Thể Thao

Thủ lĩnh của võ thuật cổ truyền thủ đô

Người ta bảo, mỗi người đều có “cơ duyên” đến với nghề nghiệp mà họ sẽ đeo đuổi, đắm đuối cả đời. Võ sư  Lê Ngọc Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội võ thuật Hà Nội cũng vậy. 59 tuổi đời, tình yêu, sự đam mê dành cho võ thuật vẫn nồng nàn, […]

Người ta bảo, mỗi người đều có “cơ duyên” đến với nghề nghiệp mà họ sẽ đeo đuổi, đắm đuối cả đời. Võ sư  Lê Ngọc Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội võ thuật Hà Nội cũng vậy. 59 tuổi đời, tình yêu, sự đam mê dành cho võ thuật vẫn nồng nàn, vẹn nguyên như cách đây 48 năm, khi anh trốn cha đi học võ.

1

Võ sư Lê Ngọc Quang

 Năm ấy, khi mới 11 tuổi, Lê Ngọc Quang  được mẹ thưởng cho 3 hào vì đạt học sinh giỏi của trường. Ra đầu phố chờ mãi không thấy tàu điện đến, cậu bé Quang chợt nghĩ, sao mình không chạy đến hiệu kem Tràng Tiền. Số tiền vé tàu, đủ để mua cho chị gái một cây kem nữa.  Đang đứng xếp hàng nghiêm chỉnh để mua kem, Quang bị một cậu bé trạc tuổi chen ngang. Bị một người lớn lôi ra khỏi hàng, nó chỉ tay vào Quang bảo cậu mới là người  chen ngang. Cậu thật thà thưa với người lớn “không phải cháu”, thế là cậu đó xông vào đánh Quang, được mọi người can ngăn, nó bỏ đi nhưng lại phục cậu ở một chỗ ngõ vắng… Lần đầu tiên trong đời, Quang phải chịu một trận đòn nhừ tử, mặc dù cậu chẳng có lỗi gì.

Sư phụ đầu tiên của Lê Ngọc Quang là Cộng, học cùng lớp nhưng hơn anh 2 tuổi. Thương Quang đau đớn vì bị đánh, Cộng muốn dạy võ cho Quang để cậu tự vệ. Thời ấy, võ là một thứ xa lạ, thậm chí bị cấm đoán. Chính vì vậy, Quang phải trốn cha đến nhà thầy Cộng học với suy nghĩ rằng, có võ, người ta có bản lĩnh để thực hiện cái tốt, chống lại cái xấu…

Năm 1975, đang học lớp diễn viên trường sân khấu điện ảnh, Lê Ngọc Quang xung phong đi bộ đội. Năm 1983, khi xuất ngũ, anh mở lớp dạy võ. Trải qua những tháng ngày chịu khó, chịu khổ, thậm chí bị bắt lên đồn công an vì dạy võ, cuối cùng đam mê của anh mới thỏa nguyện khi từ năm 1989, võ được công khai tồn tại, phát triển trên phạm vi toàn quốc. Hai năm sau, anh đoạt huy chương vàng khi tham dự liên hoan võ thuật tại Malaysia ở bộ môn Pencat Silat và trở thành một trong những người khai sinh ra bộ môn này tại Việt Nam. Tình yêu võ thuật, mồ hôi, công sức của anh đã đổ ra để đưa môn võ này đến với nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trở thành một trong những bộ môn đoạt được nhiều huy chương khi thi đấu ở đấu trường trong và ngoài nước.

2

Võ sư Quang với thú vui sáng chế đoàn tàu chở rượu bằng đồng

Qua những trải nghiệm khi dấn thân vào nghiệp Võ, Lê Ngọc Quang đã đúc kết rằng, cọi nguồn của võ thuật thật đơn giản. Nó không khác các bài ca dao, tục ngữ được gom góp vốn chất của ngàn đời, qua kinh nghiệm đấu tranh sinh tồn, qua sự bắt chước không một mỏi các loại hình giành giật sự sống của những loài mãnh thú trong tự nhiên và qua sự sáng tạo, chau chuốt, sàng sẩy hoàn thiện theo vóc dáng địa lý của từng dân tộc; được cải tiến liên tục bằng hành động cơ bắp và chuyên chở bằng chữ viết cho các thế hệ tiếp nối theo cách truyền giảng mang tính cá nhân của dân tộc ấy. Điều cần thiết ở đây chính là sự khổ luyện. Một võ sỹ thượng thặng là người đã trải qua tất cả mọi đau đớn, nhọc nhằn, bền bỉ nhất và giấc mơ của họ chính là những buổi tập khổ hạnh. Vì vậy, võ thuật chân chính không phải là thứ trang sức cho những kẻ hời hợt, sĩ diện và lười biếng.

Năm 1988, Liên đoàn võ thuật Hà Nội (từ năm 1995 là Hội võ thuật Hà Nội) được thành lập, võ sư Quang đã tham gia và được bầu làm phó tổng thư ký Liên đoàn. Từ năm 1995 đến nay, anh là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội võ thuật Hà Nội.

Đến với võ bằng niềm đam mê mãnh liệt, võ sư Quang đã để lại nhiều dấu ấn khi từ năm 1989, anh đã đảm nhiệm cương vị Huấn luyện viên Pencat Silat cho đội tuyển Hà Nội và Công an Nhân dân.  Anh đã đào tạo được 250 kiện tướng quốc gia, 13 nhà vô địch thế giới, 29 nhà vô địch SEA Games. Là thủ lĩnh của làng võ thuật Thủ đô, anh luôn quan niệm rằng, phải làm được những điều mà võ sinh, môn sinh cần. Dưới sự góp tâm, góp sức của anh, nhiều năm qua, Hội võ thuật Hà Nội đã tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm tôn vinh, quảng bá, phát triển võ cổ truyền trên địa bàn trong nước và quốc tế. Các Hội diễn võ thuật cổ truyền Hà Nội được tổ chức hàng năm đã trờ thành sân chơi của làng võ thuật miền Bắc…Hiện nay, Hội có 74 võ đường, môn phái với hàng vạn võ sinh luyện tập.

Bên cạnh đam mê võ, võ sư Lê Ngọc Quang còn có nhiều tài lẻ khi thành công với nhiều vai diễn trên màn ảnh, chơi đàn, chơi trống, sáng tác truyện ngắn… như một người trong nghề thực thụ. Anh còn có thú sưu tầm thiết bị âm thanh, đồ cổ, xe máy, xe đạp… Đặc biệt, sau 2 năm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, anh đã sáng chế thành công đoàn tàu chở rượu bằng đồng, dài 2,7m, gồm 4 toa,  có điều khiển từ xa, có bộ phận hâm nóng rượu mà nhiều nhà sưu tầm, kỹ sư cơ khí trong nước và nhiều nước trên thế giới phải ngạc nhiên bởi óc sáng tạo của một người không công tác trong lĩnh vực cơ khí như anh.

Với anh em võ sinh, các võ đường gần xa, Võ sư Lê Ngọc Quang là người thủ lĩnh giỏi, người đã và đang góp phần đưa võ thuật cổ truyền của Hà Nội phát triển không ngừng.

                                                                                                        Minh Huệ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *