Di sản – Bảo tồn

Triển lãm “Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản Tư liệu thế giới” tái hiện bức tranh nền giáo dục và khoa cử Việt Nam thời quân chủ

Chiều 5/3, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày triển lãm chuyên đề “Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản Tư liệu thế giới”.

Chiều 5/3, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Bộ Nội vụ tổ chức khai mạc trưng bày triển lãm chuyên đề “Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản Tư liệu thế giới”.

Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm

Triển lãm giới thiệu đến công chúng, du khách trong và ngoài nước 07 phiên bản Mộc bản triều Nguyễn và 40 giá trưng bày nội dung 56 tài liệu phản ánh về nền khoa cử của Việt Nam xưa được chắt lọc từ 03 Di sản tư liệu thế giới của Việt Nam là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám – nơi từng đào tạo ra nhiều bậc hiền tài của đất nước và là nơi tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng nhân tài, tôn vinh danh nhân văn hóa hiện nay.

Triển lãm chuyên đề “Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản Tư liệu thế giới” không chỉ phần nào tái hiện lại bức tranh sinh động của nền giáo dục và khoa cử Việt Nam thời quân chủ như: quan điểm của nhà nước về giáo dục, khoa cử; chế độ thi cử; danh nhân khoa bảng, ân điển của quốc gia đối với người đỗ đạt,.. được lưu giữ trong các Di sản Tư liệu thế giới mà qua đó quảng bá, tôn vinh giá trị của các di sản tư liệu của Việt Nam đã được thế giới công nhận. Bố cục triển lãm gồm 3 phần: Lịch sử giáo dục và khoa cử Việt Nam qua các triều đại; Quốc Tử Giám – Trung tâm giáo dục cao cấp thời quân chủ; Bia đề danh Tiến sĩ và các nhà khoa bảng tiêu biểu.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Đến với triển lãm, công chúng được xem, được tiếp cận một di sản chúng ta đã gìn giữ, trải qua bao nhiêu thời gian, những thăng trầm của thời cuộc cũng như của thời tiết. Điều đó mang lại cho chúng ta một nhận thức trên một nền tảng khoa học về một lĩnh vực hết sức quan trọng đối với dân tộc chúng ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước đó là khoa cử – đào tạo nhân tài… Đây là những bằng chứng được gìn giữ và bảo tồn, mang tính chất khoa học. Đối với thế giới, đây được coi là một di sản vật thể và tư liệu thế giới được thể hiện rất rõ từ những chứng tích mà chúng ta đang cố gắng bảo tồn và tiếp tục thu thập. Và triển lãm trưng bày này chính là dịp để cho công chúng biết và hiểu được về nền khoa cử của nước ra. Và cũng để thấy được cơ quan lưu trữ không chỉ là nơi để gìn giữ mà quan trọng phải là nơi phổ biến. Trưng bày này là một việc hết sức có ý nghĩa không chỉ riêng của ngành lưu trữ mà là của cả ngành văn hóa nói chung”.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc

Việc phối hợp tổ chức triển lãm nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất 2018 giữa Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, những đơn vị đang trực tiếp bảo quản Di sản tư liệu Thế giới của Việt Nam đã mở ra một hướng mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các Di sản tư liệu thế giới, tạo điều kiện cho công chúng trong và ngoài nước được tiếp cận gần hơn với các di sản tư liệu của Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa của dân tộc.

Triển lãm diễn ra tại sân Đại Bái, Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ ngày 05/3/2018 đến hết ngày 05/4/2018.

Bảo Hân

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *