Tiêu điểm Hà Nội

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp với những biến chủng mới có thể lây lan nhanh. Việt Nam xác định chỉ có tiêm vắc-xin cho mọi người dân là biện pháp hiệu quả nhất nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng

Ngày 20/7/2021, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 7450/VP-KGVX về triển khai truyền thông Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, năm 2021-2022.

Công văn nêu rõ: UBND Thành phố nhận được Kế hoạch số 1063/KH-BYT ngày 16/7/2021 của Bộ Y tế về truyền thông Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021-2022 với chủ đề: “Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”. Trong đó, đề nghị từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022, tập trung triển khai các hoạt động truyền thông, trong đó: Vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19; vận động người dân sử dụng ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” để quản lý hoạt động tiêm chủng cá nhân; vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt; vận động người dân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam.

Bên cạnh đó, truyền thông về những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đàm phán, mua và cung ứng vắc-xin phòng Covid-19 về Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sử dụng vắc-xin của chiến dịch, hướng tới tiêm chủng cho trên 70% dân số Việt Nam để đạt được miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Hiệu quả của tiêm chủng vắc-xin trong phòng, chống dịch Covid-19, nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường; phát động, thực hiện chiến dịch, các kết quả đạt được, sự phối hợp liên ngành, phối hợp của Trung ương, địa phương để vận động người dân tham gia, ủng hộ chiến dịch, đi tiêm chủng khi đến lượt; công tác cung ứng vắc xin cho chiến dịch, bảo đảm an toàn tiêm chủng, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng và các hoạt động khác của chiến dịch…

Truyền thông về những nỗ lực, tạo điều kiện để các loại vắc-xin đang được nghiên cứu, thử nghiệm tại Việt Nam sớm được sản xuất và phê duyệt nhằm phục vụ nhu cầu tiêm chủng trong nước; cũng như đẩy nhanh việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật để sản xuất vắc-xin nước ngoài tại Việt Nam, góp phần tạo nên an ninh vắc-xin phòng Covid-19 cho Việt Nam. Phát hiện, nêu gương những cá nhân điển hình trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng an toàn, đạt hiệu quả cao…

Về việc trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Hà Nội giao Sở Y tế Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch nêu trên; báo cáo Bộ Y tế và UBND Thành phố đúng quy định.

Phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 của thành phố Hà Nội

Ngày 21/7, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Văn bản số 170/PA-UBND về Phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet

Mục đích triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên quy mô lớn của thành phố để phòng ngừa chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Trong đó, yêu cầu tiêm chủng sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất với yêu cầu thực hiện tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày. Đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho các lực lượng tham gia tiêm chủng và người dân. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các Ban, ngành, Đoàn thể… tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Hệ thống tiêm chủng của Thành phố sẽ được xây dựng trên nền tảng phục vụ chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã giữ vai trò chủ yếu trong công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; việc tổ chức tiêm chủng được thực hiện tại các Trạm Y tế và một số bệnh viện. Ngoài ra, còn có các điểm tiêm chủng vắc-xin dịch vụ tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Hiện tại, Việt Nam đang sử dụng các loại vắc-xin phòng Covid-19 của các hãng Astra Zeneca, Pfizer, Moderna và Sinopharm; theo hướng dẫn của Bộ Y tế các vắc-xin này đều được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, riêng vắc-xin AstraZeneca, theo hướng dẫn của nhà sản xuất được tiêm cho người từ 18-65 tuổi (người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính cần thận trọng trong tiêm chủng). Thành phố sẽ tiếp tục căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất để điều chỉnh độ tuổi tiêm chủng phù hợp theo từng thời điểm.

Về thứ tự ưu tiên đối tượng tiêm sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 21 ngày 26/2/2021 với 13 nhóm đối tượng, đồng thời, mở rộng sang các đối tượng khác và đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vắc xin.

Về phân bổ đối tượng và số mũi tiêm/ngày cho từng quận, huyện, thị xã, theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội, dân số Hà Nội đến ngày 31/12/2020 có 8.317.640 người và 605.698 người ngoại tỉnh lưu trú trên địa bàn Thành phố, tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 18-65 tuổi là độ tuổi có chỉ định tiêm vắc xin AstraZeneca theo hướng dẫn của nhà sản xuất (độ tuổi trên 65 tuổi thận trọng khi chỉ định tiêm) chiếm 62,3%. Tuy nhiên, theo thống kê nhanh từ các đợt tiêm vắc xin AstraZeneca vừa qua, tỷ lệ tiêm đạt khoảng 70% (có 30% đối tượng có chống chỉ định tiêm hoặc không đến tiêm). Từ các số liệu này sẽ tính ra tổng số đối tượng phải tiêm của từng quận, huyện, thị xã. Trong năm 2021, Thành phố sẽ triển khai chiến dịch ngay khi tiếp nhận vắc xin đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu. Thời gian cụ thể theo các đợt phân bổ vắc xin của Bộ Y tế và nguồn cung ứng vắc-xin (nhập khẩu và sản xuất trong nước) của thành phố Hà Nội.

Khi nguồn vắc xin chưa đủ, Thành phố sẽ phân bổ số lượng vắc-xin cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên: có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung… Khi có đủ vắc xin sẽ triển khai đồng loạt trên toàn Thành phố. Ngoài ra, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai chiến dịch sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm đảm bảo tối ưu nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh với nguyên tắc: Ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng ở các quận, huyện đang có dịch (theo Nghị quyết số 21 ngày 26/02/2021 của Chính phủ).

Về nguyên tắc phân bổ trong trường hợp tiếp nhận cùng lúc nhiều loại vắc-xin, theo Phương án được UBND TP ban hành thì các loại vắc-xin đều được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận về khả năng đáp ứng miễn dịch và tính an toàn, vì vậy, việc phân bổ vắc-xin được thực hiện như sau: Tiêm mũi 01 bằng loại vắc xin nào thì tiêm trả mũi 02 bằng loại vắc-xin đó, với người được tiêm mũi 01 bằng vắc-xin của AstraZeneca, có thể tiêm mũi 02 bằng vắc-xin của Pfizer, khoảng cách từ 08 – 12 tuần sau tiêm mũi 01; vắc-xin có hạn sử dụng ngắn cấp phát trước.

Để tránh thắc mắc, khiếu nại, đảm bảo công bằng, minh bạch trong phân bổ vắc xin cho các quận, huyện, thị xã sẽ tăng cường công tác truyền thông tới các cấp chính quyền và người dân để đồng thuận theo chủ trương của Thành phố và có thể đề xuất phân bổ vắc xin như sau: Thành phố sẽ phân bổ chỉ 01 loại vắc-xin tại cùng thời điểm, các đơn vị triển khai tiêm hết loại vắc-xin này mới chuyển sang loại vắc-xin khác, nhưng phải dự trù đảm bảo tiêm đủ 02 mũi vắc xin cùng loại cho 01 người và tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 01 loại vắc-xin ở cùng 01 thời điểm; Các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm phân bổ vắc-xin cho các điểm tiêm theo số lượng đối tượng đăng ký và theo đúng nhóm đối tượng đã được hướng dẫn.

Bên cạnh đó, Phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 được UBND TP ban hành cũng nêu rõ hình thức thức tổ chức và bố trí nhân lực cho dây chuyền tiêm chủng, điều kiện đảm bảo an toàn tiêm chủng; Kế hoạch truyền thông về chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; Công tác quản lý đối tượng tiêm chủng; Công tác đào tạo, tập huấn; Công tác tiếp nhận, bảo quản vắc-xin và vật tư phục vụ công tác tiêm chủng chiến dịch; Tổ chức điểm tiêm chủng; Công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo; Nguồn kinh phí thực hiện chiến dịch…

 

Hằng Kiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *