Văn hóa cơ sở

Triển lãm trưng bày sinh vật cảnh và các sản phẩm làng nghề truyền thống

Các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đã tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn, đa dạng phong phú, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu nhập trong nhân dân, góp phần bảo tồn và giữ gìn giá trị văn hóa của làng nghề.

Nhằm khơi dậy và phát huy thế mạnh của các ngành nghề, làng nghề cũng như các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tôn vinh nét đẹp, tinh hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn xúc tiến thương mại và du lịch, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ngày 14/7, tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, huyện Thạch Thất đã tổ chức Triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và sinh vật cảnh năm 2018.


Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp– tiểu thủ công nghiệp và sinh vật cảnh.

Huyện Thạch Thất nằm ở phía tây thủ đô Hà Nội, trên địa bàn huyện có nhiều làng nghề truyền thống và đã hình thành các khu, cụm công nghiệp sản xuất tập trung, tạo mặt bằng cho nhiều doanh nghiệp, hộ làng nghề ra sản xuất. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Nhiều làng nghề truyền thống của huyện Thạch Thất đã phát huy giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm phong phú có tiếng trên thị trường như: Cơ kim khí nông cụ xã Phùng Xá; mộc Hữu Bằng, Chàng Sơn, Hương Ngải; xây dựng Canh Nậu, Dị Nậu; mây giang đan Bình Phú; chè lam Thạch Xá… Mỗi sản phẩm đều mang những nét đặc trưng riêng của làng nghề. Những năm qua, huyện Thạch Thất đã phát huy được những tiềm năng lợi thế của các làng nghề truyền thống trên địa bàn và huy động tối đa các nguồn lực để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đã tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn, đa dạng phong phú, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu nhập trong nhân dân, góp phần bảo tồn và giữ gìn giá trị văn hóa của làng nghề. Đến nay, toàn huyện có 10 làng nghề được công nhận là Làng nghề truyền thống.


Sản phẩm của làng nghề mộc

Cùng với phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, một số xã của huyện Thạch Thất gồm: Phùng Xá, Hữu Bằng, Đồng Trúc, Tân Xã, Hạ Bằng, Đại Đồng,…đã chú trọng tới nghề trồng cây cảnh. Bắt đầu từ thú chơi cây, giờ đây nghề trồng cây cảnh đã giúp nhiều hộ nông dân làm giàu. Nhiều hộ dân ở Thạch Thất vẫn lưu giữ được những cây có tuổi đời hàng trăm năm. Một trong những “di sản”, đó là cây trâm vối của ông Nguyễn Văn Ngọ (Đồng Trúc) có dáng “quần long hội tụ” được giới chơi cây cảnh đánh giá độc nhất vô nhị ở Việt Nam; “cây sanh lá móng” của anh Nguyễn Kiêm Thực (Hữu Bằng) có tuổi đời khoảng 100 năm; ông Phan Văn Đoan (Hữu bằng) có khoảng 100 cây sanh, si, đa…Một số xã đã thành lập Câu lạc bộ sinh vật cảnh để tạo sân chơi cho các hội viên.

Để bảo tồn và phát triển làng nghề, những năm tới, huyện Thạch Thất sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển nghề và làng nghề như: Tìm giải pháp để vừa phát triển nguồn nguyên, vật liệu chất lượng cao; quan tâm đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ mới, kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ tiên tiến, hiện đại; chuyên môn hóa từng công đoạn, có vệ tinh làm hàng thô, có trung tâm hoàn thiện sản phẩm, đóng gói, giao hàng; liên kết nghệ nhân, nhà thiết kế mỹ thuật, nhà sản xuất, nhà kinh doanh; phát hiện những tài năng mới để bồi dưỡng, đào tạo thành nghệ nhân, bàn tay vàng; triển khai có hiệu quả Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Mai Chi

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *