Văn hóa

Thụy Khuê: giữ hồn Việt từ những cổng làng

Tồn tại từ nhiều đời, trải qua mưa nắng, những cổng làng trên phố Thuỵ Khuê, (quận Tây Hồ) vẫn trầm mặc nằm đó. Dù Thủ đô hiện đại đến đâu thì cái hồn cốt vẫn còn ngự trị, nhất là với người dân Kẻ Bưởi. Giữa một Hà Nội ồn ào, náo nhiệt, ít […]

Tồn tại từ nhiều đời, trải qua mưa nắng, những cổng làng trên phố Thuỵ Khuê, (quận Tây Hồ) vẫn trầm mặc nằm đó. Dù Thủ đô hiện đại đến đâu thì cái hồn cốt vẫn còn ngự trị, nhất là với người dân Kẻ Bưởi.

Giữa một Hà Nội ồn ào, náo nhiệt, ít ai biết rằng, những chiếc cổng làng ngay giữa lòng Hà Nội từ bao đời nay vẫn trầm mặc nằm đó. Phố Thụy Khê có tới gần chục cổng làng tồn tại từ nhiều đời bởi nơi đây từng là làng quê yên ả bao bọc Kinh thành Thăng Long, đây cũng là con phố có nhiều cổng làng nhất Hà Nội.

1

 Cổng làng Hồ có diện tích lớn nhất so với các cổng khác trên con phố Thụy Khuê. Trước đây, cổng chính của làng Hồ chỉ được mở vào ngày hội còn hiện nay, cổng làng mở quanh năm.

Nằm song song với bờ phía Nam của hồ Tây, phố Thuỵ Khuê thuộc địa phận quận Tây Hồ. Mạn phía Tây của phố Thụy Khuê, nơi tiếp giáp với đường Bưởi, là nơi tập trung với mật độ cao những công trình mang dáng vẻ cổ kính. Đó là khoảng một chục cánh cổng làng mang đậm dấu ấn thời gian với đôi câu đối chữ Nho chào đón khách ở hai bên. Đó là những mái đình, mái đền rêu phong cũ kỹ… Những công trình này là di sản của những ngôi làng đã tồn tại từ nhiều thế kỷ bên bờ Nam hồ Tây vốn được biết đến với tên gọi chung là Kẻ bưởi.

Những chiếc cổng làng nằm rải rác trên cả con phố, nhưng tập trung nhiều nhất ở cuối đường Thụy Khuê, gần về phía ngã ba chợ Bưởi, phải có tới chục chiếc cổng làng. Người dân vẫn thường xuyên tụ tập buôn bán trước cổng, dựa lưng vào cổng tếu táo những câu chuyện thường ngày, xua đi sự mệt mỏi bươn chải với cuộc sống. Cổng làng dần trở thành điểm dựa để người và người gần lại với nhau.

2

Cổng làng Yên Thái, số 562 Thụy Khuê. Làng Yên Thái vốn nổi tiếng với nghề làm giấy dó. Cổng được treo 4 chữ vàng “Mỹ Tục Khả Phong” do triều đình Tự Đức thứ 19 (1867) ban.

Nằm liền kề nhau dọc theo trục phố Thụy Khuê ngày nay, theo thứ tự đó là những làng Yên Thái, An Tho, Đông Xã, Hồ khẩu và Thụy Khuê. Cổng làng Yên Thái, số 562 Thụy Khuê. Đây là nơi được Vua Tự Đức đặt 4 chữ vàng “Mỹ tục khả phong” vào năm 1867. Làng Yên Thái vốn nổi tiếng với nghề làm giấy dó, cách cổng làng Yên Thái không xa là cổng Hậu của làng An Thọ. Cổng Hậu nhìn từ bên trong. Một khung cảnh mang màu sắc hoài cổ ở ngách 530 Thụy Khuê Cổng Giếng dẫn vào làng Hồ Khẩu, số 378 Thụy Khuê. Cổng chính của làng Hồ Khẩu, đã được trùng tu năm 1998, nhưng hiện giờ đang có những biểu hiện xuống cấp. Cổng làng Đông Xã, số 444 Thụy Khuê. Cổng xanh, một cổng khác của làng An Thọ, số 514 Thụy Khuê. Tòa nhà Ủy ban nhân dân phường Bưởi, số 528 Thụy Khuê. Cổng Chùa, một cổng phụ của làng Hồ Khẩu, số 370 Thụy Khuê Trên phố Thụy Khuê còn có đền thờ Vệ Quốc đại vương thời Lý, được lập từ năm 1128. Đền thờ hai anh em Cống Lễ và Cá Lễ, hai nhân vật truyền thuyết thời Lý có công dẹp giặc giữ nước. Đền Voi Phục thuộc địa phận làng Thụy Khuê cũ, nơi thờ Uy Linh Lang Đại Vương, một vị hoàng tử thời Lý đã có công lớn trong cuộc chiến chống quân Tống xâm lược năm 1077.

Trải qua hàng chục, hàng trăm năm lịch sử, giữa sự thay đổi chóng mặt của Thủ đô, những cổng làng nằm trên phố Thụy Khuê vẫn tồn tại vững trãi, uy nghi. Những cổng làng cổ kính nằm xen kẽ với những cửa hàng, những toà nhà sang trọng tạo nên một không gian làng xã mang đậm bản sắc văn hoá Việt. Đây cũng là nét đặc trưng rất riêng của phố Thuỵ Khuê, Hà Nội.

Ngày nay, để làm đẹp mỹ quan đô thị, hầu hết những chiếc cổng làng trên phố Thụy Khuê được tu bổ, cải tạo nhưng vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổng làng xưa, lưu giữ hồn Việt, hồn quê. Điều này tạo cho phố Thụy Khuê một không gian làng xã ấm cúng, một nét đẹp rất riêng mà không con phố nào khác ở Hà Nội có được.

Ngọc Lân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *