Lễ hội

Thưởng thức âm hưởng “nghìn xưa vọng lại” tại Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ nhất

Hưởng ứng “Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 2018”, chiều 23/11, Liên hiệp UNESCO Việt Nam – Trung tâm UNESCO Phát triển văn hóa và thể thao tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt chào mừng “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ nhất” tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Biểu diễn hát xẩm “Bắc kỳ vui nhất Hà thành” của Đoàn Trống hội Thăng Long. Ảnh: NDĐT

Đây là hoạt động nhằm mang đến cho công chúng những trải nghiệm đặc biệt nhất, các tiết mục biểu diễn được dàn dựng công phu, mang âm hưởng “nghìn xưa vọng lại” cùng với sự xuất hiện của các nghệ nhân nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật dân gian của Việt Nam như: Hát Then, Hát văn, Bài chòi, Ví dặm, Ca trù, Hát xẩm… Trong khuôn khổ ngày hội, công chúng Thủ đô và du khách trong và ngoài nước được thưởng lãm trưng bày nghệ thuật Thư pháp, sân khấu âm nhạc truyền thống cũng như trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian độc đáo, hấp dẫn.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: HNP

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý khẳng định những thành tựu trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của thành phố Hà Nội đã góp phần khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong di sản phục vụ có hiệu quả cho công tác giáo dục lịch sử, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Các hoạt động phối hợp tổ chức giữa Hà Nội với các tỉnh, thành sở hữu di sản, các tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản cũng góp phần quan trọng vào việc tôn vinh, quảng bá di sản của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.

Khu trưng bày Thư pháp tại Ngày hội. Ảnh: NDĐT

“Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam lần thứ nhất” được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long trong 2 ngày, 23 – 24/11/2018, là sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt Di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận. Đây cũng là hoạt động xã hội sâu rộng nhằm tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, quảng bá tiềm năng văn hóa, thương mại và du lịch, liên kết phát triển du lịch di sản bền vững giữa các vùng miền… Tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

PV

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *