Bảo tồn - Bảo Tàng

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên: Bảo tồn di sản chỉ bền vững khi được nhân dân đồng thuận

Chiều ngày 14/12, Đoàn công tác của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát và làm việc với UBND xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) về thực hiện Công văn 2662.

Chiều ngày 14/12, Đoàn công tác của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát và làm việc với UBND xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) về thực hiện Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, công tác phục hồi, sản xuất tranh dân gian Kim Hoàng và hiệu quả quản lý, phát huy di tích tại địa phương.

Thứ trưởng Đặng Thị BÍch Liên tham quan làng tranh Kim Hoàng

Tranh Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức) là 1 trong 3 dòng tranh truyền thống nổi tiếng của Đồng bằng Bắc bộ. Sau nhiều thế kỷ bị mai một, thất truyền, năm 2015, nhà sưu tầm Nguyễn Thu Hòa bắt đầu triển khai dự án Khôi phục làng nghề Kim Hoàng. Tháng 11/2016, một số bản tranh của làng Kim Hoàng đã được bán trên thị trường. Tết Đinh Dậu – 2017 tranh Kim Hoàng đã xuất hiện trở lại và được công chúng đón nhận, các nhà chuyên môn đánh giá cao. Hiện nay, bên cạnh đình làng Kim Hoàng, bà Thu Hòa đã được chính quyền và nhân dân cho mượn địa điểm để làm nơi sản xuất, truyền dạy nghề làm tranh.

Tranh Kim Hoàng có nhiều mẫu, là những linh vật như gà, lợn, ngựa…., năm nay, bà Thu Hòa đang nghiên cứu tạo ra mẫu tranh Nghê – linh vật Việt, trên khuôn mẫu của đôi nghê đặt tại Đền Vua Đinh- Vua Lê (Hoa Lư, Ninh Bình) nhằm quảng bá biểu tượng linh vật, hưởng ứng Công văn 2662 của Bộ VHTTDL.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên và nhà đầu tư vào khôi phục dòng tranh Kim Hoàng

Bên cạnh việc khôi phục các bản khắc cổ, làng tranh còn sáng chế một số mẫu mới mô phỏng hình ảnh linh vật thuần Việt, cử người đi học các lớp mỹ thuật, Hán nôm, tìm hướng mở rộng mặt bằng sản xuất, tổ chức các lớp học in ấn tranh ngoại khóa cho thanh, thiếu niên ở địa phương… Cùng với việc khôi phục nghề cổ, công tác gìn giữ, phát huy giá trị di tích tại địa phương cũng được quan tâm, chú trọng. Sau 3 năm triển khai Công văn 2662 của Bộ VHTTDL, 100% di tích tại xã không sử dụng linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao công tác triển khai Công văn 2662 ở Hoài Đức cũng như ở nhiều địa phương trên cả nước. Thứ trưởng cho rằng, việc giữ gìn giá trị văn hóa của dân tộc là vô cùng cần thiết. “Văn hoá là bản chất cốt lõi của các dân tộc, hình thái kinh tế có thể mất đi nhưng văn hoá không thể mất. Việt Nam đang ở thời kỳ kinh tế phát triển hội nhập, tuy nhiên hội nhập nhưng không thể hoà tan. Vì thế, chúng ta phải chung tay bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc…, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được công tác bảo tồn là rất quan trọng. Việc phục hồi làng tranh Kim Hoàng là biểu hiện rõ sự chung tay hưởng ứng của cộng đồng, thực hiện tinh thần Công văn số 2662 mà Bộ VHTTDL ban hành”- Thứ trưởng khẳng định.

Tranh Kim Hoàng đang sử dụng mẫu linh vật Nghê vào sáng tạo

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng đề nghị UBND xã Vân Canh tiếp tục tìm hướng phát triển dòng tranh tại địa phương, đưa tranh Kim Hoàng giới thiệu tới nhiều điểm di tích, du lịch trong và ngoài thành phố, đồng thời phát triển du lịch di sản để người dân làng nghề có thể sống bằng nghề, tạo nền tảng cho tranh Kim Hoàng phát triển mạnh mẽ trong đời sống hiện đại. “Bảo tồn di sản chỉ có thể bền vững khi được nhân dân đồng thuận và ủng hộ”- Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh./.

Tin, ảnh: Hoàng Nguyên

Theo Theo Tổ Quốc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *