Di sản – Bảo tồn

Tìm hướng đi cho tranh Đông Hồ

 Nhóm Lối Xưa thảo luận về dự án Đông Hồ Focus” Đó là mục đích của dự án “Đông Hồ Focus” do 3 bạn trẻ đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện khi tham gia chương trình Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam năm […]

1

 Nhóm Lối Xưa thảo luận về dự án Đông Hồ Focus”

Đó là mục đích của dự án “Đông Hồ Focus” do 3 bạn trẻ đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện khi tham gia chương trình Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam năm 2016. Từ ý tưởng độc đáo, đó là sử dụng công nghệ thông tin để lưu giữ tranh Đông Hồ, các bạn trẻ  nhóm Lối Xưa đã tìm ra giải pháp được đánh giá là rất khả thi nhằm cứu một di sản làng nghề trước nguy cơ mai một.

Từ một đường link giới thiệu về cuộc thi do Quỹ Văn hóa Hà Nội phát động, bạn Nguyễn Thu Trang, một trong ba thành viên của nhóm Lối Xưa đã kết nối với 2 người bạn cùng trường là Đinh Hồng Hạnh và Bùi Thị Thùy Linh, những người đã từng đồng hành trong nhiều cuộc thi trước đó do trường Đại hội Kinh tế quốc dân tổ chức để bắt đầu hành trình trải nghiệm di sản. Đứng trước 5 làng nghề do Ban Tổ chức đặt ra, nhóm quyết định đến với làng tranh Đông Hồ, bởi cảm nhận đầu tiên của các bạn về dòng tranh này, đó là những tác phẩm rất đẹp, giàu giá trị nghệ thuật và được công chúng yêu thích, nhưng thực tế lại không có nhiều người mua, vì họ không thực sự quan tâm tới dòng tranh dân gian này.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao tranh Đông Hồ lại đứng trước nguy cơ mai một, nhóm đã đưa ra hai giả thiết, hoặc là do sản phẩm có vấn đề, hoặc là do còn hạn chế trong vấn đề truyền thông. Càng tìm hiểu sâu, nhóm càng thấy được giá trị đích thực của sản phẩm, đó là những bức tranh mộc mạc, vui tươi, nội dung gắn với sinh hoạt hàng ngày, hoặc miêu tả chân thật về những phong phục tập quán, lễ thức của làng quê cổ xưa. Thể loại của tranh lại rất đa dạng, khi là tranh thơ, tranh sinh hoạt thường nhật, khi lại là tranh lịch sử, tranh vẽ theo tích truyện, hoặc tranh cảnh vật…Tranh Đông Hồ thường dùng bản khắc để in, mỗi bản là một màu. Màu vẽ thường lấy từ thiên nhiên như: màu trắng thì lấy từ vỏ con điệp ngoài biển, mà đỏ lấy từ sỏi son trên đồi núi, màu vàng lấy từ hoa hòe, màu đen lấy từ tro lá tre…giấy in cũng vô cùng đặc biệt, được làm từ vỏ cây dó trên rừng…Sự đặc sắc hiếm có của tranh Đông Hồ khiến cả nhóm nhận thấy giải pháp của đề án này không nằm ở chất lượng sản phẩm, mà nằm ở vấn đề truyền thông.

“Ngay cả truyền thông thì cũng có nhiều giải pháp khác nhau, hoặc là tổ chức hội chợ, triển lãm, hoặc là tăng cường quảng bá…tuy nhiên, giải pháp có tính lâu dài và có khả năng tổng hợp các nhóm giải pháp, đó chính là thành lập một trang web nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm”- bạn Đinh Hạnh, một thành viên của nhóm chia sẻ. Vậy là sau 1 tuần đi tìm ý tưởng, chỉ vỏn vẹn trong  vòng 10 tiếng, nhóm đã hoàn thành xong đề án, trong đó điểm nhấn là trò chơi trực tuyến “Trải nghiệm làm tranh Đông Hồ online”, trong đó tập trung vào 4 nhóm không gian, đó là chất liệu sản phẩm, xưởng tranh, chợ phiên và đấu trường. Ở đó, người chơi có thể đóng vai là một nghệ nhân trải nghiệm các quy trình làm tranh từ bước chọn bản khắc, dọc tranh cho tới đóng khung, theo các cấp độ từ dễ đến khó, theo số lượng màu sắc và số lượng bản khắc. Bên cạnh đó, người chơi còn có thể sáng tạo tranh theo ý thích của riêng mình; được tham gia chợ phiên để mua, bán tranh hoặc tặng tranh cho bạn bè thông qua mạng facebook… khi đó người chơi có cơ hội tích lũy điểm thưởng để đặt  tour du lịch trải nghiệm hoặc nhận phiếu giảm giá mua tranh. Bên cạnh đó, người chơi còn được tăng điểm thưởng hoặc tăng cấp độ xếp hạng khi trả lời câu hỏi có sẵn hoặc đặt câu hỏi cho các bạn chơi khác để thử thách hiểu biết về tranh Đông Hồ…Với lợi thế về công nghệ và tính thời đại, nhóm  kỳ vọng trò chơi sẽ tiếp cận tới hơn 1 triệu các em học sinh trên địa bàn Hà Nội trong năm đầu tiên.

2

Nhóm Lối Xưa thuyết trình Đề án tại Cuộc thi Di sản thế hệ tôi

 Xuất sắc về ý tưởng, khả thi về việc triển khai Đề án, nhóm Lối Xưa đã vượt qua 6 nhóm khác giành giải nhất cuộc thi “Di sản thế hệ tôi”. Tại lễ tổng kết chương trình Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam năm 2016, Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định: “Đông Hồ focus” là một dự án khả thi, có thể triển khai trong thực tế vì được xây dựng dự trên sự hiểu biết và khảo sát chi tiết về trực trạng của làng nghề. Về cơ bản, đó là ý tưởng mới mẻ và độc đáo, nếu nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ các nhà quản lý, nhà khoa học và chính quyền địa phương thì rất có giá trị trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề. Nghệ nhân Nguyễn Khắc Chế, Giám đốc Trung tâm Giao lưu tranh Đông Hồ cũng đồng tình với nhận định này và cho biết ông sẽ tiếp tục nghiên cứu ý tưởng của nhóm Lối Xưa với trách nhiệm của người làm tranh và yêu tranh Đông Hồ. Hiện tại, nhóm đã đăng ký một tài khoản thương mại hóa để chạy thử phần mềm. Hy vọng, dự án sẽ là một giải pháp khả thi nhằm tạo điều kiện cho giới trẻ được tiếp xúc với làng nghề và di sản làng nghề, qua đó góp phần tôn vinh giá trị di sản của làng nghề trong dòng chảy thời đại.

                                                                             Thanh Mai

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *