Di sản – Bảo tồn

Thay đổi tư duy để đánh thức và lan toả những giá trị truyền thống

Hoạt động du lịch văn hóa có xu hướng cá nhân hóa nhờ công nghệ số và xu hướng này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ hậu Covid-19. Điều đó đòi hỏi các điểm tham quan cần sự thay đổi, chuyển mình phù hợp. Đặc biệt đối với một di tích đã trở nên quen thuộc như Văn Miếu – Quốc Tử Giám thì việc đổi mới các hoạt động văn hoá nhằm giữ gìn và lan toả tinh thần, giá trị đạo học là việc hết sức cần thiết.

Trung tâm Hoạt động Văn hoá – khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã phối hợp với Gavisto Diplomat ra mắt “Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám”.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ lâu nay đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam, trở thành một điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến với Hà Nội, cũng là nơi để người dân Thủ đô ghé lại vào những dịp lễ, Tết.
Là một di tích quốc gia đặc biệt, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi hun đúc giá trị đạo học của nước ta qua nhiều thế kỷ. Sự ra đời của Quốc Tử Giám vào thế kỷ 11 trở thành một hiện tượng văn hóa, là sự lựa chọn chủ động của người Việt trong việc tiếp nhận tinh hoa văn hoá bên ngoài trên căn cốt văn hóa Việt đã vững bền. Từ đó đến nay trải qua nhiều thăng trầm, Văn Miếu Hà Nội thành trường học của phủ hoài Đức. Với vị trí vô cùng quan trọng, vượt qua nhiều thử thách, Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành di tích mang những giá trị với sức sống mãnh liệt. Những giá trị ấy đã được khẳng định, nhưng để lan toả những giá trị ấy đến với cộng đồng vẫn luôn là bài toán đặt ra cho các nhà quản lý cũng như với những người yêu di sản. Làm sao để Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là nơi các du khách ghé thăm một lần mà để nơi đây trở thành một không gian văn hoá sinh động, qua đó, truyền tải những giá trị văn hoá tốt đẹp của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, của đạo học Việt Nam không phải là vấn đề đơn giản.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá – khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Trong thời gian giãn cách, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không thể đón khách, nguồn thu sụt giảm, người lao động gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi coi đây là quãng thời gian lắng lại, tập trung nghiên cứu những giá trị nhằm xây dựng những sản phẩm để phục vụ khách tham quan khi di tích được mở cửa trở lại. Chúng tôi đã và đang cố gắng nhằm đổi mới hoạt động. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi nuôi dưỡng giá trị truyền thống có sức sống qua thời gian. Nói về làm mới, thì đầu tiên giữ nguyên tắc những gì thuộc về truyền thống thì phải giữ gìn; những cái gì nhận diện chưa đúng thì phải nhận thức lại, ví dụ như việc sờ đầu rùa, lễ bia hạ mã… Giá trị của Văn Miếu là ở tinh thần tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài…, những tấm bia tiến sĩ là lời răn của kẻ sĩ khi đỗ đạt rồi thì làm gì phục vụ cho đất nước… Làm mới, tức là tìm cách đưa giá trị đó đến gần hơn những người tham quan, để hiểu hơn, để ứng xử với di tích bằng những hành động đúng, đẹp”.

Ngày 26/9, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp Gavisto Diplomat tổ chức toạ đàm với chủ đề “Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt” nhằm tìm ra những hướng đi cho việc giữ gìn và lan toả tinh thần, giá trị đạo học.

Ông Trương Quốc Toàn – Cố vấn các hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhận định, hoạt động du lịch văn hóa có xu hướng cá nhân hóa, du khách sẽ tự tham quan nhờ dịch vụ trực tuyến hiện nay và xu hướng này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ hậu Covid. Bên cạnh đó, xu hướng số hóa và công nghệ cũng giúp trải nghiệm du lịch trong quá trình tham quan hấp dẫn hơn. Điều đó đòi hỏi các điểm tham quan cần sự thay đổi, chuyển mình cho phù hợp. Với sự phát triển mạnh mẽ của không gian số như hiện nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám cần có tư duy rộng mở hơn, phá bỏ tường rào trong tư tưởng, quan niệm và trong không gian số. Lâu nay, chúng ta thấy di tích đón khách đến nhưng đúng nghĩa tham quan và ít khi họ quay trở lại. Vậy làm thế nào để du khách không chỉ đến 1 lần, câu trả lời đến từ việc tham gia các hoạt động văn hoá diễn ra tại di tích như tham gia các cuộc tọa đàm, hoạt động giao lưu, trưng bày, biểu diễn nghệ thuật. Nỗ lực này cần duy trì liên tục ở ba giai đoạn: Trước khi họ đến – Bước chân vào di tích – Rời khỏi di tích. Trước khi vào di tích họ cần được cung cấp thông tin gì, vào di tích xem cái gì, và khi rời khỏi thì họ đọng lại cái gì…
Ông Trương Quốc Toàn cũng có những gợi ý về việc có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác truyện tranh dựa trên nội dung văn bia; phát triển hệ thống những người bạn của Văn Miếu, phát hành thẻ thành viên với những ưu đãi… nhằm thu hút du khách đến hàng tuần, hàng tháng…
Trong thời gian gần đây, Trung tâm Hoạt động Văn hoá – khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã phối hợp với Dự án Giáo dục khai phóng Gavisto Diplomat ra mắt Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám. Dự án hướng đến mục tiêu làm sao đưa di tích trở thành không gian mở, nơi sinh hoạt chung của nhiều ý tưởng yêu di sản nói chung. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, dự án đã nhận được 1.500 người tham gia trên mạng xã hội. Các thông tin đăng tải về lịch sử, văn hoá, đạo học, truyền thống khoa bảng… nhận được rất nhiều tương tác. Đây chính là một trong những tìm tòi của Trung tâm Hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám để Văn Miếu – Quốc Tử Giám đến gần hơn với công chúng.
Bà Hoàng Đoan Trang, đồng sáng lập Dự án Gavisto Diplomat – đơn vị phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám thực hiện Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám cho biết, Mục đích thực hiện dự án này, bên cạnh việc gìn giữ truyền thống và giá trị văn hóa của Trường Quốc Tử Giám xưa, còn hướng đến việc cung cấp các kiến thức lịch sử Việt Nam một cách hệ thống, thú vị và thân thiện nhất, giúp các bạn trẻ khơi dậy tình yêu với lịch sử, văn hóa của đất nước mình và chung tay bảo tồn, kế thừa những giá trị đó. “Hoạt động của Văn Miếu là thờ các bậc Thánh hiền của Nho giáo, Quốc Tử Giám trước đây là trường, chủ yếu là dạy học và hoạt động về văn hoá. Sau khi trao đổi, chúng tôi có đưa ra ý tưởng tách riêng về hoạt động giáo dục, văn hoá tại các không gian như nhà Thái Học, Vườn Giám, Hồ Văn, đưa các địa điểm này trở lại nhiệm vụ trước đây là giáo dục văn hoá và tổ chức hoạt động văn hoá, giữ gìn và lan toả tinh thần, giá trị đạo học” – bà Hoàng Đoan Trang cho biết thêm.
Ông Lê Xuân Kiêu cũng cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ số hoá toàn bộ di tích; đẩy mạnh đa dạng hoá các hoạt động để di tích trở thành điểm đến thường xuyên của cộng đồng, với các sinh hoạt định kỳ hàng tuần, hàng tháng; đẩy mạnh liên kết với các điểm di tích khác; ứng dụng rộng rãi công nghệ để giới thiệu di tích… Ông Lê Xuân Kiêu cũng cho rằng, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã làm được một số việc, nhưng vẫn rất cần sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để có thể trở nên sống động hơn nữa.

TN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *