Nếp Sống văn hoá

Tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất các lễ hội

Từ ngày 30/1 (tức mùng 6 tháng Giêng), Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất các lễ hội.

Nhằm nâng cao chất lượng quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm giữ vững an ninh trật tự, an toàn, văn minh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển khai kế hoạch kiểm tra công tác quản lý, tổ chức trước, trong và sau lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sở VHTT Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất các lễ hội.

Theo đó, từ ngày 30/1 (tức mùng 6 tháng Giêng) đến hết ngày 6/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức 2 đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các lễ hội ở 30 quận, huyện, thị xã.
Các nội dung được kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh vi phạm (nếu có), gồm: Công tác tổ chức lễ hội bảo đảm yếu tố nguyên gốc; công tác bảo vệ và xử lý các hành vi xâm hại hoặc nguy cơ ảnh hưởng tới các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định; các hoạt động văn hóa thể thao, các loại hình dịch vụ trong lễ hội theo quy định pháp luật… Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn tiếp nhận và xử lý các thông tin về công tác lễ hội qua số điện thoại đường dây nóng: 0869.295538.
Ghi nhận cuối ngày đầu tiên ra quân, công tác quản lý và tổ chức lễ hội diễn ra bảo đảm yêu cầu. Các hoạt động tại lễ hội đáp ứng được tiêu chí về bảo tồn giá trị nguyên gốc cũng như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Cụ thể, thông tin từ Phòng Xây dựng nếp sống và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, các đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra, giám sát tại các lễ hội: Chùa Hương, huyện Mỹ Đức; đền Sóc, huyện Sóc Sơn; Cổ Loa, huyện Đông Anh và lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở huyện Mê Linh.
Tại các lễ hội, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được bảo đảm, không xảy ra ùn tắc giao thông, không xảy ra hiện tượng bạo lực, phản cảm. Người dân thực hành nghi lễ trật tự, văn minh, tôn trọng văn hóa địa phương. Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận không có dịch vụ đổi tiền lẻ, cờ bạc trá hình, hoạt động mê tín dị đoan… trong không gian các lễ hội kể trên.
Trước đó, thống kê từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, từ ngày 25/1 đến nay (tức từ mùng 1 Tết Nguyên đán đến mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý), đơn vị đã tiếp nhận 48 cuộc gọi qua đường dây nóng, chủ yếu phản ánh về tình trạng trông xe tự phát giá cao, tập trung tại lễ hội chùa Hương và lễ hội đền Sóc; dịch vụ viết sớ cầu con tại phủ Tây Hồ.
Ngay sau khi tiếp nhận, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, ban tổ chức lễ hội kịp thời xử lý những phản ánh, yêu cầu đóng cửa, không cho phép hoạt động.
Từ nay đến đầu tháng 7, công tác kiểm tra tổ chức và hoạt động lễ hội sẽ tiếp tục được tăng cường để bảo đảm mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh.

Hồng Diên

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *