Lễ hội

Tái hiện Lễ hội Bài chòi tại thủ đô Hà Nội

​(Chinhphu.vn) – Lễ hội Bài chòi sẽ khai mạc vào 9 giờ ngày 27/1 (mùng 5 Tết) tại thủ đô Hà Nội với nhiều hoạt động phong phú. 

untitled.jpg

Lễ hội Bài chòi sẽ được tái hiện tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh minh họa

Đây là sự kiện đặc biệt do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với UBND, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức nhằm kỷ niệm 223 năm Quang Trung đại phá quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long.

Tham gia lễ hội Bài chòi lần này có 14 nghệ sỹ, nghệ nhân và 10 nhạc công. Lễ hội sẽ tái hiện toàn bộ các công đoạn của một Bài chòi cổ từ khai trường, khai hội, chạy hiệu, trúng thưởng, phát thưởng, kết thúc cuộc chơi…

Bài chòi là nghệ thuật dân gian truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, ra đời sớm nhất ở Bình Định và lan tỏa khắp vùng Nam Trung Bộ. Bài chòi bắt nguồn từ những trò chơi Bài chòi (người chơi bài ngồi trên chòi) đánh theo câu hát của anh Hiệu, nên được gọi là tục đánh Bài chòi hay còn gọi là lễ hội đánh Bài chòi. Cấu trúc không gian lễ hội Bài chòi bằng 9 cái chòi nhỏ dựng song song (mỗi bên 4 chòi) và chòi Trung tâm. Người chơi bài ngồi trên chòi được anh Hiệu phát cho 3 con bài làm bằng thẻ tre, gỗ có vẽ hình tượng những con vật hoặc người, tương ứng với câu hát của anh Hiệu…

Bài chòi phát triển khắp vùng đất Nam Trung Bộ tới Bình – Trị – Thiên nhưng mạnh nhất là ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và hiện nay chỉ có Bình Định là phục hồi đầy đủ lễ hội Bài Chòi cổ. Lễ hội Bài chòi tại Hà Nội là hoạt động tích cực quảng bá di sản Bài chòi Bình Định. Đợt “ra mắt” bài chòi Bình Định tại Thủ đô Hà Nội sẽ tác động không nhỏ tới chủ trương, hành trình đưa không gian văn hóa Bài chòi Bình Định trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, ông Hoàng Chương cho biết đây là lần đầu tiên có Lễ hội bài chòi, một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dải đất miền Trung diễn ra trên đất kinh kỳ Thăng Long-Hà Nội. 

Điều đặc biệt hơn nữa là Lễ hội được tổ chức trên chính mảnh đất là nơi yên nghỉ của hàng triệu nghĩa quân Tây Sơn đã hy sinh vì nước, vì dân, nay là một phần của rạp Kim Mã. Bên chùa Kim Sơn đã có nhà bia tưởng nhớ công đức nghĩa quân Tây Sơn.

Đây cũng là hoạt động tích cực nhằm quảng bá di sản Bài chòi Bình Định. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới chủ trương, hành trình đưa không gian văn hóa Bài chòi Bình Định trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo Ban Tổ chức, thời gian tổ chức Lễ hội Bài chòi tại Hà  Nội đúng vào dịp kỷ niệm quân Tây Sơn giải phóng Thăng Long, do vậy, Lễ hội càng có nhiều ý nghĩa.

Lễ hội Bài chòi sẽ được tổ chức từ ngày 27 – 29/2/2012 (tức 5 – 7 tháng Giêng Âm lịch) tại Nhà hát Kim Mã (số 1 Giang Văn Minh, Hà  Nội).

Mai Chi​


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *