Nghệ thuật

Thưởng thức vở kịch kinh điển  “Antigone” tại Hà Nội

Khán giả yêu thích sân khấu Thủ đô sẽ được thưởng thức vở kịch “ANTIGONE” của nhà soạn kịch nổi tiếng Hy Lạp Sophokles trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ vào các tối 16, 17/4 và 23, 24/4/2022.

Tác phẩm của đạo diễn NSƯT Trần Lực – Ảnh: Viện Goethe Hà Nội

“Antigone” là một tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới với sức sống gần 2.500 năm, phản ánh rõ nét bản chất con người cùng vị trí của họ trong xã hội. Tác phẩm nói về lòng trung thành với gia đình và với đất nước, về phẩm giá con người và sự gắn kết xã hội, về tiến trình lịch sử và sự quan trọng của các cá nhân trong xã hội.

Vở kịch “Antigone” của Sophocles là một tác phẩm văn chương vĩ đại của thế giới. Trong 2.500 năm, những chất liệu kịch của “Antigone” đã truyền cảm hứng cho giới sáng tác và thách thức sự soi chiếu bản chất con người cùng vị trí của họ trong xã hội. Đưa “Antigone” lên sân khấu đồng nghĩa với việc so sánh thực tại của chúng ta với những chất liệu kịch ấy. Điều này có nghĩa là đưa những nhân vật nữ trong lịch sử cùng thái độ, phẩm cách của họ khi đứng giữa sự sống và cái chết vào trong ngữ cảnh đương đại.

Tác phẩm của đạo diễn NSƯT Trần Lực – Ảnh: Viện Goethe Hà Nội

Vở kịch “Antigone” của Sophocles có thể còn xa lạ với đại bộ phận công chúng tại Việt Nam. Nhưng nếu biết, ta có thể thấy tác phẩm này có nhiều tương đồng với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du khi cùng đề cập đến thân phận người phụ nữ mà cụ thể ở đây là nàng Antigone và nàng Kiều. Giống như Kiều, Antigone xuất thân từ một gia đình gia giáo, cô cũng phải đưa ra các quyết định mang tính đạo đức xuất phát từ lý do đạo đức để rồi sau đó cô phải gánh chịu hậu quả của hệ thống quyền lực và cai trị trong xã hội thời ấy. Từ câu chuyện của mình, Antigone có thể vừa là tấm gương, cũng vừa là sự khơi gợi những suy ngẫm cho chúng ta.

Antigone là cô con gái của gia đình Oedipus, nơi khởi nguồn của bi kịch. Câu chuyện “Antigone” bắt đầu từ cuộc tranh dành quyền lực giữa hai người anh trai của cô. Cả hai sau đó đều chết trong trận chiến. Vua Creon, vị vua kế vị ra lệnh rằng, người anh bảo vệ thành phố sẽ được chôn cất còn người anh còn lại, kẻ đã mang quân tiến đánh thành phố thì sẽ không xứng đáng với một ngôi mộ. Antigone bất tuân luật lệ và chôn cất người anh trai đáng lẽ không được chôn. Cô chống lại luật lệ của Creon. Và vì vậy Antigone phải chết.

Tác phẩm của đạo diễn NSƯT Trần Lực – Ảnh: Viện Goethe Hà Nội

Vở kịch “Antigone” kể về sự đối nghịch luân phiên giữa luật nhân tạo và luật tự nhiên, trật tự do nhà cầm quyền sắp đặt và trật tự phổ quát. Vở kịch phơi bày mối nguy của một chế độ thống trị tuyệt đối và ngụ ý một trật tự mới nơi không có kẻ thống trị tuyệt đối.

Dự án sân khấu “Antigone” trình diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ được Viện Goethe hợp tác cùng các đạo diễn sân khấu: NSƯT Trần Lực, NSƯT Bùi Như Lai giới thiệu tới khán giả 2 phiên bản của vở kịch, mỗi tác phẩm sẽ là một cách diễn giải đặc biệt về “Antigone”. Hy vọng đây sẽ là những đêm diễn với nhiều mới lạ và hấp dẫn với công chúng yêu sân khấu Thủ đô.

Lan Hương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *