Tin tức - Sự kiện

Thủ đô cần có điểm nhấn ‘hút’ khách lưu trú, thu lợi nhuận lớn từ du lịch

 Ngày 29/3, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cuộc làm việc với UBND thành phố Hà Nội. Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, tạo […]

 Ngày 29/3, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cuộc làm việc với UBND thành phố Hà Nội.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, tạo môi trường sống, sinh hoạt, vui chơi cho đông đảo nhân dân. Trong khi ngân sách còn eo hẹp, để đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thành phố đã phát huy tốt nguồn lực xã hội hóa nên đã xây dựng được nhiều công trình; nhiều chương trình, hoạt động văn hóa lớn đã được tổ chức.

Đặc biệt, thành phố thí điểm thành công việc tổ chức tuyến phố đi bộ; không những đáp ứng nhu cầu cho nhân dân địa phương mà đông đảo du khách trong và ngoài nước cũng đã đến tham quan, vui chơi vào dịp cuối tuần. Dự kiến vào tháng 6 tới khi hết thời gian thí điểm, sẽ có nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của các vùng miền của cả nước và một số nước trên thế giới được giới thiệu tại đây.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Thành phố Hà Nội cũng kêu gọi đầu tư vào một số công trình lớn làm điểm nhấn như: Khu du lịch Suối Hai – Ba Vì sẽ được lắp đặt cáp treo và phát triển tổng thể cảnh quan nơi đây gắn với quần thể khu du lịch K9 – Đá Chông; xây dựng nhà hát Hoa Sen đẳng cấp tầm quốc tế, quy mô 2.000 chỗ ngồi tại Hồ Tây…

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua trên địa bàn thành phố có nhiều nhà hát nổi tiếng, lâu đời như Nhà hát chèo, Nhà hát cải lương, Nhà hát lớn… nhưng việc tổ chức biểu diễn, tổ chức cho khách đến tham quan còn hạn chế, chưa tạo được nguồn thu, gây lãng phí lớn.

Vì vậy, thành phố đang có nhiều giải pháp để kết nối các tour, hãng du lịch nhằm tăng cường giới thiệu đến du khách. Bên cạnh đó, mặc dù Hà Nội có rất nhiều làng nghề, nhưng hiện nay vẫn chưa có các loại sản phẩm đặc trưng phục vụ cho từng khu du lịch, gắn với văn hóa, lịch sử. Thành phố cũng đang ưu tiên đầu tư cho các làng nghề truyền thống nổi tiếng trên địa bàn Thủ đô.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội luôn được Bộ Chính trị xác định là trung tâm lớn về mọi mặt, trong đó có văn hóa và du lịch. Năm 2016 thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, lập lại trật tự văn hóa và trong thực tế đã gặt hái được nhiều kết quả bước đầu. Tới đây, Hà Nội kêu gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư từ xã hội hóa cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; khuyến khích đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao, công trình vui chơi, khách sạn…

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao cách làm và thành quả của Hà Nội đã đạt được trong lĩnh vực này. Những vấn đề mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thành phố trả lời tại cuộc làm việc đã được Chủ tịch UBND thành phố giải thích rõ ràng, cụ thể và đưa ra phương hướng xử lý trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhấn mạnh, văn hóa luôn luôn được đặt vị trí ngang hàng với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho văn hóa từ Trung ương đến các địa phương còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tầm quan trọng. Vì vậy, cần phải đổi mới theo hướng cơ chế thị trường, thông thoáng cơ chế chính sách, tránh trì trệ, trông chờ và nhất là tăng cường phối hợp giữa các cấp các ngành để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao cách làm xã hội hóa mạnh mẽ của Hà Nội, điển hình là thành phố đã áp dụng thành công mô hình tuyến phố đi bộ tại khu vực phố cổ. Thành phố cần lưu ý tiếp tục quảng bá hình ảnh và tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực tại đây ngày càng phong phú, hấp dẫn, ý nghĩa để thu hút khách bền vững. Hà Nội cũng cần xây dựng một số chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: lễ hội áo dài, phố ẩm thực… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý chủ trương và sẽ cùng Hà Nội sớm xây dựng một công viên đẹp và lớn mang tầm cỡ quốc tế trên địa bàn để làm điểm nhấn cho Thủ đô.

Đối với vấn đề quản lý, khai thác các nhà hát và biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn, Bộ trưởng cho biết sẽ tổ chức biểu diễn nghệ thuật hàng ngày tại Nhà hát lớn. Tại đây các chương trình ca nhạc, dân ca vùng miền, các tỉnh, thành sẽ được tôn vinh, lan tỏa đến với du khách. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố Hà Nội cần cùng kiểm soát chặt các chương trình biểu diễn nghệ thuật mang tính chất thu lợi nhuận cao nhưng chất lượng kém…

 

Địa bàn Thủ đô có nhiều đặc sắc, lợi thế, việc phát triển văn hóa cho người dân sở tại là rất cần thiết, nhưng phải biết cách tổ chức, có các công trình lớn, lễ hội điểm nhấn để thu hút du khách lưu trú, thu lợi nhuận lớn từ du lịch.

Theo TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *