Tin ngành

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận và truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn Huy làng Sủi, Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội

Sáng 28/12/2018, tại tiền đường Nhà Thái học, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tổ chức Hội thảo khoa học Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận và truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn Huy – làng Sủi, Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội.


Hội thảo là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 340 năm ngày sinh của Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận (1678-2018), nhằm đánh giá những đóng góp của Danh nhân Nguyễn Huy Nhuận đối với sự nghiệp văn hóa, chính trị và truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn Huy đối với quê hương, đất nước.
Nguyễn Huy Nhuận còn có tên là Nguyễn Quang Nhuận, người làng Sủi, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Đây là làng khoa bảng nổi tiếng của xứ Kinh Bắc xưa. Năm 26 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Chính Hòa 24 (1703) đời vua Lê Hy Tông.
Trong thời gian tại nhiệm, ông có nhiều công lao đối với đất nước và nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình Lê – Trịnh như: Năm Vĩnh Thịnh Mậu Tý (1708) ông làm Phó Đô Ngự sử, được chúa ban cho tước Nghĩa Xuyên hầu (1708). Năm Bảo Thái Quý Mão (1723), ông sung Phó sứ sang nhà Thanh. Năm Bính Ngọ (1726) đi sứ về, được thăng Tả thị lang Bộ Hình, Triệu Quận công, ít lâu sau đổi Tả thị lang Bộ Binh. Năm Long Đức Quý Sửu (1733), thăng Thượng thư Bộ Công. Mùa thu, Giáp Dần (1734), ông lại được làm Thượng thư bộ Lễ, hàm Thiếu phó, được vào phủ làm Tham tụng, cùng với Nguyễn Công Thái, Nguyễn Quý Cảnh cùng cầm quyền chính. Bấy giờ bốn phương nhiều giặc giã, giấy tờ việc binh bề bộn, ông nắm giữ hết cả việc quân việc dân, cai quản tướng sĩ, khuyên răn quan lại, yên dân, dẹp giặc có nhiều công lao, trải thăng Thượng thư Bộ Hộ kiêm Thượng thư Bộ Binh, hàm Thái bảo, vào hầu giảng tòa Kinh Diên, coi việc Quốc Tử Giám.
Đối với Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận để lại những dấu ấn không nhỏ: Ông từng đảm nhiệm chức Tri Quốc Tử Giám; từng dâng sớ lên vua Lê, chúa Trịnh đề nghị thay đổi phẩm phục cổn miện cho thánh tượng thờ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám để bày tỏ lòng kính trọng đối với người thầy tiêu biểu của muôn đời. Lệ dùng phẩm phục đế vương cho thánh tượng thờ ở Văn Miếu bắt đầu từ đấy.
Đối với nền giáo dục khoa cử, Nguyễn Huy Nhuận từng đảm nhiệm chức Giám thí khoa thi năm Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1721) và là Tri Cống Cử khoa thi năm Quý Hợi, Cảnh Hưng thứ 4 (1743). Về sự nghiệp trước tác, hiện ông còn 2 bài thơ được chép trong Toàn Việt thi lục, soạn 1 văn bia “Hậu thần bi ký” ở Đền thờ Tiến sĩ, Tế tửu Quốc Tử Giám Trần Xuân Yến (Hải Dương), nhuận văn bia “Trù Phong tự bi ký” ở chùa Hồ Thiên, Quảng Ninh.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận mất năm Mậu Dần niên hiệu Cảnh Hưng (1758), thọ 81 tuổi. Sau khi mất, được truy tặng chức Đại Tư mã. Sử thần Phan Huy Chú xếp ông là “Người phò tá có công lao tài đức” thời Lê Trung Hưng.

TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát biểu tại Hội thảo.

Nguyễn Huy Nhuận là vị Tiến sĩ khai khoa của đất Phú Thị nói chung và dòng họ Nguyễn Huy nói riêng, được tôn xưng là ông tổ của các Tiến sĩ trong làng. Với 27 bài tham luận, Hội thảo khoa học “Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận (1678-1758) và dòng họ khoa bảng Nguyễn Huy – làng Sủi, Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội”, tập trung nghiên cứu về con người và sự nghiệp Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận; Truyền thống hiếu học, khoa bảng và những đóng góp của các nhà khoa bảng dòng họ Nguyễn Huy với quê hương, đất nước; Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa dòng họ Nguyễn Huy.
Đánh giá về Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận và truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn Huy ở Làng Sủi, Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội, TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho rằng: Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận là người đã để lại những dấu ấn trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục ở thế kỷ XVIII. Tri Quốc Tử Giám Nguyễn Huy Nhuận, một người Thầy đóng vai trò quan trọng với sự nghiệp “bồi dưỡng nhân tài để cho nhà nước dùng” tại trường Giám, là tấm gương sáng cho đời sau, cho quê hương, dòng họ. Người con ưu tú của dòng họ, là người khai khoa của dòng họ Nguyễn Huy của làng Sủi, Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội đã để lại di sản quý báu, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ cho các thế hệ con cháu của dòng họ tiếp tục bồi đắp, làm giàu thêm truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, điều mà không phải dòng họ nào cũng làm được trong bối cảnh hiện nay.

Ngân Nguyễn 

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *