Hà Nội đẹp

Tấm gương vì cộng đồng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người sáng lập Công ty cổ phần sách Thái Hà là người làm ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, việc làm của ông đã giúp đỡ được rất nhiều người gặp khó khăn giữa đại dịch Covid -19.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Ông Hùng cho biết, từ khi cả nước có dịch bệnh, ông đã cảm nhận được những ảnh hưởng to lớn của nó đối với nền kinh tế cũng như sinh hoạt của nhân dân. Doanh nghiệp lao đao, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề do không có việc làm. “Mình đã từng nghèo đói nên rất thương những người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khi nguồn thu hàng ngày không còn”. Nên khi dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến miếng cơm manh áo của người lao động, ông Hùng đã mua gạo về đóng vào bao rồi phát miễn phí cho người khó khăn. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, người dân kéo đến quá đông, lộn xộn, không đảm bảo an toàn khi chống dịch…nên ông đành dừng việc phát gạo. Cơ duyên chợt đến khi qua Đài truyền hình Việt Nam, ông biết tại thành phố Hồ Chí Minh có cây ATM gạo. Người dân trực tiếp lấy gạo từ máy, không tiếp xúc với người phát nên hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Người dân nhận gạo miễn phí từ cây ATM gạo đầu tiên tại Hà Nội

‘Mê” cây ATM gạo quá, ông chia sẻ ý tưởng làm cây ATM gạo tại Hà Nội lên trang facebook cá nhân và được nhiều bạn bè, cộng đồng mạng ủng hộ. Ông Hùng bảo đó chính là cơ sở, là động lực để ông thêm quyết tâm hoàn thành cây ATM gạo. Một  nhóm xây dựng cây ATM được hình thành gồm những anh em thân thiết, cùng chung tâm huyết, giàu lòng nhân ái, sẻ chia. Ông lo đi tìm nguyên vật liệu, liên hệ nơi đặt máy. Kỹ thuật thì do Tùng, một người em trong nhóm đảm nhiệm. Điều quan trọng mà ông lưu ý với Tùng khi chế tạo máy đó là không sử dụng tay để bấm nút mà bấm nút bằng chân để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các phần việc phục vụ cho việc phát gạo được các anh em trong nhóm chuẩn bị chu đáo: Tiếp nhận ủng hộ, mua gạo; Chuẩn bị dung dịch sát khuẩn tay khô để bà con sử dụng trước khi vào nhận gạo;  Đánh dấu vị trí người nhận gạo theo đúng quy định của Bộ Y tế (cách nhau 2m);  Sử dụng túi đựng gạo bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Người dân sát khuẩn tay trước khi vào nhận gạo

Ông Hùng chia sẻ, làm từ thiện là tốt nhưng bên cạnh đó cần phải tuân thủ đúng các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và Thành phố Hà Nội đã ban hành trong phòng chống dịch bệnh đồng thời nêu cao ý thức bảo vệ môi trường. Khi đăng tải thông tin trên facebook, các thành viên trong nhóm cũng đã dặn mọi người đến nhận gạo mang theo túi. Bà con nào quên mang túi thì nhóm tặng túi bằng giấy để đựng, hạn chế việc dùng túi nilon gây ảnh hưởng đến môi trường. Sau nhiều nỗ lực, cây ATM gạo đầu tiên đã có được địa điểm đặt đó là Trung tâm Văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. “Việc chọn địa điểm đặt máy cũng không dễ dàng như mình nghĩ lúc đầu. Tôi hỏi thuê địa điểm nhưng nhiều người từ chối vì sợ lộn xộn, tụ tập đông người, gây phức tạp về an ninh trật tự… Thật may khi liên hệ với UBND phường Nghĩa Tân thì các lãnh đạo phường đã nhiệt tình ủng hộ, cho đặt máy miễn phí” – Ông Hùng cho biết.

Sau nhiều công đoạn chuẩn bị, đúng 8h30 ngày 11/4, ATM gạo đầu tiên đã chính thức hoạt động. Để nhận gạo, người nhận dùng chân ấn vào công tắc, gạo sẽ từ máy chảy ra thông qua đường ống. Mỗi lần ấn sẽ được 3kg gạo. Mỗi người được nhận gạo 1 lần/ngày. Nhìn bà con đứng xếp hàng ngay ngắn, trật tự, đúng khoảng cách theo quy định và chiếc máy vận hành trơn tru, ông Hùng không giấu được vui mừng.  Ủng hộ việc làm của ông, nhiều mạnh thường quân, người có tấm lòng nhân ái đã góp kinh phí để mua gạo.

Vui mừng, xúc động cũng là cảm xúc của nhiều người sau khi nhận gạo miễn phí. Họ là những người bán hàng rong (bán chổi, đồ nhựa, mua đồng nát, nhặt rác…) khi dịch bệnh bùng phát đã không thể đi làm, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. “Cảm ơn anh Hùng, cảm ơn những tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ chúng tôi trong lúc khó khăn này. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để chúng tôi lại đi bán hàng, trang trải cuộc sống”. Chị M. một người bán hàng rong, đã rất xúc động bày tỏ.

Thành công từ cây ATM gạo ở Nghĩa Tân khiến ông Hùng quyết tâm triển khai thêm nhiều cây ATM gạo tại các địa điểm khác trong thành phố để chia sẻ, giúp đỡ người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngày 13/4, ông Hùng đã mở thêm cây ATM gạo tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm.

Minh Huệ

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *