Hà Nội đẹp

Tập thể cũ Hà Nội – Ký họa và Hồi ức

200 bức ký họa của 64 tác giả được in trong cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội – Ký họa và Hồi ức” là những ghi chép của mỗi người về một Hà Nội đang dần đi vào quá khứ, là tuổi thơ khó khăn, thiếu thốn nhưng tràn ngập tình yêu và những nụ cười.

Ký họa khu tập thể Thanh Xuân Bắc, tác giả Đinh Hải.

Với 200 bức ký họa của 64 tác giả, là kết quả một năm lao động miệt mài của nhóm ký họa, bằng sự đam mê và lòng nhiệt tình, đã dành những buổi chiều cuối tuần để vẽ ký họa các khu tập thể cũ, từ khu Nguyễn Công Trứ, Trung Tự, Khương Thượng, Thành Công, Giảng Võ, Kim Liên đến khu Nam Đồng, Thanh Xuân Bắc, Quỳnh Mai, Bách Khoa, Ngọc Khánh…

Nhà A1 Tập thể Thành Công – Ký họa của Trần Thị Thanh Thủy.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – một cư dân cũ ở khu tập thể Trung Tự, trong lời đề tựa ở cuốn sách đã viết: “Một sự thật là, khi đang sống trong những chung cư ở Hà Nội thuở ấy, chúng ta phải đương đầu với bao khó khăn bởi điều kiện sinh hoạt. Những căn hộ chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu nước, thiếu điện, thiếu không gian cho những đứa trẻ. Và rồi, cuộc cách mạng đô thị đã và đang xóa đi tất cả những chung cư như thế. Hầu hết những người đã sống trong những chung cư ấy giờ đã có một nơi ở mới với những biệt thự sang trọng, với những chung cư hiện đại và cao cấp. Tưởng rằng như vậy thì những chung cư xưa sẽ được chôn vùi vào quá khứ mãi mãi. Nhưng đến một ngày, trong những trang viết và những bức tranh, tất cả những chung cư thở ấy lại mọc lên, mọc lên trong một tinh thần khác và một ánh sáng khác…

Khu tập thể Bộ Xây dựng – Ký họa của Phan Mạnh Quân.

Những người viết và vẽ về các chung cư thuở xưa không phải dựng lại một lần nữa những khó khăn, những thiếu thốn của họ trong những tòa nhà ấy mà dựng lên một đời sống tâm hồn. Những trang viết thật giản dị, trung thực nhưng xúc động lạ thường. Người đọc nhận ra rất rõ ràng một điều: những người viết đang trở về nơi chốn mình đã sống trước kia bằng một con đường trong tâm khảm. Con đường của những kỷ niệm, những buồn vui, những da diết, những thương nhớ và những suy ngẫm về chính đời sống của cá nhân mình. Những ô cửa sổ nhỏ bé, những cánh cửa sơn vội, những ban công chất đủ thứ, những lồng sắt đan kín, những bức tường nham nhở, những căn phòng xấu xí, những cầu thang hẹp và tối, những khoảng sân chật chội… giờ đây lại hiện ra trong một ánh sáng khác. Và như thể lần đầu, chúng ta ngỡ ngàng nhận ra ô cửa sổ, ban công, cánh cửa, lồng sắt, bức tường, căn phòng, cầu thang, quán nước….đẹp đến nao lòng. Tôi đã ngắm mãi những bức tranh vẽ những chung cư thuở ấy. Đẹp lạ lùng. Ám ảnh lạ lùng. Và xúc động khôn nguôi. Ánh sáng của những chung cư bàng bạc và xa xôi. Ánh sáng vừa mơ hồ vừa tinh khiết gọi ký sức tràn về nao lòng”.

Cầu thang cũ – Ký họa của Hoàng Quốc Đạt.

Có thể nói cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội – Ký họa và hồi ức” đã biến những không gian xưa, thời gian xưa tưởng đã chìm vào quên lãng giờ trở lại sống động và ám ảnh lạ thường.

Vào 30/12 tới đây, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội sẽ tổ chức triển lãm Ký họa Hà Nội 2018 và ra mắt cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội – Ký họa và hồi ức”.

Bình Dương

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *