán nhỏ, lẻ đến những cửa hàng thời trang, siêu thị. Những ai đã sử dụng sản phẩm da giầy của Phú Yên đều khẳng định một điều: Dù hàng giả da hay da thật của Phú Yên đều chất lượng tốt, bền mà đẹp, thời trang và phong cách. Theo lãnh đạo xã Phú Yên và Hiệp hội da giầy Phú Yên, hiện cả xã có gần 200 hộ, tổ hợp sản xuất kinh doanh, thu hút hơn 3.000 lao động trong và ngoài xã. Trung bình mỗi năm, Phú Yên cho ra đời khoảng 5 triệu đôi giày, dép da, tương đương với sản lượng cả năm của một nhà máy. Tổng thu nhập của nghề da giày và kinh doanh da giầy chiếm 86% tổng thu nhập toàn xã. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc và Thủ đô Hà Nội (80%), một số ở các tỉnh phía Nam, còn lại là xuất khẩu sang Lào, Campuchia.

Nhiều cơ sở làm ăn phát đạt như cơ sở sản xuất giày của anh Nguyễn Thanh Quang, cơ sở sản xuất giày dép da Sơn Linh, cơ sở sản xuất Lương Huy của thương binh hạng 1/1 Nguyễn Lương Đoàn – người có công đầu trong việc phát triển làng nghề. Sản phẩm của cơ sở đã giành Giải thưởng chất lượng vàng Thủ đô năm 2012. Ngoài ra còn có cơ sở sản xuất Tuấn Huyền, Cao Hoàn, Hưng Giang, Hằng Xuyến, Diệp Luyến,…

Đến Phú Yên vào một ngày tháng 5, ngay từ đầu đường cầu Giẽ dẫn vào xã chúng tôi đã cảm nhận được không khí làng nghề nơi đây bởi trong gió thoang thoảng mùi da thuộc, mùi keo và tiếng xè xè của máy cắt da. Từ làng Giẽ Hạ đến Giẽ Thượng và những làng khác chỉ thấy san sát nhà cao tầng, cửa hàng, cửa hiệu bày bán giày dép, những nhà xưởng, cơ sở sản xuất bề thế, khang trang, trông sầm uất như phố thị…Trên đường làng to, rộng là những chiếc ô tô tải chở hàng đi khắp nơi, tạo cho Phú Yên một không khí luôn nhộn nhịp, hối hả.

Phú Yên nổi tiếng với sản phẩm da giày truyền thống và là nơi đã sản xuất ra chiếc giày da khổng lồ được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam. Nhưng Phú Yên cũng nổi tiếng bởi nơi đây đã sản sinh ra những người thợ tài hoa và năng động. Năng động, nên khi sản phẩm da giày ở nhiều nước trong đó có Việt Nam bao phen rơi vào khủng hoảng, khó khăn thì Phú Yên vẫn sôi động làm nghề, làm ngày, làm đêm để kịp giao hàng cho khách theo hợp đồng. Sở dĩ vậy là do những người thợ, những cơ sở sản xuất đã nhanh chóng nắm bắt thị trường, sản xuất theo thị hiếu và túi tiền của người tiêu dùng, từ sản phấm da giày hàng chợ đến những sản phẩm da giày cao cấp; từ loại giả da giá 100 nghìn đến những sản phẩm da đắt tiền có giá hàng triệu, vài chục triệu đồng, với hàng ngàn mẫu mã khác nhau, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp trong xã hội.

Làm giày muốn tốt phải chọn nguyên liệu tốt. Nguyên liệu tốt là loại da có cật nhiều. Khi làm giày đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, làm cẩn thận từ việc cắt da, máy mũi, gò vào phom, ép đế, kể cả việc trang trí giày cũng phải cẩn thận, tỉ mỉ  để có  một sản phẩm đẹp, chất lượng. Anh Lê Văn Hải, tác giả của đôi giày đoạt huy chương Bạc tại cuộc thi thiết kế thời trang giày châu Á-Thái Bình Dương năm 2009 cho biết, một đôi giày đẹp phải được làm bằng chất liệu da mềm, cắt phải chuẩn, đường kim, mũi chỉ phải sạch sẽ, sản phẩm đi vào không đau chân. Một người thợ muốn có tay nghề cao phải chịu khó học hỏi vài năm mới làm được một đôi giày hoàn chỉnh.

Phú Yên hiện có 2 người được phong Nghệ nhân dân gian, đó là ông  Lê Văn Thịnh và ông Trần Hữu Tiễu. Riêng gia đình nghệ nhân Thịnh đã truyền nghề nhiều đời, đời nào con cháu cũng phát huy truyền thống cha ông, cho ra những sản phẩm độc đáo, vinh danh làng nghề và khiến nhiều người biết đến thương hiệu da giày truyền thống Phú Yên.

Ông Tổ làng nghề Phú Yên là cụ Nguyễn Mạc. Những năm giặc Pháp đô hộ, từ chỗ là chủ một xưởng làm hài ở phố Cầu Đất, thành phố Hải Phòng, cụ Mạc đã học hỏi và chuyển sang làm giày và truyền nghề cho con cháu. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Phú Yên đã xây dựng được một hợp tác xã da giày, chuyên nhận làm hàng cho Tổng Công ty Giày da xuất khẩu. Sau khi tổng công ty này giải thể, những người Phú Yên đã về làng, làm giàu trên chính quê hương mình. Năm 2001, 2 làng Giẽ Hạ và Giẽ Thượng của Phú Yên đã được công nhận là làng nghề da giày truyền thống. Năm 2013, Phú Yên được huyện giúp đứng ra tổ chức Lễ vinh danh làng nghề, gây tiếng vang trong cả nước. Hiện xã đã xây dựng và đăng ký thành công thương hiệu tập thể da giày Phú Yên do Cục Sở hữu trí tuệ cấp và đang áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến theo công nghệ 4.0 vào làm nghề.

Nhờ làm nghề, giữ nghề và phát triển nghề mà đời sống của người thợ da giày ở Phú Yên ngày càng cải thiện, làng quê Phú Yên giờ là làng nghề, phố nghề sầm uất, đầy sức sống. Nhiều triệu phú, tỷ phú đã xuất hiện ở địa phương. Theo báo cáo của UBND xã Phú Yên, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện là 52 triệu đồng/ người/ năm. Thu nhập của người làm nghề từ 6 – 7 triệu đồng/ tháng. Để giữ gìn, phát huy làng nghề theo hướng lâu dài, bền vững, UBND xã Phú Yên và Hiệp hội da giầy Phú Yên đang kiến nghị huyện Phú Xuyên quy hoạch một khu sản xuất tập trung và đầu tư xử lý rác thải. Hiện xã đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cụm tiểu thủ công nghiệp thôn Giẽ Hạ.

 Quỳnh Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *