Triển lãm

Triển lãm 20 tác phẩm hội hoạ khắc họa vẻ đẹp của những kiến trúc cổ Việt Nam

Ngày 21/05/2022, tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Dự án Phi lợi nhuận về Văn hoá và Giáo dục Gavisto Diplomat đã khai mạc tuần lễ triển lãm “Kỳ ẩn Việt Nam” với 20 sáng tác đầu tay của Hoạ sĩ Nguyễn Thanh Vũ.

Các đại biểu tham dự và nghe hoạ sĩ Nguyễn Thanh Vũ giới thiệu về các tác phẩm của mình tại Triển lãm.

Đây là một Bộ sưu tập tranh giới thiệu những kiến trúc cổ ở khắp mọi miền đất nước. Có những công trình vẫn sừng sững với thời gian, số khác từ lâu đã ẩn mình, những gì còn lại chỉ là nền móng và dĩ vãng trong sách vở. Dưới góc nhìn của hội họa, kiến trúc, hoạ sĩ Nguyễn Thanh Vũ đã khoác lên những kiến trúc ấy một lớp áo khác, có mạnh mẽ, sinh động, cũng có trầm lắng, tĩnh lặng.

Hoạ sĩ Nguyễn Thanh Vũ sinh năm 1995, tốt nghiệp đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Anh có đam mê lớn với hội họa, đặc biệt là sơn dầu. Anh quan niệm hội họa là loại hình quan trọng của văn hóa và phản ánh tính chất của thời cuộc. Theo đuổi trường phái Hậu ấn tượng, Nguyễn Thanh Vũ mong muốn truyền tải được sự mạnh mẽ giàu sức sống, nhiệt huyết cũng như tươi trẻ, bình yên thông qua các tác phẩm của mình. Nguyễn Thanh Vũ cũng dành một tình yêu lớn đối với các kiến trúc cổ của nước nhà, nên anh đã kết hợp đam mê ở 2 lĩnh vực kiến trúc và hội hoạ ở triển lãm đầu tay này. Với mong muốn được giới thiệu tới tất cả các quý vị khán giả những kiến trúc cổ ở Việt Nam và từ đó khơi dậy những giá trị và vẻ đẹp của loại hình kiến trúc cổ đối với người thưởng lãm, hoạ sĩ Nguyễn Thanh Vũ đã mang đến triển lãm “Kỳ ẩn Việt Nam” 20 sáng tác đầu tay. Đặc sắc có thể kể đến nóc nhà Rông ở buôn làng Tây Nguyên – biểu tượng của ý chí, khát vọng; tháp Báo Thiên – thời vua Lý Thánh Tông – một trong tứ đại bảo vật nhằm chấn hưng nguyên khí của người Việt; Vương cung thánh đường Sở Kiện – nhà thờ lâu đời gần 140 năm tuổi hội tụ phong cách kiến trúc Đông – Tây độc đáo,… Ẩn sau vẻ đẹp của mỗi công trình là một câu chuyện lịch sử riêng biệt và những bài học còn nguyên giá trị đến tận ngày nay. Hay các bức: Đầm Cầu Hai, Cổng Tò Vò, Chiều Lũng Cú, Bãi đá thảo nguyên Cù lao Xanh, Nhà thờ đổ Hải Lý và Khuê Văn Các… Những bức tranh lần đầu tiên được công bố này tập trung khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ và những địa danh giàu văn hóa, lịch sử của Việt Nam.

Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát biểu tại buổi khai mạc Triển lãm.

Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, định hướng của Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong thời gian tới là mong muốn sẽ trở thành một không gian sáng tạo. Để hiện thực hoá điều đó, trong thời gian vừa qua, cùng với sự phối hợp giúp đỡ của Viện văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Dự án Phi lợi nhuận về Văn hoá và Giáo dục Gavisto Diplomat đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động mang lại hiệu ứng rất tốt. Đó chính là động lực mạnh mẽ để Trung tâm tiếp tục những công việc trong những năm tới, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Để cùng với Thành phố Hà Nội tham gia vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, hôm nay, tại không gian Thư quán – nơi diễn ra các hoạt động văn hoá của Trung tâm, các đại biểu và du khách sẽ được thưởng lãm các tác phẩm hội hoạ của một hoạ sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh trong triển lãm “Kỳ ẩn Việt Nam”. “Với triển lãm này, chúng tôi mong muốn đây sẽ là sự tiếp nối mạch cảm xúc tạo ra những cảm hứng cho các bạn trẻ có những sáng tạo từ nền tảng của di sản, tạo ra năng lượng tích cực cho giới trẻ khi tiếp cận với di sản. Đồng thời cũng là sự kiện mở đầu cho nhiều những sự kiện tiếp theo của năm 2022 và những năm tới được tổ chức tại không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám để hiện thực hoá được định hướng Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một không gian sáng tạo, mang hơi thở của cuộc sống đương đại, có sự góp mặt và đồng hành của những người trẻ để di sản trở thành mạch nguồn cảm hứng nuôi dưỡng tình yêu của người Việt nam nói chung và các bạn trẻ nói riêng khi đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng như các di sản khác” – ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Triển lãm nhận được sự quan tâm của các du khách.

Triển lãm “Kỳ ẩn Việt Nam” như một cơ hội để làm sống lại những điều tưởng như đã cũ, những di tích tưởng như đã bị quên lãng. Con người ta sống để chứng kiến cuộc đời, còn kiến trúc sống để chứng kiến chúng ta, sinh ra, lớn lên và trưởng thành theo năm tháng. Hãy để bản thân một lần được biết đến nhiệm màu của tiền nhân, và biết đâu trong câu chuyện của mỗi tác phẩm, chúng ta sẽ có cơ hội tìm được những mảnh ghép đã mất của chính mình.
Triển lãm mở cửa từ 8:00 sáng đến 4:30 chiều từ ngày 21/05/2022 đến hết ngày 30/05/2022 tại không gian Thư quán (thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám).

Vy Vy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *