Bảo tồn - Bảo Tàng

Tranh dân gian Việt Nam – những dấu ấn của tâm linh

Ngày 18/8, Bảo tàng Hà Nội cùng nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm Sứ Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam”.

Tranh gói vải - một dòng tranh tạo hình nổi trên lụa từng nổi danh một thời khắp vùng Nam Bộ từ năm 1953 cho đến 1964
Tranh gói vải – một dòng tranh tạo hình nổi trên lụa từng nổi danh một thời khắp vùng Nam Bộ từ năm 1953 cho đến 1964

Triển lãm trưng bày 200 hiện vật, trong đó có 50 hiện vật của Bảo tàng Hà Nội. Điểm nhấn trong triển lãm lần này là bộ sưu tập mộc bản kinh phật, mộc bản tranh thập vật,tranh làng Sình của bảo tàng. Có thể nói, khởi nguồn của tranh dân gian chính là từ bản khắc kinh phật, hình vẽ của các vị phật trên kinh phật. Đây chính là mộc bản của tranh làng Sình và tranh thập vật được coi là một trong những hiện vật vô cùng quý giá cũng như là điểm nhấn của trưng bày lần này.
Triển lãm dành phần lớn đai trưng bày tranh Hàng Trống. Tranh Hàng Trống có 2 loại là tranh thờ và tranh tết, trong đó 80% là tranh thờ. Điểm nổi bật nhất trong trưng bày lần này ở dòng tranh hàng Trống đó chính là tranh thờ mẫu. Tranh Hàng Trống nét mảnh, tinh, yểu điệu, do sử dụng được màu phẩm nên hòa sắc của tranh Hàng Trống rất phong phú, gợi được khối của không gian. Màu trường là lam – hồng, có thêm lục – đỏ, da cam – vàng. Màu phẩm tô bằng tay sau khi đã in các nét đen, pha ít hay nhiều nước mà có màu đậm nhạt. Tranh chỉ tạo khối ở nhân vật, không có khái niệm về không gian xa, gần. Đến nay dòng tranh Hàng Trống chỉ còn một mình họa sĩ Lê Đình Nghiên, xưởng vẽ ở phố Cửa Đông Hà Nội hiện còn lưu giữ khoảng 50 ván in Hàng Trống, cổ nhất có tuổi chừng 200 năm.

Tranh Hàng Trống
Tranh Hàng Trống

Trong các loại tranh chơi Tết của vùng châu thổ Bắc Bộ, tranh dân gian Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ là điển hình hơn cả. Ra đời từ khoảng thế kỉ 16 – 17 và phát triển cho đến nửa đầu thế kỉ 20 sau đó suy tàn dần. Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Trên nền giấy ấy, một số tờ tranh chỉ cần diễn hình bằng nét đen, phần lớn bảng màu của tranh sử dụng chất liệu trong tự nhiên như trắng của sò điệp , đen của than lá tre già, đỏ của gỗ vang, xanh của lá chàm, vàng của hoa hòe,… Những màu nguyên ấy đều được in mảng bẹt cạnh nhau không cần màu trung gian. Hiện nay, tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một do tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu thẩm mĩ của người dân thay đổi. Làng tranh Đông Hồ chỉ còn hai dòng họ vẫn giữ được nghề truyền thống là dòng họ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Đăng Giáp và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Chính phủ đồng ý lập hồ sơ trình UNESCO và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, loại hình Nghề thủ công truyền thống tháng 12 năm 2012.

Tranh Đông Hồ
Tranh Đông Hồ

Cũng là dòng tranh mộc bản nhưng tranh làng Sình ở cố đô Huế khác với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) bởi chức năng duy nhất là phục vụ thờ cúng, cúng xong là đốt. Vì vậy, đến nay chỉ còn những bản khắc gỗ là hiện vật quý giá còn lưu giữ được ở nhà ông Kỳ Hữu Phước – một nghệ nhân làm tranh lâu năm ở làng Sình. Với khoảng hơn 50 đề tài tranh phản ảnh tín ngưỡng cổ sơ, người dân thờ tranh cầu mong người yên, vật thịnh… Điểm nổi bật ở tranh làng Sình là đường nét và bố cục còn mang tính thô sơ chất phác một cách hồn nhiên. Nhưng nét độc đáo nhất của nó lại là ở chỗ tô màu. Khi đó nghệ nhân mới được thả mình theo sự tưởng tượng của bản thân mình.

Tranh làng Sình
Tranh làng Sình

PGS-TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế đã khẳng định: “Tranh dân gian làng Sình với những giá trị nghệ thuật dân gian xứ Huế không chỉ hàm chứa và thực hiện chức năng tâm linh, cúng lễ mà trong chúng còn chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, tác động đến tình cảm, thị hiếu của số đông nhân dân. Đó là những di sản quý giá, những nét truyền thống văn hoá tạo hình và tâm linh của dân tộc đã được trãi qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử”.

PGS-TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế
PGS-TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế

Bên cạnh những dòng tranh dân gian quen thuộc, tại Triển lãm còn có nhiều dòng tranh còn xa lạ với nhân dân Thủ đô và du khách, các dòng tranh đặc trưng của nhiều vùng, miền trên cả nước, có những dòng tranh gần như đã bị mai một như tranh Gói vải, tranh Thập vật, tranh vải Khmer và nhiều dòng tranh dân gian nổi tiếng như Tranh Kim Hoàng, Tranh Đồ Thế Nam Bộ, Tranh Kính Nam Bộ, Tranh thờ đồng bằng, Tranh Kính Huế, Tranh thờ Miền núi. 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam hội tụ tại Triển lãm với mong muốn giới thiệu bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam với khách tham quan trong nước và nước ngoài đến Hà Nội đồng thời góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy một nền văn hóa lâu đời cũng là một truyền thống quý báu của dân tộc. Triển lãm sẽ kéo dài qua Tết Âm lịch.

Một số hình ảnh tại Triển lãm

IMG_1699

IMG_1706

Bộ sưu tập mộc bản
Bộ sưu tập mộc bản
Con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế làng tranh Đông Hồ đang khắc mộc bản mới - đây là một cách lưu giữ và phát triển nghề truyền thống
Con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế làng tranh Đông Hồ đang khắc mộc bản mới – đây là một cách lưu giữ và phát triển nghề truyền thống
Triển lãm thu hút được nhiều người xem
Triển lãm thu hút được nhiều người xem

Thúy Nga

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *